Thứ 4, 24/04/2024 00:09:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:19, 04/04/2014 GMT+7

Bỏ điểm sàn là hợp lý

Thứ 6, 04/04/2014 | 09:19:00 184 lượt xem

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 06/2014/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Một trong những điểm mới trong quy chế này là kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2014 sẽ không còn điểm sàn.

Với quy định trên không chỉ là niềm vui của các trường đại học và cao đẳng nằm ở tốp dưới, vì không còn bị ngưỡng khống chế đầu vào trong khi trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu mà còn giải quyết được những bất hợp lý đã tồn tại từ nhiều năm nay trong công tác tuyển sinh. Những năm trước đây, cách tính điểm sàn bằng việc cộng điểm 3 môn thi không phản ánh được năng lực của thí sinh về một lĩnh vực nào đó. Ví như cùng thi vào khoa Toán trường đại học sư phạm, một thí sinh được 8 điểm môn Toán, nhưng tổng điểm 3 môn cộng lại không đủ 13 điểm nên vẫn bị trượt. Trong khi một thí sinh khác có điểm thi môn Toán chỉ 4 hoặc 5 điểm, nhưng tổng điểm 3 môn là 13 thì lại đậu. Vì thế, việc bỏ điểm sàn là hợp lý.

Hơn nữa, đào tạo ở bậc đại học là gắn với chuyên ngành nên vấn đề quan trọng không phải ở đầu vào mà phải sàng lọc đầu ra như thế nào và quan trọng nhất là khâu làm tốt trong quá trình đào tạo. Bởi những sinh viên được tuyển vào nhưng không theo học được sẽ phải tự đào thải. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng đào tạo thông qua các quy định về chương trình, tài liệu, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường, thay vì kiểm soát đầu vào thông qua kỳ thi đại học đại trà... với ngưỡng quy định chung là điểm sàn như hiện nay là lý do hợp lý cho việc bỏ điểm sàn.

Lý do thứ ba là thông tư quy định bỏ điểm sàn nhưng là bỏ điểm sàn của bộ. Thực tế vẫn còn điểm sàn và điểm sàn này được trao cho các trường tự quyết định. Nghĩa là Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ thành lập một hội đồng tư vấn cho bộ trưởng về việc đặt ra những tiêu chí cụ thể để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trên cơ sở đó, mỗi trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh được giao, rồi xét tuyển từ cao xuống thấp và đến khi nào đủ thì điểm trúng tuyển của các thí sinh ở cuối sẽ là điểm sàn của trường. Với tinh thần này, tùy thương hiệu, theo yêu cầu mà các trường có thể đặt ra các tiêu chí khác nhau về đầu vào của ngành nào đó. Đồng thời, các trường có quyền đặt ra ngưỡng điểm đầu vào hoặc có thể đặt thêm những yêu cầu khác mang tính chất bổ sung, như: Phỏng vấn, thi môn bổ sung... Vì các trường có quyền tự chủ trong tuyển sinh, nên các trường đương nhiên được tự chủ trong việc lập điểm sàn.

Điều này hoàn toàn phù hợp Luật Giáo dục đại học, phù hợp Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản giáo dục. Mong rằng những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 sẽ là những bước đi thuận lợi đầu tiên làm tiền đề cho việc đổi mới thi cử ở nước ta trong những năm tới.

H.L

 

 

  • Từ khóa
64769

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu