Thứ 6, 19/04/2024 11:42:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:23, 25/02/2016 GMT+7

Bình Phước hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại

Thứ 5, 25/02/2016 | 08:23:00 138 lượt xem
BP - Trong các năm qua, cùng với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung, Bình Phước đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa kém giá trị để chuyển sang những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao với mục tiêu hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, hội nhập.

Năm 2015, thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài, mưa ít, ảnh hưởng đến diện tích cây hằng năm, đặc biệt là sản lượng cây điều; thêm vào đó giá mủ tiếp tục giảm sâu trong nhiều năm, dẫn đến diện tích cao su bị sụt giảm... tác động đến tăng trưởng của ngành. Trước những khó khăn ấy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai công tác chỉ đạo sản xuất, đề ra những biện pháp khắc phục nên nền nông nghiệp tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng khá. Trong năm 2015, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Phước đạt trên 21.000 tỷ đồng, tăng trên 6% so với năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% ở vùng nông thôn.

Mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Phú RiềngMô hình trồng rau thủy canh ở huyện Phú Riềng

Với đặc thù của tỉnh thuần nông, Bình Phước hiện có hơn 80% số dân sống ở nông thôn. Sản xuất nông nghiệp trong tỉnh thời gian qua có nhiều thuận lợi do người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng nâng lên, đời sống ngày càng được cải thiện. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, việc chuyển đổi, phát triển ngành, nghề trong nông nghiệp và nông thôn được chú trọng. Với 40 loại ngành, nghề về nông nghiệp hiện đã thu hút và giải quyết hơn 32.000 lao động hằng năm với mức thu nhập ổn định. Trong sản xuất nông nghiệp, loại hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay là mô hình kinh tế trang trại, có chiều hướng phát triển mạnh, theo phương thức sản xuất hàng hóa với quy mô vừa và lớn. Toàn tỉnh hiện có 1.082 trang trại, 1.272 tổ hợp tác và 86 hợp tác xã nông - lâm nghiệp.

Về chăn nuôi, dù chịu sự tác động nặng nề của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và giá thương phẩm một số loại gia súc giảm mạnh, trong khi giá thức ăn tăng cao, song ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì và phát triển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 285.000 con heo, trên 4 triệu con gia cầm, trên 41.000 con trâu, bò, tập trung ở tất cả huyện, thị xã trong tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, từ đầu năm tới nay, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Có được kết quả này là do các huyện, thị xã đã chủ động xây dựng, phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin; phát động các chiến dịch vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, vùng có nguy cơ cao; tăng cường ngăn chặn tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhập lậu xâm nhập vào địa bàn.

Bình Phước có ưu thế về mặt nước nội địa tương đối lớn khoảng 28.300 ha, trong đó mặt nước sông, suối, kênh gần 7.200 ha. Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi cá bè trên các lòng hồ. Hiện toàn tỉnh có khoảng 40 hộ nuôi cá bè với tổng 230 bè cá, tập trung ở tất cả huyện, thị trong tỉnh, nhiều nhất là huyện Bù Đăng với 20 hộ nuôi. Mặc dù số lượng lồng cá trên địa bàn tỉnh tăng theo các năm nhưng sản lượng chưa ổn định. Nguyên nhân là do vào đầu mùa mưa lượng mùn bã hữu cơ và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị rửa trôi, chảy xuống làm nước đục, môi trường biến động nhanh, cá không thích ứng kịp dễ bị nhiễm bệnh nên cá ở nhiều lồng bị chết, dẫn đến số lượng lồng nuôi và sản lượng giảm. Hơn nữa, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn ở trình độ phát triển thấp, phần lớn mới đạt mức quảng canh, một tỷ lệ nhỏ đạt mức bán thâm canh.

Song song với phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp thì vấn đề xây dựng nông thôn mới cũng được các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện. Sau Tân Lập là xã điểm của cả nước trong xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Phước đã hoàn thành công tác phê duyệt lập quy hoạch đề án xây dựng nông thôn mới ở 92/92 xã. Riêng công tác chỉ đạo điểm giai đoạn 2011-2015, Bình Phước có 21 xã. Hiện Bình Phước có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 7 xã đạt 10-14 tiêu chí, không có xã đạt từ 5-9 tiêu chí về nông thôn mới. Bình quân mỗi xã xây dựng nông thôn mới đạt gần 11 tiêu chí. Đặc biệt, đối với 21 xã chỉ đạo điểm về nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt khoảng 15/19 tiêu chí. 

Việc giải ngân vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt hiệu quả cao. Trong năm 2015, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện các dự án về đường giao thông nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo nghề... đã góp phần thúc đẩy sự đổi thay về diện mạo của nông thôn Bình Phước. Đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân ở nông thôn ngày một nâng cao.

Từ những kết quả trên, năm 2015, Bình Phước đã giảm hộ nghèo từ 3,5% đầu năm xuống còn 2,5%. Toàn tỉnh có 97,32% hộ có điện sử dụng, 90% hộ có nước sạch dùng trong sinh hoạt, thu nhập bình quân đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, một thực tế không thể phủ nhận là người nông dân mới chỉ thoát nghèo và chưa thể giàu lên được do giá nông sản, giá các loại gia súc, gia cầm còn bấp bênh; việc quy hoạch giống cây trồng, vật nuôi và các vùng chuyên canh chưa được quan tâm đúng mức; mối liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) còn quá lỏng lẻo. Mặc khác, Bình Phước vẫn chưa xây dựng được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến để bổ trợ cho ngành nông nghiệp. Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi cần được tỉnh quan tâm trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, năm 2016, ngành nông nghiệp Bình Phước phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất tăng 5% so với năm 2015. Tiếp tục đẩy nhanh phát triển lâm nghiệp, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ số xã đạt 19 tiêu chí chiếm 8,7%. 

Để phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, hướng vào hội nhập, thiết nghĩ ngành nông nghiệp tỉnh phải tăng cường việc chuyển giao khoa học - công nghệ, ứng dụng khoa học - công nghệ cho nhân dân, làm sao trên cùng một diện tích có thể sản xuất ra hàng hóa chất lượng, năng suất tăng nhưng giá thành hạ, có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra hiện nay cho nền nông nghiệp tỉnh là cần phải cải thiện hệ thống phân phối nông sản và thông tin thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch cho khu vực và xuất khẩu; thực hiện đầu tư thâm canh, ứng dụng các giống mới và quy trình sản xuất tiên tiến... nhằm tạo ra diện mạo mới cho ngành nông nghiệp Bình Phước. Đây chính là những nền tảng cơ bản để từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Gia Nghi

  • Từ khóa
40112

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu