Thứ 5, 28/03/2024 19:51:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:53, 21/06/2017 GMT+7

Bộ đội biên phòng phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín trong cộng đồng 

Thứ 4, 21/06/2017 | 07:53:00 5,188 lượt xem
BP - Nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Đồn biên phòng Bù Gia Mập (Bộ đội biên phòng Bình Phước) không chỉ bảo vệ đoạn biên giới đường sông hiểm trở mà còn phụ trách địa bàn rộng, dân cư thưa thớt với 73% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin tưởng, mến yêu.

Thượng tá Lê Văn Bình, Chính trị viên đồn cho biết: Bù Gia Mập là xã vùng sâu, xa, đông đồng bào DTTS. Hiện xã có 1.450 hộ, gần 7.000 người với 17 dân tộc anh em và phần lớn là đồng bào S’tiêng, Mơnông. Địa bàn giáp ranh khu vực Tây Nguyên nên đồng bào thường có mối quan hệ họ hàng với người dân ở các xã giáp ranh của tỉnh Đắk Nông. Vì vậy dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng câu móc, tuyên truyền kích động, lợi dụng ẩn nấp vượt biên, xâm nhập và gây mất an ninh trật tự, như trộm cắp tài sản, buôn bán hàng quốc cấm, trốn tránh pháp luật... Do vậy, công tác vận động quần chúng và tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bù Gia Mập giúp dân xây dựng nhà ở

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ của đồn phải thường xuyên có mặt ở cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để kịp thời phát hiện, xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ đường biên giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp khu vực biên giới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”... Đại úy Đỗ Anh Tuấn, Đội phó Đội vận động quần chúng cho biết: Thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt của các đoàn thể thôn, ấp và hệ thống loa phát thanh của xã, đơn vị tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ biên giới, quy chế biên giới; các âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời báo tin, giúp cơ quan chức năng xử lý; đồng thời phổ biến tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để người dân ứng dụng vào thực tế sản xuất.

“Chúng tôi nhận thấy, trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vai trò của già làng và người có uy tín trong cộng đồng rất quan trọng. Nhờ người có uy tín tuyên truyền, vận động, đồng bào tích cực hưởng ứng phong trào tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn trật tự an toàn thôn, ấp; tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, giáo dục những người lầm lỗi trở về cuộc sống lương thiện... Đồng thời cung cấp những tin có giá trị, giúp ngành chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới... Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn” - đại úy Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Theo đại úy Đỗ Anh Tuấn, thôn Bù Nga chỉ có 144 hộ với 566 người, trong đó trên 90% là đồng bào Mơnông. Người dân ở đây trình độ dân trí thấp, lối sống lạc hậu và vẫn giữ các hủ tục nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự địa bàn. Già làng Điểu Chen cùng cán bộ xã, thôn và bộ đội biên phòng đến từng nhà tuyên truyền, vận động nên bà con không nghe kẻ xấu xúi giục; tích cực tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo nên tình hình an ninh trật tự của thôn rất ổn định.

Ở thôn Bù Nga còn có Bí thư chi bộ Điểu Mun, một người nhiệt tình với hoạt động xã hội và sống hết mình vì bà con. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động của địa phương. Vì vậy, khi ông tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước mọi người đều nghe và làm theo. Bù Nga phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào cây điều và tiêu, nhưng trước đây cho năng suất thấp. Ông Điểu Mun không chỉ phổ biến kỹ thuật cải tạo vườn điều già cỗi, cách chăm sóc cây tiêu... mà còn vận động người dân trong thôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất nên đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc. Đầu năm 2015 thôn có 17% hộ nghèo, cuối năm 2016 chỉ còn 6%.

Già làng Điểu Duy Lách ở thôn Bù Rên cũng là tấm gương đi đầu trong giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới. Bù Rên có 205 hộ với trên 600 người, trong đó hơn 75% là đồng bào S’tiêng. Trước đây, tình hình địa bàn rất phức tạp do nạn phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng; các tệ nạn xã hội và trộm cắp tài sản liên tục xảy ra. Nhiều đối tượng manh động sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ hay khiếu kiện đông người, vượt cấp nên đời sống của người dân rất khó khăn. Già Lách đã cùng bộ đội biên phòng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Đến nay, đời sống người dân trong thôn được nâng lên, an ninh ổn định và không còn khiếu nại kéo dài.

Thượng tá Lê Văn Bình chia sẻ: Đời sống người dân vùng biên được nâng lên, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ổn định, đồng bào sẽ tích cực cùng bộ đội bảo vệ biên giới và làm “tai mắt” cho bộ đội. Do đó, đơn vị luôn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động giúp dân, chăm lo đời sống nhân dân vùng biên. Từ đầu năm 2016 đến nay, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã giúp dân 294 ngày công trồng trọt, thu hoạch mùa vụ, sửa chữa nhà ở, đường liên thôn... Xây dựng “Hũ gạo tình thương”, hằng tháng đồn tặng gạo cho hộ nghèo và đã có 11 hộ được tặng 165kg gạo trong năm 2016. Đơn vị còn nhận đỡ đầu 2 học sinh hiếu học theo chương trình “Nâng bước cho em đến trường”, mỗi tháng 500 ngàn đồng/em; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.408 lượt người. Đồn còn phối hợp với chính quyền và các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tặng 860 phần quà cho 520 gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn với tổng trị giá 260 triệu đồng; tặng bò giống cho 2 hộ nghèo... Những việc làm này đã thắt chặt mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân, góp phần giữ vững an ninh biên giới và xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.

Lâm Phương

  • Từ khóa
1358

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu