Thứ 6, 29/03/2024 12:48:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:26, 30/04/2013 GMT+7

Bình yên Cao Ngạn

Thứ 3, 30/04/2013 | 07:26:00 237 lượt xem

Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Cao Ngạn (xã Bình Lãnh, Thăng Bình, Quảng Nam) là thung lũng đẹp ngỡ ngàng, là nơi du khách về để thả hồn trong khung cảnh thiên nhiên tươi mát của núi non, sông suối.

Chiều thung sâu - Ảnh: Hương Cát

Buổi chiều tà, chúng tôi tìm đường ngược núi lên Cao Ngạn. Từ UBND xã Bình Lãnh, chạy xe máy khoảng 4km là đến hồ La Ngà. Đứng trên đập ngăn nhìn xuống lòng hồ trong xanh phẳng lặng thấy lòng thanh thản lạ thường. Phóng tầm mắt xuống vùng hạ lưu là bạt ngàn màu xanh của ruộng lúa, ruộng ngô, đậu và cây rừng.

Đường đi vào Cao Ngạn như một chú trăn khổng lồ uốn lượn dọc theo triền núi, bề ngang chỉ độ 1m, hai bên đường đầy hoa xuyến chi, hoa xoan đung đưa trong gió hòa tiếng suối reo róc rách. Không khí tách biệt hẳn như một thung lũng khu biệt ẩn mình giữa rừng sâu, trong lành và yên bình đến lạ. Mỗi bước chân vào làng, khách như muốn đi chậm lại, nấn ná để hít hà, thả hồn trong cái tĩnh lặng của thiên nhiên.

“Một thung lũng bốn bên núi bọc
 Đồng lúa xanh ôm chặt 60 gia đình
 Nếu là yên ổn hòa bình
 Thì đây là cảnh hữu tình biết bao
 Từ các đỉnh đồi cao nhìn xuống
 Lạch khe in bóng chiếc cầu
 Chọc trời ngọn mít vườn cau xanh rì…”.

Đó là vầng thơ mà một người chiến sĩ cách mạng đã phác họa về Cao Ngạn được lưu giữ. Ra đời từ những năm tháng Cao Ngạn còn chìm trong bom đạn, đến nay hòa bình phong cảnh vẫn thế, chỉ khác là con đường đất năm nào giờ đã được bêtông hóa.

Qua một chiếc cầu nhỏ đặt trên con suối nước chảy róc rách, đưa mắt nhìn về phía núi, bạn ngẩn ngơ đến thẫn thờ trước màu đỏ rực của những bông hoa gạo nổi bật trên nền xanh của lá chuối, lá bắp (ngô)…

Con đường uốn lượn như một chú trăn khổng lồ - Ảnh: Hương Cát
Một góc Cao Ngạn - Ảnh: Hương Cát
Phẳng lặng lòng hồ La Ngà - Ảnh: Hương Cát

Hoàng hôn, những tia nắng còn sót lại rắt xuống các thửa ruộng bậc thang thành một bức tranh dịu êm trải ra trước mắt. Chiếc cổng chào đề dòng chữ “Thôn văn hóa Cao Ngạn” mở ra lối đi mới, với hai hàng keo tràm đều tăm tắp như hai bức mành được bàn tay khéo léo của lão nông nào dựng lên. Tiếng lá keo rơi lào xào, như một kiểu chào đón khách nơi thung sâu.

Các địa danh như hóc Đen, hố Nhơ, hố Đào, đập Rằng, đập Cẩm La, suối Ồ Ồ, đồng Quyến, đồng Cây Châu, đồng Biền, đồng Lườn, đồng Chưng Choàng, đồng Vườn Phe, núi Gai, núi Ngang, Vườn Vông đều ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Cao Ngạn. Hiện nay còn nhiều dấu tích của hầm trú ẩn, địa đạo, trạm y tế, nhà họp… Năm 1960, Cao Ngạn được công nhận là vùng đất “Thành đồng Tổ quốc”. Ở đây còn nhiều người trụ bám trong thời chiến tranh như bà Nguyễn Thị Minh Lý, bà Nguyễn Thị Liên, ông Lê Phước Dư...

Tiến sâu vào thung lũng, bắt gặp ngay cây xoài cổ thụ đã gắn bó với mảnh đất nơi đây từ bao đời nay. Thân cây là nơi bấu víu, là chỗ dựa của các loài dây leo lõa xõa. Cái dáng ngả nghiêng vòng qua phía trên con đường như một anh hiệp sĩ đang chở che cho gần 300 con người làng Cao Ngạn.

Từ đây, nhìn dọc ngang thung sâu là những bờ ruộng len lỏi qua các thửa lúa xanh ngắt đang lúc xuân thì. Những ngôi nhà nằm trên lưng chừng đồi quay mặt ra thung lũng, hai bên bờ có những bãi đá tự nhiên rất đẹp. Một số nhà có ngõ được sắp bằng đá núi, bên dưới lót đá theo từng cấp, trong vườn có rất nhiều cau, mít, dâu đất… Từng hòn đá, từng đám bắp, buồng chuối đã tạo nên những nét đặc trưng của vùng đất “bán sơn địa” này.

Cao Ngạn có nhà bà Lưu Thị Nhiên là cơ sở cách mạng đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là nơi huyện ủy, trạm y tế đứng chân trong thời kháng chiến chống Mỹ. Theo lời kể của những bậc cao niên trong làng, Cao Ngạn năm xưa rất ác liệt, đây là địa bàn giáp ranh với huyện Hiệp Đức và Tiên Phước có địa hình đồi núi rất hiểm trở.

Những kỷ vật về một thời quá khứ oai hùng của người dân vẫn còn lưu giữ trong nhà truyền thống thôn Cao Ngạn. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay.

Hiện toàn thôn có hơn 50 hộ sinh sống chủ yếu dựa vào trồng rừng và chăn nuôi. Trong thôn có đến 45 liệt sĩ, 6 mẹ Việt Nam anh hùng, hàng chục thương bệnh binh, đặc biệt có liệt sĩ Nguyễn Hân được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngõ đá - Ảnh: Hương Cát
Những đứa trẻ Cao Ngạn - Ảnh: Hương Cát

Ánh mặt trời đã dần tắt trên nền trời, chúng tôi chia tay Cao Ngạn mà lòng cứ vương vấn luyến tiếc. Những vòng xe quay bánh trên con đường đầy hoa sầu đông rơi lả tả cứ như muốn níu kéo bước chân lữ khách.

(Theo TTO)

  • Từ khóa
89017

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu