Thứ 5, 25/04/2024 18:54:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:14, 02/10/2019 GMT+7

Bình Thắng hoàn thành nông thôn mới trước hẹn

Thứ 4, 02/10/2019 | 06:14:00 2,872 lượt xem
BP - Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng đến nay xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập đã về đích nông thôn mới (NTM) trước hẹn. “Được chọn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 nhưng nhờ rút kinh nghiệm từ các xã khác, Bình Thắng đổi mới cách làm và đã hoàn thành 19 tiêu chí từ giữa tháng 9-2019. Điều đặc biệt là các tiêu chí đều đảm bảo chất lượng và không có nợ đọng vốn xây dựng” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Con đường mơ ước

Thôn 7 cách trung tâm xã Bình Thắng 10km với 220 hộ, trong đó phần lớn là người dân các tỉnh miền Bắc vào lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ XX. Các hộ không sinh sống tập trung mà nhà ở gắn với rẫy, vườn cao su, điều, tiêu nên rất thưa dân. Qua hàng chục năm đi lại, vận chuyển hàng hóa đã hình thành 4 tuyến đường mòn trục chính quanh thôn với tổng chiều dài khoảng 8km. Ông Mai Đình Vọng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 7 cho biết: Các tuyến đường vào thôn chật hẹp, sình lầy, trơn trượt mỗi khi mưa xuống, vì thế các loại ôtô không thể ra, vào được khiến việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Có tuyến đường khang trang là mơ ước của người dân mấy chục năm qua. Tuy nhiên, do dân ở quá thưa nên việc đóng góp 100% vốn làm là không thể.

Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nhưng đến nay xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) đã về đích nông thôn mới trước hẹn. Trong ảnh: Trụ sở UBND xã Bình Thắng khang trang, sạch đẹp

Năm 2017, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ vốn cùng nhân dân thôn 7 làm 1km đường nhựa với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 300 triệu đồng. Đoạn đường chỉ có 26 hộ sinh sống, trong đó nhiều hộ kinh tế khó khăn, tuy nhiên các hộ đã đồng loạt đóng góp dù phải vay, mượn. Số tiền bình quân mỗi hộ đóng góp 11,5 triệu đồng nhưng khi phát động, 4 hộ ở đầu tuyến tiên phong đóng tới 240 triệu đồng. Trong đó, hộ ông Phạm Bình Quân 100 triệu đồng, hộ ông Hoàng Văn Nam 50 triệu đồng, ông Phạm Đình Luân 50 triệu đồng, ông Đặng Hữu Thuyên 40 triệu đồng. 22 hộ còn lại đã đóng góp 260 triệu đồng, bình quân mỗi hộ 11,8 triệu đồng. Số tiền đối ứng ban đầu 300 triệu đồng nhưng sau khi phát động đã đóng góp 500 triệu đồng, dư 200 triệu đồng. Số tiền dư này, thôn xin chủ trương đầu tư làm thêm 200m và được xã đồng ý. Đầu năm 2019, từ vốn xây dựng NTM, thôn 7 được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí cùng nhân dân làm 3,8km đường nhựa và từ nay đến cuối năm làm thêm 1km. Hiện tổng số tiền người dân thôn 7 đóng góp 1,5 tỷ đồng cùng Nhà nước hoàn thành 5km đường nhựa. Ngoài ra, dù chưa được đầu tư làm đường trong năm 2019 nhưng nhân dân tổ 4, thôn 7 góp vốn đối ứng 600 triệu đồng, hiện đã gửi ngân hàng. Ngoài làm đường giao thông, nhân dân thôn 7 còn tự nguyện đóng 100 triệu đồng làm 2km trụ đèn đường thắp sáng; góp 70 triệu đồng mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa thôn. 

Giao thông đi lại thuận tiện, đời sống người dân khởi sắc, hàng chục hộ đã ra mặt tiền đường làm nhà kiên cố khang trang. Từ “tự cung, tự cấp”, đến nay thôn 7 có 4 hộ đầu tư mở cửa hàng trao đổi, mua bán đủ loại hàng hóa phục vụ người dân. Đầu năm 2018, thôn có 38 hộ nghèo, nay giảm còn 10 hộ; 3 năm liền thôn đạt khu dân cư văn hóa.

Nhiều cách làm sáng tạo

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Khó khăn trong việc xây dựng NTM tại xã là hoàn thành các tiêu chí cần vốn lớn như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Rút kinh nghiệm từ các xã đã về đích NTM của huyện Bù Gia Mập, khi có chủ trương của tỉnh, huyện về đầu tư xây dựng NTM, Bình Thắng đã chủ động làm các thủ tục cần thiết, lập kế hoạch chi tiết về các hạng mục, công trình cần đầu tư xây dựng, đồng thời vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng trước. Khi được phê duyệt, hỗ trợ vốn, xã bắt đầu làm ngay nên các tiêu chí khó đều hoàn thành. Theo quy hoạch, toàn xã có 99km đường giao thông, trong đó cần cứng hóa trên 70% là đạt. Đến nay, xã có 77,684km đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa và cấp phối sỏi đỏ, đạt 78,5%. Trong đó, đường liên xã 14,17km, đã nhựa hóa 100%; đường liên thôn, đường sản xuất 77km, trong đó cứng hóa 77%; đường ngõ, xóm 8,22km đã bê tông và cấp phối sỏi đỏ 7,5km, đạt 91%. Riêng trong năm 2019, xã làm 12km đường nhựa, 11km đường bê tông và 6km đường cấp phối sỏi đỏ. Xã nằm trên trục đường cụt nên các hoạt động dịch vụ, thương mại, công nghiệp không phát triển; mặt khác, trên địa bàn có ít doanh nghiệp hoạt động nên khó vận động đóng góp vốn. Để có vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước thì cách làm của xã trong vận động nguồn lực là không cào bằng mà tùy vào sự đóng góp của người dân. Với các thôn dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn, xã chủ trương không vận động đóng góp mà thực hiện từ 100% vốn ngân sách; đối với những vùng bớt khó khăn hơn thì vận động đóng góp từ 20-30%; còn những khu dân cư khá, “khát” đường thì vận động đóng góp 50% vốn. Cách làm này được nhân dân đồng tình ủng hộ, tiêu biểu có khu dân cư chỉ 10 hộ nhưng đóng góp đến 500 triệu đồng làm đường giao thông; có hộ dân tộc thiểu số ủng hộ 60 triệu đồng cho thôn làm đường...

Nhà văn hóa thôn 7, xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) được đầu tư xây dựng khang trang

Xã có 4 trường học, đến nay đều được đầu tư xây dựng đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Trong đó, Trường tiểu học Bình Thắng A đạt chuẩn quốc gia mức 1 năm 2017. Năm 2019, huyện xây dựng 17 phòng học cho Trường tiểu học Bình Thắng B với kinh phí 14 tỷ đồng. Trường THCS Bình Thắng được xây dựng hướng đến đạt chuẩn quốc gia từ năm 2016, đến nay đã có 2 dãy phòng học lầu, 1 dãy phòng học bộ môn, 1 dãy phòng chức năng và mua sắm đầy đủ trang thiết bị, đảm bảo công tác dạy học. Trường mầm non Bình Thắng được đầu tư xây dựng mới với 16 phòng học, bếp ăn, mái vòm, tổng kinh phí 12 tỷ đồng.

Để hoàn thành 19 tiêu chí NTM, xã Bình Thắng cần vốn hơn 123 tỷ đồng. Là xã điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, doanh nghiệp không hỗ trợ nhưng với nhiều cách làm sáng tạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay xã huy động đủ nguồn vốn thực hiện và không còn nợ đọng. Trong tổng hơn 123 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 9 tỷ, ngân sách tỉnh hơn 15,6 tỷ, ngân sách huyện hơn 42 tỷ, vốn vay tín dụng gần 46 tỷ và vận động nhân dân đóng góp gần 9 tỷ đồng.

Xã Bình Thắng có 11 thôn, đến năm 2018 mới chỉ có 3 nhà văn hóa nhưng đến nay đều có đủ. Từ đầu năm 2019, xã đầu tư xây dựng hoàn thành 6 nhà văn hóa mới cho các thôn 2A, 2B, 3, 4, 5 và 7, quy mô 80m2, kinh phí từ 400-500 triệu đồng/nhà; thôn 6B và thôn 1 lấy lại điểm trường làm nhà văn hóa. Ngoài ra, các nhà văn hóa cũ, xuống cấp được sửa chữa, nâng cấp, đồng thời vận động nhân dân đóng góp mua sắm trang thiết bị phục vụ. Xã đầu tư xây dựng hội trường theo hướng đa năng, quy mô 200 chỗ ngồi; có 3 sân bóng đá mini và 15 sân bóng chuyền (theo hình thức xã hội hóa)... đảm bảo các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao toàn xã. Khó khăn nhất trong thực hiện tiêu chí môi trường là bãi tập kết rác thải nhưng đến nay xã đã được huyện cấp khu đất công làm bãi rác. UBND xã đã hợp đồng với một số hộ thu gom rác thải tại chợ, khu dân cư, mỗi ngày vận chuyển từ 1-2 xe ra bãi rác đốt và chôn lấp nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Năm 2018, xã có 197 hộ nghèo, chiếm 9,08% số hộ dân toàn xã. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong 2 năm 2018, 2019, xã vận động hỗ trợ từ chương trình “Lục lạc vàng”, quỹ thiện tâm, cấp 30 con bò giống cho 30 hộ, xây dựng 18 căn nhà đại đoàn kết; ngoài ra, còn giới thiệu việc làm, vận động các hộ siêng năng lao động, tăng gia sản xuất. Với nhiều giải pháp khác nhau, đến nay xã giảm được 52 hộ nghèo, còn 145 hộ, chiếm 6,17%.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
1581

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu