Thứ 5, 28/03/2024 15:59:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 19:16, 03/12/2016 GMT+7

Kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật 3-12

Bình Phước nỗ lực chăm sóc người khuyết tật

Nguyên Thủy
Thứ 7, 03/12/2016 | 19:16:00 168 lượt xem
BPO - Ngày 22-11, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập xã hội thông qua việc đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện và nhân văn” nhằm tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn của người khuyết tật (NKT); đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ NKT tham gia xe buýt. Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ NKT sử dụng xe buýt.

Phần lớn trẻ em khuyết tật đều có hoàn cảnh rất khó khănPhần lớn trẻ em khuyết tật đều có hoàn cảnh rất khó khăn

Tại Bình Phước, xe buýt chưa hiện diện nhiều trong giao thông nên tỉnh chưa đặt vấn đề hỗ trợ NKT ở khía cạnh này. Tuy nhiên những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ NKT. Với 14.497 NKT, trong đó NKT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội tính đến tháng 6-2016 là 6.607 người, Bình Phước có tỷ lệ NKT tương đối cao. Những năm qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần như trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí giành cho NKT…

Năm 2015, từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và một số tổ chức nước ngoài được 12,88 tỷ đồng, Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi tỉnh đã phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp. Trong đó đã phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 582 người, trị giá trên 1,22 tỷ đồng; vận động hỗ trợ 45 ca phẫu thuật tim trị giá trên 3,1 tỷ đồng; xây tặng, sửa chữa 62 căn nhà tình thương trị giá 2,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, Hội bảo trợ các cấp trong tỉnh đã vận động được hơn 6 tỷ đồng, dự kiến sẽ phẫu thuật mắt 500 ca; tặng 200 xe lăn, xe lắc, xe đạp; phẫu thuật tim bẩm sinh cho 30 trẻ em; đồng thời đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người yếu thế. Hiện 111 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật. Một số trường hợp NKT được giới thiệu giám định tại Hội đồng giám định y khoa của tỉnh, đảm bảo đầy đủ các quyền lợi. NKT nặng và đặc biệt nặng được cấp giấy xác nhận và hưởng trợ cấp thường xuyên. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn khám chữa bệnh định kỳ, phát hiện các trường hợp dị tật bẩm sinh trong bào thai và cấp phát thuốc miễn phí một số chương trình cho NKT. Các trạm y tế lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT tại nơi cư trú. Năm 2015, trường giáo dục chuyên biệt Bình Minh (thị xã Đồng Xoài) được thành lập và đi vào hoạt động với kinh phí xây dựng 15 tỷ đồng đã mở ra nhiều cơ hội cho NKT. Năm 2014 và 2015, Hội thi tiếng hát NKT thu hút đông đảo NKT tham gia, tạo sân chơi bổ ích, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng âm nhạc của NKT.

Dù Bình Phước chưa có bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng chưa có khoa phục hồi chức năng nhưng hiện đã có 10 tổ phục hồi chức năng lồng ghép trong các khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ở tuyến xã, hiện đã có 72/111 trạm y tế xã thực hiện phục hồi chức năng. Những năm qua, tỉnh phối hợp với Trung tâm Phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh khám sàng lọc cho hàng ngàn NKT, trong đó có 200 NKT được phẫu thuật và phục hồi chức năng miễn phí, tái hòa nhập cộng đồng. Do bệnh viện tỉnh chưa có khoa tâm thần nên hằng năm, tỉnh ký hợp đồng với Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai) điều trị cho những người bị bệnh tâm thần có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí dành cho NKT.

•	Bà Dương Thị Tuyết, Phó chủ tịch thường trực Hội bảo vệ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước thăm một trường hợp khuyết tật trong tỉnhBà Dương Thị Tuyết, Phó chủ tịch thường trực Hội bảo vệ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước thăm một trường hợp khuyết tật trong tỉnh

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác chăm sóc  NKT trên địa  bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Đó là việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện trợ giúp, tạo điều kiện cho NKT tham gia sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục - thể thao, giải trí trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Việc dạy nghề cho NKT chưa có một chương trình, dự án riêng mà hiện chỉ được lồng ghép trong đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên hiệu quả thấp và dường như không thu hút được NKT tham gia. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ đào tạo nghề cho 101 NKT và giới thiệu một số NKT học nghề cắt tóc, sửa xe máy, làm tranh thêu tại TP.HCM. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh sử dụng lao động là NKT. Số NKT có việc làm ổn định, tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống hòa nhập cộng đồng còn ít.

Ngày 21-9-2016 vừa qua, đoàn giám sát của Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam đã giám sát kết quả thực hiện Luật Người khuyết tật và những khó khăn vướng mắc trong các hoạt động trợ giúp NKT tại Bình Phước. Từ những thông tin nắm được, đoàn giám sát đã đề nghị các ngành liên quan rà soát lại kế hoạch triển khai Luật NKT trên địa bàn tỉnh và sớm ban hành văn bản về các xã, phường, thị trấn để thực hiện hiệu quả luật này. Đoàn cũng yêu cầu UBND các cấp khi lập kế hoạch dự toán kinh phí hoạt động hằng năm cần bổ sung kinh phí hỗ trợ các hoạt động cho NKT. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho NKT như tạo việc làm, dạy nghề và rà soát lại các dự án do các tổ chức tài trợ, đầu tư cho NKT. Trước đó, ngày 20-10-2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2015-2018” tại Bình Phước. Và ngày 18-6-2016, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án “Chương trình thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật giai đoạn 2015-2020” tại Bình Phước. Đây thực sự là những việc làm cụ thể của tỉnh và trung ương trong nỗ lực chăm sóc NKT trên địa bàn tỉnh.

  • Từ khóa
57383

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu