Thứ 6, 29/03/2024 22:35:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:00, 03/12/2018 GMT+7

Bộ GD-ĐT trả lời kiến nghị của cử tri Bình Phước

Thứ 2, 03/12/2018 | 14:00:00 829 lượt xem

BP - LTS: Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức cho ĐBQH tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh trả lời, tiếp thu, tổng hợp gửi UBND tỉnh đề nghị giải quyết; những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Ban Dân nguyện. Ngày 6-7-2018, Ban Dân nguyện ban hành Văn bản số 283/BDN gửi Bộ GD-ĐT về những kiến nghị của cử tri Bình Phước. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Văn bản số 3897/BGDĐT-VP gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước về việc trả lời kiến nghị của cử tri. Báo Bình Phước xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung của văn bản này.

Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước: Hiện tại, môn học ngoại ngữ chưa được phổ cập hết bậc tiểu học, vẫn còn rất nhiều trường tiểu học trong cả nước chưa đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy chính thức cho học sinh ngay từ lớp 1, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa. Do đó, có sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ của học sinh giữa các vùng, miền. Việc quy định bắt buộc thi môn ngoại ngữ khi tốt nghiệp các cấp và thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ gây khó khăn cho học sinh, đồng thời thiếu sự công bằng giữa học sinh các trường có dạy môn ngoại ngữ ngay từ lớp 1 và các trường không dạy môn ngoại ngữ hoặc dạy môn ngoại ngữ trễ hơn. Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có kế hoạch phổ cập môn ngoại ngữ vào chương trình học cấp 1 trên cả nước để việc học và thi cử của học sinh được thống nhất, công bằng.

Về ý kiến nêu trên của cử tri tỉnh Bình Phước, Bộ GD-ĐT trả lời như sau: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2-8-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, đối với giáo dục phổ thông, tổ chức dạy và học ít nhất một ngoại ngữ phổ biến trong giao dịch quốc tế, học sinh được học liên tục từ lớp 3 đến lớp 12.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hiện hành, ngoại ngữ là môn học tự chọn đối với học sinh khối lớp 3, 4, 5. Căn cứ tình hình thực tiễn, một số địa phương đã tổ chức dạy ngoại ngữ cho học sinh khối lớp 1 và 2 nhằm giúp các em làm quen môn học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoại ngữ sẽ là môn học chính thức được bắt đầu giảng dạy từ lớp 3. Ngoài ra, các địa phương có điều kiện có thể tổ chức dạy ngoại ngữ cho học sinh khối lớp 1 và 2.

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT muốn xét tốt nghiệp phải dự thi ít nhất 4 môn thi, trong đó có 3 môn thi (bài thi) bắt buộc là Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ nhằm tạo động lực và từng bước nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong trường phổ thông. Bộ GD-ĐT trân trọng báo cáo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

  • Từ khóa
24523

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu