Thứ 5, 25/04/2024 09:18:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:28, 18/04/2018 GMT+7

Bộ NN&PTNT trả lời kiến nghị của cử tri Bình Phước

Thứ 4, 18/04/2018 | 07:28:00 858 lượt xem

LTS: Trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận được một số kiến nghị của cử tri và đã tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 23-11-2017, Ban Dân nguyện của Quốc hội ban hành Văn bản số 707/BDN đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời kiến nghị của cử tri Bình Phước. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có Văn bản trả lời số 374. Theo đó, cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị nội dung như sau:

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2537/QĐ-UBND ngày 12-11-2015 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020 có nhiều khó khăn nên hiệu quả chưa cao. Đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm có giải pháp hỗ trợ tỉnh có điều kiện thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành như: hỗ trợ kinh phí; định hướng phát triển, chi tiết bền vững để thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung các ngành hàng đối với những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh như điều, cao su, trái cây và sản xuất rau sạch, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi đại gia súc.

Về nội dung này, Bộ NN&PTNT trả lời như sau: Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013, Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn sản xuất. Đối với đề nghị của cử tri tỉnh Bình Phước, Bộ NN&PTNT trả lời như sau:

Về định hướng phát triển chi tiết bền vững để thực hiện các quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung đối với các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh: Từ năm 2014-2017, Bộ NN&PTNT đã rà soát, điều chỉnh và lập mới 7 quy hoạch ngành/lĩnh vực và 17 quy hoạch sản phẩm phục vụ cơ cấu lại ngành. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2-2-2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; lập quy hoạch phát triển một số cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030... Trong các quy hoạch đã và đang thực hiện, có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Phước như: cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn quả...

Phương án quy hoạch các sản phẩm chủ lực của ngành được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường, lợi thế của địa phương, ứng dụng khoa học - công nghệ và khả năng đầu tư của các thành phần kinh tế... Căn cứ định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực được Bộ NN&PTNT phê duyệt, các địa phương nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng cần cụ thể phương án phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn, làm căn cứ chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Về hỗ trợ kinh phí: Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2016-2017, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 3 chương trình mục tiêu (Phát triển lâm nghiệp bền vững; Phát triển kinh tế thủy sản bền vững; Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư). Ngân sách nhà nước từ các chương trình nêu trên và các chính sách khác đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khó đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư của các địa phương. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu Chính phủ các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư (ODA, trái phiếu chính phủ, PPP...) hỗ trợ các địa phương thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

M. Hạnh (tổng hợp)

  • Từ khóa
20434

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu