Thứ 3, 23/04/2024 17:57:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:34, 22/04/2015 GMT+7

Bỏ con dấu, lợi cho doanh nghiệp, nhưng...

Thứ 4, 22/04/2015 | 13:34:00 95 lượt xem
BP - Luật doanh nghiệp 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26-11-2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015. Một trong những điểm mới nổi bật của luật này là quy định về con dấu của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự làm, tự quản lý và tự quyết định mục đích sử dụng.

Để những quy định của luật doanh nghiệp sớm đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa công bố dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp để lấy ý kiến nhân dân. Trong đó có quy định về việc để cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định có hay không có con dấu. Và đây là một đề xuất được giới doanh nghiệp đánh giá là một cải cách bất ngờ và nhận được sự đồng tình cao của xã hội. Theo đó, cải cách này trong dự thảo nghị định đòi hỏi các doanh nghiệp và các bên liên quan đến doanh nghiệp buộc phải thay đổi thói quen giám sát đối tác về nội dung, chứ không phải xem đối tác có hay không có con dấu. Khi ý nghĩa của con dấu bị giảm xuống, cũng có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp và xã hội phải giám sát nhau thực chất hơn.

Từ đó giảm được chi phí sử dụng dấu và xã hội sẽ an toàn hơn. Đồng thời, con dấu sẽ không còn được coi là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định giá trị pháp lý của các văn bản. Con dấu khi đó sẽ chỉ mang ý nghĩa dấu hiệu nhận biết của doanh nghiệp chứ không phải là một yếu tố có tính pháp lý. Và điều quan trọng hơn là phải nhìn vào thực chất nội dung của các văn bản, giấy tờ giao dịch chứ không phải chỉ nhìn vào con dấu. Và khi không còn con dấu thì một hợp đồng, một giao dịch với các doanh nghiệp mà chỉ có chữ ký sẽ buộc người dân và các doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn khi xem xét các giao dịch, hợp đồng. Và khi không còn con dấu thì cũng có nghĩa là sẽ không còn tình trạng người giữ con dấu có thể lạm dụng, lợi dụng con dấu để thực hiện những hành vi phi pháp. Khi con dấu không còn hoặc không có vị trí pháp lý như hiện nay, doanh nghiệp cũng tránh được những rủi ro khác liên quan đến con dấu.

Xét về mặt cải cách hành chính và môi trường kinh doanh, việc bỏ con dấu có tác dụng tích cực. Vì khi bỏ con dấu doanh nghiệp sẽ bỏ được hai thủ tục hành chính: khắc dấu và làm dấu. Như thế chất lượng và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện. Như vậy, việc bỏ con dấu của doanh nghiệp sẽ là một điển hình để các bộ, ngành, các cơ quan khác nhân rộng nhằm đẩy nhanh việc cải cách hành chính, cũng như giảm chi phí xã hội cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Điều này phụ thuộc rất lớn vào mức độ cải cách của các cơ quan nhà nước khác.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là hiệu quả của quy định này phụ thuộc rất lớn vào mức độ cải cách của các cơ quan nhà nước khác. Bởi nếu chỉ dừng lại ở quy định như Luật doanh nghiệp 2014 và dự thảo nghị định thì không lấy gì bảo đảm rằng các cơ quan nhà nước sẽ từ bỏ việc bắt buộc doanh nghiệp phải đóng dấu. Thậm chí các bộ chỉ cần sửa thông tư công bố bộ thủ tục hành chính, trong đó kèm điều kiện các hồ sơ, giấy tờ phải được đóng dấu là ý tưởng cải cách về con dấu của Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ trở thành vô hiệu. Trong khi đó, việc bỏ con dấu của các cơ quan nhà nước là điều gần như không thể xảy ra.

Do đó, tôi đề xuất ý kiến là trong nội dung của nghị định cần phải khẳng định rõ con dấu không phải là yếu tố khẳng định giá trị pháp lý của văn bản, giấy tờ như hiện nay. Một tài liệu, chứng từ không thể đồng thời dựa vào cả hai yếu tố pháp lý ngang ngửa nhau là chữ ký và con dấu. Chữ ký phải là quyết định, con dấu chỉ là xác nhận chữ ký. Không đóng dấu tức là chưa xác nhận nhưng vẫn không thể bác bỏ tính pháp lý của chữ ký. Một khi nghị định làm rõ được điều này thì có hay không có việc đóng dấu cũng không còn là vấn đề quan trọng.        

H.P

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu