Thứ 5, 25/04/2024 10:50:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:01, 27/02/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG (3-3-1959 - 3-3-2019), 30 NĂM NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN (3-3-1989 - 3-3-2019)

Bộ đội biên phòng - 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành

Thứ 4, 27/02/2019 | 06:01:00 2,532 lượt xem
BP - Bộ đội biên phòng (BĐBP), trước đây là Công an nhân dân vũ trang, được thành lập ngày 3-3-1959. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu.

TRANG SỬ VÀNG TRUYềN THỐNG

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Các nước tham gia hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Mỹ là nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và là thành viên của Hội nghị Giơnevơ nhưng lại trắng trợn tuyên bố: “Mỹ không bị nội dung hiệp định này ràng buộc”. Từ đó, Mỹ ráo riết hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương để thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân mới; sử dụng bọn tay sai phản động trong nước nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, cưỡng ép đồng bào Công giáo ở phía Bắc di cư vào Nam; cài cắm gián điệp, biệt kích ra miền Bắc...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lộc An (Bộ đội biên phòng Bình Phước) và lực lượng vũ trang nước bạn Campuchia phối hợp kiểm tra cột mốc biên giới hai nước - Ảnh: Hoàng Thu

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính, kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào”; đồng thời chủ trương tập trung chống Mỹ cứu nước. Do đó, ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Đó là: Công an biên phòng thuộc Bộ Công an, thành lập theo Sắc lệnh số 141/SL ngày 16-2-1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, bố trí thành các đồn biên phòng dọc biên giới, trực thuộc ty công an các tỉnh có biên giới. Cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an, thành lập theo Nghị định số 982/TTg ngày 28-7-1956 của Thủ tướng Chính phủ, làm nhiệm vụ bảo vệ các trại giam, tham gia tiễu phỉ, trừ gian. Cùng với 2 lực lượng nêu trên còn có các đơn vị quân đội thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ (gọi là bộ đội bảo vệ).

Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng cảnh vệ nội địa và biên phòng”. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng công an nhân dân vũ trang. Nghị định nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”. Ngày 3-3-1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng công an nhân dân vũ trang và BĐBP ngày nay.

Trưởng thành trong gian khó

Ngay từ khi mới thành lập, lực lượng công an nhân dân vũ trang trang bị còn rất thô sơ, thiếu thốn nhiều mặt, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt... Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang đã đoàn kết một lòng, nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, vận động nhân dân định canh, định cư, dựng làng, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. 2 lần lực lượng BĐBP được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 Huân chương Sao Vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập; 2 Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba); 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 154 lượt tập thể và 67 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

1965-1975 là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ - ngụy giải phóng dân tộc. Các đơn vị công an nhân dân vũ trang tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào; chi viện cho cách mạng miền Nam diệt ác, phá kìm. Trong giai đoạn này, toàn lực lượng trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ; phối hợp các đơn vị bạn bắn rơi 225 chiếc máy bay Mỹ, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ và chi viện trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho An ninh vũ trang miền Nam. Trên chiến trường miền Nam, các chiến sĩ an ninh vũ trang đã bám dân, bám đất, diệt ác, phá kìm, bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng.

Sau phong trào đồng khởi Bến Tre năm 1960, cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Tháng 7-1960, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 01 thành lập “Ban An ninh miền”, trong đó nói rõ thành lập bộ phận “An ninh vũ trang”. Lúc đầu là Đại đội 180, sau này phát triển thành Trung đoàn 180, làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Cục ở chiến khu Đ; đến tháng 10-1960 chuyển về chiến khu C ở Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Lực lượng an ninh vũ trang được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét, biệt kích, thám báo để bảo vệ các khu căn cứ và Trung ương Cục (cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng miền Nam).

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được sự chi viện của công an nhân dân vũ trang miền Bắc, lực lượng an ninh vũ trang miền Nam đã phối hợp các lực lượng khác chiến đấu bắt sống, tiêu diệt nhiều tên gián điệp, ác ôn nằm vùng khét tiếng, tiêu hao sinh lực địch và tham gia dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngời sáng truyền thống anh hùng

Tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất nhưng bọn phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”; lôi kéo người Việt Nam vượt biên, vượt biển di cư ra nước ngoài; sử dụng tàn quân FULRO, tổ chức lực lượng phản động xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng cơ sở ngầm hòng chống đối chính quyền, chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương...

Trước tình hình đó, toàn lực lượng đã tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm biên giới, vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên chiều dài gần 8.000km biên giới, bờ biển, thuộc địa bàn của 1.109 xã, phường, thị trấn; 235 quận, huyện, thị xã, 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển, thuộc 7 quân khu (Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 9). Khẩn trương cùng các đơn vị của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân FULRO, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam. Trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1975-1978), biên giới phía Bắc (1979) và chống “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biển đảo, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương của Đảng “giúp bạn là tự giúp mình”, BĐBP đã triển khai 9 trung đoàn (e2, e4, e6, e8, e10, e11, e14, e20, e180) phối hợp các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đấu tranh chống Khơme Đỏ, phá tan chế độ diệt chủng, giúp bạn bảo vệ chủ quyền biên giới trên các tuyến và cử nhiều đội công tác giúp nhân dân Lào đấu tranh chống phỉ và bọn phản động, góp phần giành lại độc lập, chủ quyền, củng cố hòa bình đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em.

Từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức Ngày biên phòng trong cả nước, bắt đầu từ ngày 3-3-1989. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI ngày 17-6-2003 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định lấy ngày 3-3 hằng năm là Ngày biên phòng toàn dân.

B.P
(Theo tài liệu tuyên truyền của Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng)

  • Từ khóa
7889

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu