Thứ 5, 28/03/2024 17:27:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:43, 22/12/2014 GMT+7

KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944 - 22-12-2014), 25 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22-12-1989 - 22-12-2014)

Bộ đội C31 và những chuyện bây giờ mới kể

Thứ 2, 22/12/2014 | 14:43:00 2,569 lượt xem
BP - Câu chuyện về chiến sĩ Nguyễn Văn Tài hy sinh ở tuổi 16 do ông Vũ Văn Đàm và Nguyễn Văn Kinh ở ấp 5 (xã Lộc Thái) kể lại làm nhiều người xúc động. Anh Tài nhà ở xã Lộc Điền, là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Inh, quê gốc ở Quảng Ngãi. Liệt sĩ Tài là chiến sĩ trẻ nhất và cũng là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đại đội 31 hy sinh.


Ông Nguyễn Văn Kinh (ngoài cùng bên phải) 

Ông Đàm và liệt sĩ Tài từng là chiến sĩ đầu tiên của C31 được chọn đi huấn luyện trinh sát đặc công 3 tháng ở Bình Long. Một buổi sáng năm 1968, trên đường công tác, anh Tài đã hứng trọn luồng đạn thay cho đồng đội. Ai cũng nghĩ anh đã hy sinh nhưng anh Tài vẫn còn sống.

Giọng ông Đàm trầm hẳn xuống: “Thấy chân phải của Tài bị gãy nên tôi nói anh em chẻ tre băng karo cố định và làm cáng khiêng bạn về đơn vị. Thế nhưng, khi vừa lật người để đặt lên cáng, chúng tôi mới phát hiện đạn đã xuyên người Tài làm thành lỗ lớn sau lưng. Tài nhìn đồng đội rồi nói: “Em không sống nổi đâu, để em nằm tại chỗ. Các anh đi cho kịp”. Rồi Tài cố nở nụ cười: “Em chúc các anh ở lại mạnh khỏe để đánh giặc”. Sau đó, Tài nhắm mắt.

Dốc 31 nằm trên lô cao su được trồng năm 1931 giáp ranh giữa làng 2 (ấp 2, xã Lộc Thuận) và thị trấn Lộc Ninh. Tại địa danh này đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa bộ đội địa phương phối hợp cùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và quân địch. Dốc 31 là địa danh không có tên trong bản đồ quân sự Việt Nam nhưng nhắc đến Đại đội 31 là quân địch khiếp sợ và truyền tai nhau “muốn chết thì đến dốc 31”.

Ông Đàm, ông Kinh vẫn còn nhớ như in ngày 16-4-1968, Đại đội 31 được thành lập có 108 chiến sĩ, chủ yếu là con em công nhân cao su tham gia lực lượng du kích ở các xã, đông nhất là xã Lộc Thái, Lộc Điền, Lộc Thuận. Chiến sĩ C31 lúc bấy giờ vẫn còn không khí của cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1968, rất phấn khởi và ý chí chiến đấu dũng cảm hy sinh cho độc lập của dân tộc. Ông Đàm, ông Kinh ở tuổi 20 nên thuộc lớp đàn anh bởi đa số đều 16-17 tuổi, có người mới tròn tuổi 15. Hiện con số này chỉ còn lại 12 người.

Ông Đàm cho biết, trong số các chỉ huy có Đại đội trưởng Danh Sơn (dân tộc Khơme, quê ở Trà Vinh) là người trực tiếp chỉ huy trận đánh lịch sử ngày 5-4-1972, mở đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972). Đó cũng là trận đánh C31 bị thiệt hại nhiều nhất với 24 đồng đội hy sinh và bị thương, trong đó có 1 huyện đội phó; 11 người phải bỏ xác tại trận địa vì hỏa lực của địch quá mạnh. Riêng Đại đội trưởng Danh Sơn bị thương nặng đã tự sát để không bị địch bắt.

Hồi tưởng về những trận đánh ác liệt, ông Đàm nói: “Tôi bị thương 6 lần và nay là thương binh 2/4. Có lần bị thương vào mắt nhưng vẫn tham gia đánh địch. Bởi lúc này ta và địch quần nhau giáp lá cà có khi chỉ cách xa 6-7m nên không cần ngắm cũng bắn trúng”. Năm 1969, ông Đàm được kết nạp Đảng nhưng ông không được nhìn thấy quốc kỳ và cờ Đảng cũng như người giới thiệu mình. Bởi lúc này, 2 mắt bị trọng thương đang phải băng kín.

Hơn 10 năm nay, những người còn sống sót của Đại đội 31 đã chọn ngày 5-7 họp mặt để cầu siêu tưởng nhớ đồng đội và thăm hỏi, giúp đỡ những anh em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Từ năm 2012, tượng đài chiến thắng Dốc 31 được khánh thành đã là điểm hẹn của những người con ở Đại đội 31 anh hùng.                 

P. Hà

  • Từ khóa
12325

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu