Thứ 6, 29/03/2024 04:33:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:22, 11/02/2016 GMT+7

Bom Bo ngày mới

Thứ 5, 11/02/2016 | 09:22:00 257 lượt xem
BP - Màn đêm buông xuống, trên đỉnh đồi khu căn cứ cách mạng sóc Bom Bo xưa, bên ánh lửa bập bùng những chàng trai, cô gái S’tiêng đang say sưa với điệu múa giã gạo nuôi quân; hòa cùng tiếng cồng chiêng của các già làng, người cao tuổi, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong tuyên bố khánh thành giai đoạn 1 Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo ở xã Bình Minh (Bù Đăng), một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

“Một mùa xuân nữa lại về trên sóc Bom Bo. Người dân nơi đây vui vì cái tên Bom Bo được trả về sóc cũ và giai đoạn 1 Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ mang lại nhiều tín hiệu vui cho người dân trong vùng” - già làng Điểu Lên phấn khởi nói.

BOM BO XUÂN VỀ

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng với bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã trở thành huyền thoại. Có lẽ vì thế mà cái tên Bom Bo cũng không còn xa lạ nhưng mỗi lần đến Bom Bo sẽ cho du khách một cảm xúc khác. Bom Bo ngày nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. 

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (giữa) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom BoNguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (giữa) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Từ ngã ba Minh Hưng rẽ trái đi vào khoảng 6km, những ngôi nhà xây tường gạch, mái lợp tôn được xây dựng quanh đỉnh đồi dần dần hiện ra. Đó là khu tái định cư tại chỗ của đồng bào S’tiêng thuộc Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Khu tái định cư được bố trí ngay bên trục đường chính của khu bảo tồn. Các hộ dân được sắp xếp ở liền kề nhau gần các con suối nhỏ, đúng như tập tục sinh hoạt của đồng bào S’tiêng xưa.

Từ trục đường chính, men theo các sườn đồi là những tuyến đường nhánh thông suốt với nhau tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ, với nhiều điểm nhìn và không gian sinh động. Nhà đón tiếp du khách nằm gần cổng chào được thiết kế không gian sân vườn để trưng bày hình ảnh, chân dung, tập tục sinh hoạt và các công cụ lao động của đồng bào S’tiêng. Tiếp đến là những ngôi nhà lưu giữ các làng nghề truyền thống, nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân địa phương và du khách. Hai công trình nhà dài truyền thống của đồng bào S’tiêng được xây dựng quay mặt vào sân lớn, là nơi sẽ diễn ra hoạt động ngoài trời cũng như lễ hội Đâm trâu truyền thống của đồng bào S’tiêng. 

Già làng Điểu Lên cùng những người con ưu tú của đồng bào S’tiêng biểu diễn tiết mục cồng chiêng tại lễ khánh thành giai đoạn 1 khu bảo tồnGià làng Điểu Lên cùng những người con ưu tú của đồng bào S’tiêng biểu diễn tiết mục cồng chiêng tại lễ khánh thành giai đoạn 1 khu bảo tồn

Theo Ban quản lý dự án ngành văn hóa - thể thao và du lịch, những năm tiếp theo, dự án sẽ triển khai xây dựng các hạng mục như nhà nghỉ dưỡng rộng khoảng 175m2 được thiết kế theo kiến trúc nhà sàn, mái nhà cao, dốc nhiều, xung quanh có hệ thống cây xanh, đường giao thông nội bộ, độc lập trong từng khuôn viên; khu dịch vụ tổng hợp thiết kế hiện đại nhưng vẫn mang màu sắc vùng Đông Nam bộ. Khu vực này sẽ cung cấp cho du khách những dịch vụ tốt nhất về nhu cầu nghỉ ngơi và tham quan di tích. Ngoài ra, trong khu bảo tồn còn có các điểm vui chơi giải trí, thể dục - thể thao... Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có tính chất quan trọng, ý nghĩa to lớn trên nhiều lĩnh vực nên UBND tỉnh luôn quan tâm giám sát, đôn đốc các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Khi dự án đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ mang lại nhiều khởi sắc không chỉ cho vùng đất Bom Bo mà các xã lân cận ở Bù Đăng đều sẽ được hưởng lợi”.

Là huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn, Bù Đăng có rất nhiều điểm du lịch, danh lam thắng cảnh đẹp nhưng đang ở dạng tiềm năng. Cùng với Dự án phim trường kết hợp với Khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch đang được đầu tư xây dựng, Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc. Khi hoàn thành, khu bảo tồn sẽ tái hiện không gian sinh sống truyền thống, giới thiệu phong tục tín ngưỡng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người S’tiêng. Dự án góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch về nguồn và sinh thái.

ƯỚC NGUYỆN ĐẦU XUÂN

Khu tái định cư những ngày giáp tết vui hơn hẳn. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng mỗi gia đình đều đã chuẩn bị ít nhất vài tố rượu cần, đôi ba con sóc, mấy miếng thịt khô để đãi khách. Xưa đồng bào S’tiêng không ăn tết Nguyên đán như người Kinh nhưng mấy năm trở lại đây, cứ vào dịp cuối năm, khi người Kinh nghỉ ngơi đón tết vui xuân, đồng bào S’tiêng cũng ở nhà tham gia các trò chơi dân gian cùng người Kinh. Nhà nhà treo cờ Tổ quốc, trang trí nhà cửa bằng những chậu hoa tươi và cũng mua sắm áo mới, đi thăm hỏi động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.

Đồng bào dân tộc S’tiêng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống tại khu bảo tồnĐồng bào dân tộc S’tiêng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống tại khu bảo tồn

Chị Thị Ké nói: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu bảo tồn văn hóa của dân tộc vì vậy người dân có nhà mới kiên cố, khang trang để ở. Tôi mong tỉnh, huyện sớm hoàn thiện hệ thống điện, nước cho khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống và sinh hoạt”. Già làng Điểu Lên cho hay: “Từ khi giai đoạn 1 của dự án đi vào hoạt động, người dân một thời lên nương rẫy, nay đã biết làm quen với các hoạt động thương mại, dịch vụ. Kinh tế sóc Bom Bo từ nay sẽ có nhiều đổi mới”.

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào S’tiêng, ngày 21-10-2014, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 2441/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Dự án có tổng diện tích 113,04 ha. Trong đó có 70 ha vùng lõi và 43,04 ha vùng đệm, với dự toán kinh phí khoảng 289 tỷ đồng.

Được khởi công xây dựng từ năm 2011, đến nay giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với các hạng mục: Nhà dài truyền thống, nhà lưu giữ các làng nghề truyền thống, nhà đón tiếp, hệ thống giao thông nội vùng, khu tái định cư và trường học... 

Ngay cổng vào khu bảo tồn, đồng bào S’tiêng bày bán rất nhiều sản vật của rừng như lá nhíp, măng, đọt mây, lan rừng, cây thuốc... Chị Uyên, chủ tạp hóa Dạ Uyên nói: “Đây là những thứ người dân hái từ rừng về. Từ ngày dự án được đầu tư xây dựng đến nay, khách ra vào tham quan nhiều nên chúng tôi tranh thủ bán thêm để nâng cao thu nhập”. Điểu Thị Xia, con gái già làng Điểu Lên cũng tất bật với những món đồ của mình. Thị Xia đang trăn trở về một cửa hàng cung cấp sản phẩm thổ cẩm do đồng bào dệt. Ngoài ra, chị còn chuẩn bị hàng trăm tố rượu cần và các món cơm lam, thực phẩm đặc trưng của đồng bào S’tiêng cho du khách.

Năm mới đến thăm già làng Điểu Lên, chúng tôi thấy già hân hoan cùng không khí ngày tết. Bởi xuân này, sóc Bom Bo đã thay da đổi thịt, người dân sống tập trung và đều có ý thức xây dựng cuộc sống mới. Nắng xuân vàng óng ả trải đều trên khắp sườn đồi, bên hiên nhà còn thơm mùi vôi mới, Điểu Tiên (chủ hộ được cấp nhà tái định cư của dự án) nhìn về phía dòng người du xuân ra vào khu bảo tồn với ánh mắt ngời lên niềm hy vọng mới.

Minh Luận

 

  • Từ khóa
91797

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu