Thứ 7, 20/04/2024 20:37:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:35, 31/03/2015 GMT+7

Bởi cây không chỉ là... cây!

Thứ 3, 31/03/2015 | 13:35:00 112 lượt xem

BP - Gần hai tuần qua, trên mạng xã hội có hàng trăm ý kiến về việc thành phố Hà Nội thực hiện dự án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố. Cảm xúc chung là hụt hẫng, xót xa và tiếc nuối. Nhiều người băn khoăn không hiểu tại sao thành phố lại phải chặt bỏ, thay thế cả những hàng phượng, bằng lăng, liễu, bàng... còn đang sung sức, không ảnh hưởng đến giao thông để trồng đồng bộ một loại cây là vàng tâm (mà nhiều chuyên gia lâm nghiệp cho đó là cây mỡ)!

Trước những phản ứng có phần gay gắt của các nhà khoa học, các chuyên gia về quy hoạch và cây xanh đô thị, UBND thành phố Hà Nội đã phải tổ chức ngay một buổi tọa đàm và họp báo về vấn đề này. Và dường như tất cả các ý kiến của các nhà khoa học, nhà báo đều không đồng tình với một dự án có phần vội vàng, chuẩn bị sơ sài, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Nhớ hồi đầu năm 2010, Bình Phước đăng cai tổ chức Festival Điều. Và để bảo đảm cho đoàn xe hoa diễu hành tại lễ hội được an toàn, ban tổ chức đã đề nghị UBND tỉnh cho phép cưa bớt một số cành cây dầu ở tầm thấp tại khu vực quảng trường tỉnh. Xin nói rõ, chỉ là cưa bớt cành thấp và những cây dầu này cho đến thời điểm đó mới mười năm. Vậy mà một số báo mạng đã loan tin “Bình Phước chặt phá cây xanh vì lễ hội”! Sau năm năm, những cây dầu giờ đã cao lớn, tỏa bóng mát cho quảng trường và đây cũng là khu vui chơi duy nhất của thị xã trung tâm tỉnh vào mỗi tối và những ngày nghỉ cuối tuần, các dịp lễ hội.

Vì sao người ta thường hay có những phản ứng rất quyết liệt trước việc đốn hạ cây xanh mà chưa rõ lý do? Là bởi đối với người Việt, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống tâm linh như con người. Nhiều người cho rằng cây xanh phát ra năng lượng và tương tác được với năng lượng của con người. Những cây to còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ. Bởi thế, dân gian có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, hay “Cây thị có ma, cây đa có thần”. Dưới những gốc cây to, nhất là cây đa ở các đền, miếu, chùa, người ta thường hay cắm hương để mong cầu thần cây phù hộ.

Hồi ông nội mất, thầy tôi đã dùng những băng vải đen để chít khăn tang cho mấy cây đào cổ thụ mà lúc còn sống ông nội tôi rất yêu quý. Thầy bảo vạn vật hữu linh, hồn của cây và hồn của con người có mối giao hòa với nhau. Ông rất quý mấy cây này, giờ ông mất thì cây cũng sẽ buồn nên phải cho chúng để tang ông. Không biết vì cây buồn như thầy tôi nói hay vì thiếu bàn tay chăm sóc của ông nội mà một thời gian sau, mấy cây mẫu đơn và cây đào phai bị sâu bệnh, khô cành rồi chết hết. Thầy tôi bảo “cây đi theo ông rồi”! Trong thâm tâm tôi nghĩ mấy cây mẫu đơn của ông nội chết chỉ là sự ngẫu nhiên. Song tôi cũng đồng ý với thầy tôi rằng vì tiếc thương ông mà mấy cây mẫu đơn trong vườn nhà tôi đã đi theo người chủ đã khuất. Cứ để thầy tôi linh thiêng hóa câu chuyện như thế sẽ thấy nhẹ lòng hơn.

Trở lại chuyện chặt hạ những hàng cây cổ thụ trên nhiều tuyến phố Hà Nội, tôi chỉ may mắn được sống hơn bốn năm đại học tại thủ đô. Và đó là quãng thời gian tươi đẹp nhất của tôi. Hà Nội trong tôi luôn đẹp. Vẻ đẹp và lãng mạn của Hà Nội chỉ có được nhờ những hàng cây cổ thụ rợp bóng, đặc biệt là vào những buổi chiều thu. Chuyện chặt cây xanh cổ thụ ở Hà Nội trở nên ồn ào và gây bức xúc, bởi đó không chỉ còn là chuyện của những cây xanh!

Linh Tâm

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu