Thứ 7, 20/04/2024 19:25:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 15:10, 22/01/2013 GMT+7

Bơm xăng thiếu, bán xăng dỏm sẽ bị phạt nặng

Thứ 3, 22/01/2013 | 15:10:38 1,395 lượt xem

 

LTS: Bộ Công thương vừa cho biết, bộ này đã hoàn tất dự thảo nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng để thay thế Nghị định 104/2011/NĐ-CP. Dự thảo này đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân. Theo đó, tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đều tăng mức xử phạt. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính trong dự thảo nghị định này.

* Bơm thiếu xăng sẽ bị tước giấy chứng nhận tới 24 tháng:

Theo quy định tại Nghị định 104/2011/NĐ-CP hiện đang áp dụng, hành vi vi phạm về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu bị phạt theo khung từ 10 - 30 triệu đồng. Để nâng cao tính răn đe, trong dự thảo mới Bộ Công thương đề xuất mức phạt tiền lên mức 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo như tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn cho phép.

Mức phạt trên còn được áp dụng với các hành vi sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đúng quy định về đo lường xăng dầu; sử dụng phương tiện đo xăng dầu không có giấy chứng nhận kiểm định, dấu kiểm định, tem kiểm định theo quy định; không thực hiện kiểm định phương tiện đo trong thời hạn quy định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hoặc có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu.

Nếu đối tượng có hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 1 - 6 tháng. Nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 12 - 24 tháng.

* Mức phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá bán:

Mức phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối quy định; bán sai giá niêm yết do thương nhân đầu mối quy định. Bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối quy định.

Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 1 tháng đến 3 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều này; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 6 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá. Đồng thời, các đối tượng vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc các quy định về niêm yết giá và giá bán xăng dầu đối với vi phạm tại điều này; buộc nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính này.

* Mức phạt về hành vi vi phạm về sử dụng phương tiện đo lường: 

Theo quy định tại Điều 23 của dự thảo nghị định này, mức phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng giấy chứng nhận kiểm định hoặc dấu kiểm định, tem kiểm định phương tiện đo xăng dầu đã hết hiệu lực; sử dụng giấy chứng nhận kiểm định bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo.

Mức phạt tiền từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo như tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đúng quy định về đo lường xăng dầu; sử dụng phương tiện đo xăng dầu không có giấy chứng nhận kiểm định, dấu kiểm định, tem kiểm định theo quy định; không thực hiện kiểm định phương tiện đo trong thời hạn quy định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu.

Ngoài ra, các đối tượng có hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng thức xử phạt bổ sung như sau: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 1 tháng đến 6 tháng; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 12 tháng đến 24 tháng đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá; tịch thu Giấy chứng nhận kiểm định; tịch thu phương tiện đo và các thiết bị khác.

* Mức phạt đối với hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu: 

 Mức phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng. Mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông khi đưa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không bảo đảm chất lượng theo Tiêu chuẩn công bố áp dụng; doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu có hành vi làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc gian lận về chất lượng xăng dầu trong quá trình thực hiện dịch vụ.

Đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 1 tháng đến 6 tháng; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ 12 tháng đến 24 tháng.                                               

PV

  • Từ khóa
22949

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu