Thứ 4, 24/04/2024 01:27:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:06, 30/04/2017 GMT+7

KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2017)

Bình Phước trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Chủ nhật, 30/04/2017 | 13:06:00 5,038 lượt xem

BP - Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973 là một thắng lợi to lớn của quân và dân ta, đồng thời là thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ và tay sai. Nhưng với bản chất ngoan cố, Mỹ không chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài nước ta. Trước âm mưu và hành động mới của Mỹ - ngụy, hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7-1973) xác định: Con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, bất kể tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, kiên quyết đấu tranh trên 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, tiến lên giành toàn thắng.

Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, Đảng bộ, quân và dân Bình Phước với ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách đã kiên trì bám trụ, chiến đấu đánh địch càn quét, lấn chiếm giành dân, giữ vững lực lượng, giữ vững địa bàn, phát triển căn cứ địa dọc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Đảng bộ, quân và dân Bình Phước cùng lực lượng chủ lực của Miền, của khu tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, đánh địch ở Lộc Ninh, An Lộc, Chơn Thành, Bù Đốp, giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh ngày 7-4-1972, tạo địa bàn cho việc xây dựng thủ phủ Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Lộc Ninh, căn cứ Bộ tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh. Đặc biệt, trong Chiến dịch đường 14 - Phước Long (13-12-1974 - 6-1-1975) tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long và làm chủ hoàn toàn một tỉnh, nối thêm hành lang chiến lược từ Tây Nguyên vào Đông Nam bộ, tạo bàn đạp tấn công giải phóng Sài Gòn từ phía bắc, đồng thời là đòn “trinh sát chiến lược”, thăm dò phản ứng của Mỹ trước sự thất bại của quân ngụy Sài Gòn, củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Nhân dân xã Lộc Thắng, huyện Lộc Ninh đón chào quân giải phóng tháng 4-1972 - Ảnh: Duy Hiền​​​​​​​

Ngày 20-3-1975, theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước tạm dừng việc hành quân ra giải phóng Gia Nghĩa. 20 giờ ngày 23-3-1975, nhận được thông báo của Miền về việc trong đêm địch ở Bình Long rút chạy về Chơn Thành để tiếp tục xuống Lai Khê, Tỉnh ủy đưa đại đội địa phương huyện Chơn Thành tổ chức bao vây phía nam, nghi binh là một trung đoàn để cầm chân địch.

Được tin giặc bỏ chạy, lực lượng vũ trang huyện Bình Long kết hợp với một trung đoàn của Sư đoàn 341 cùng lực lượng của Sư 9 tiến hành truy kích, sau đó bao vây chi khu Chơn Thành. Trưa 24-3-1975, lực lượng tỉnh phối hợp lực lượng Quân đoàn 4 đánh Chơn Thành. Được tăng cường thêm quân từ tiểu khu Bình Long, chi khu An Lộc về, lực lượng địch ở Chơn Thành khá mạnh, gồm 1 liên đoàn biệt động quân, 3 pháo đội, 4 chi đội xe tăng thiết giáp cùng lính bảo an, dân vệ.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Thường vụ Trung ương Cục, bộ đội địa phương kết hợp với bộ đội chủ lực mở trận tấn công đánh thẳng vào chi khu. Trước tiên quân ta đánh vào các chốt bảo an ở ấp Chơn Thành, Ngọc Lầu, sau đó tiến vào phía bắc chi khu. Ở phía đông, ta bắn kìm chân lực lượng biệt động quân đóng ở vườn cao su ngã tư Chơn Thành. Các cánh quân của ta tiến công mãnh liệt, song hỏa lực của địch mạnh, lực lượng bố phòng dày đặc, địch đã phản kích dữ dội. Pháo từ chi khu, từ tòa hành chính liên tiếp bắn vào đội hình ta, gây cho ta nhiều tổn thất.

Mặc dù nhiều chiến sĩ của ta hy sinh nhưng các lực lượng vẫn quyết tâm giải phóng bằng được chi khu. Ngày 31-3-1975, ta tiếp tục tăng cường thêm lực lượng mở đợt tấn công vào chi khu Chơn Thành, đến sáng 2-4-1975 địch tháo chạy. Được nhân dân địa phương giúp đỡ, quân ta tiếp tục truy quét, bắt thêm một số tên địch và một số khác lần lượt ra đầu thú với cách mạng. Chiều 2-4-1975, Chơn Thành được giải phóng. Toàn tỉnh Bình Phước được giải phóng đã phá vỡ một trong những tuyến phòng ngự kiên cố của địch ở phía tây bắc Sài Gòn, bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực hành quân vào vị trí tập kết lực lượng và chiếm lĩnh bàn đạp tấn công Sài Gòn.

Tỉnh Bình Phước được giải phóng. Ở Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đốp, đông đảo thanh niên đã tích cực tham gia du kích, bộ đội chủ lực. Toàn tỉnh có hơn 2.000 đồng bào tình nguyện đi dân công. Những ngày này các nơi trong tỉnh luôn sẵn sàng cùng cả nước bước vào chiến dịch lịch sử, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong những ngày tháng 4-1975, tại căn cứ Tà Thiết thuộc sóc Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh (cách thị trấn Lộc Ninh 17km, cách thị xã An Lộc - Bình Long 30km) đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, chỉ đạo hoạt động của các lực lượng nhằm tập trung sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 7-4-1975, tại hội trường giao ban của Bộ tư lệnh Miền, đồng chí Phạm Hùng đã chủ trì cuộc họp quan trọng giữa đoàn cán bộ của Bộ Tham mưu với Trung ương Cục và Quân ủy Miền, đánh giá toàn bộ tình hình, đồng thời quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 1-4-1975 về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn với phương châm “Phải thần tốc, thần tốc toàn thắng, nhất định toàn thắng”.

Ngày 8-4-1975, tại Tà Thiết, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị, phổ biến tinh thần nghị quyết của Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bộ chỉ huy do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn và Đinh Đức Thiện làm Phó tư lệnh. Sở chỉ huy đóng tại Tà Thiết. Tư lệnh các quân đoàn 1 và 3 đã trực tiếp đến sở chỉ huy chiến dịch Tà Thiết nhận nhiệm vụ. Căn cứ Tà Thiết bước vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh với không khí khẩn trương, nhộn nhịp.

Ngày 14-4-1975, để có tên gọi xứng đáng với một chiến dịch lớn nhất, có ý nghĩa nhất, kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị và Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 22-4-1975, Bộ chỉ huy chiến dịch duyệt lần cuối cùng kế hoạch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Một bộ phận của Bộ chỉ huy chiến dịch - Bộ chỉ huy tiền phương rời Tà Thiết về đóng chỉ huy sở tại Cămxe (Bến Cát). Sở chỉ huy cơ bản vẫn đóng tại Tà Thiết để giải quyết toàn bộ tình hình và chiến trường chung. Để thực hiện thành công Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ tư lệnh 559 chuyển lực lượng và phương tiện vận tải từ tây sang đông, từ tuyến tây Trường Sơn sang quốc lộ 1.

Cùng với lực lượng vận tải chiến lược, lực lượng vận tải chiến dịch do Bộ tư lệnh Miền, các quân đoàn kết hợp với quân dân Bình Phước đã tranh thủ thời gian huy động hết khả năng phương tiện của đơn vị và nhân dân để bảo đảm yêu cầu vận chuyển vật chất của đơn vị và cơ động bộ đội. Với 1.468 xe chở toàn bộ Quân đoàn 3 vào Lộc Ninh và vận chuyển 6.000 tấn vũ khí vào Đồng Xoài.

6 tuyến vận tải bảo đảm cho các hướng tiến công vào Sài Gòn được hình thành, đa số những tuyến này đều xuất phát từ các địa bàn thuộc tỉnh Bình Phước, tạo thế liên hoàn trên các hướng.Song song với các tuyến vận tải, quân và dân ta mở cuộc tiến công quy mô lớn từ 5 hướng đánh vào Sài Gòn. Trên đường tiến quân, bộ đội ta lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương giải phóng các tỉnh xung quanh Sài Gòn.

Từ ngày 2-4-1975, Bình Phước sạch bóng quân thù. Quân dân Bình Phước ra sức ổn định tình hình, xây dựng và bảo vệ vùng mới giải phóng, tham gia phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần vào thắng lợi vĩ đại ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Minh An
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

  • Từ khóa
17789

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu