Thứ 7, 20/04/2024 01:46:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:17, 21/10/2020 GMT+7

Bộ đội biên phòng “chủ trì” ở khu vực biên giới là phù hợp với thực tiễn

Trần Thể
Thứ 4, 21/10/2020 | 17:17:00 535 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, chiều nay 21-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điểu Huỳnh Sang chủ trì phiên thảo luận tại điểm cầu Bình Phước. Cùng tham dự phiên thảo luận còn có lãnh Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cùng các đại biểu tại điểm cầu Bình Phước

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 6 chương, 36 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động, bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Cho ý kiến về dự thảo luật, các đại biểu cho rằng, quy định về Bộ đội biên phòng trong dự thảo Luật cần thể hiện đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Cùng với đó là quy định về các chủ thể khác trong bảo vệ biên giới, thực hiện nhiệm vụ biên phòng như chính quyền địa phương, các bộ, ngành bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao vị thế bộ đội biên phòng.

Tại Khoản 4, Điều 13, Luật quy định: Bộ đội Biên phòng chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang, đây là quy định là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

Cũng liên quan đến nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng tại Điều 13, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Ban soạn thảo điều chỉnh nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng cho phù hợp như sau: Thu thập thông tin, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”.

Các đại biểu Quốc hội, văn phòng Đoàn và lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự, Biên phòng chụp hình lưu niệm

Về trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tại Điều 35, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo bổ sung nội dung “tổ chức phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến thực thi nhiệm vụ biên phòng” cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Trao đổi với phóng viên xung quanh dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại tá Nguyễn Văn Phương, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước cho biết, việc nâng cấp pháp lệnh thành luật đã tạo hành lang pháp lý cao nhất, giúp hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang, trong đó có Bộ đội biên phòng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Từ đó đảm bảo đồng bộ, thống nhất chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình hiện nay.

Luật Biên phòng Việt Nam góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác quản lý bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, hợp tác quốc tế cũng như tập trung xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh. Đây là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất cho các hoạt động ở khu vực biên giới và khu vực biên phòng.

  • Từ khóa
111826

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu