Thứ 5, 28/03/2024 16:43:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:22, 01/05/2015 GMT+7

Người viết "Bản mệnh lệnh Quân quản" tại Côn Đảo mùa Xuân 1975

Thứ 6, 01/05/2015 | 06:22:00 2,326 lượt xem
BPO - Trong những ngày tháng Tư này, chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh Lê Xuân Phương ở phường Văn Miếu, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, là một trong những chứng nhân lịch sử trong ngày 30-4 và diễn biến giải phóng Côn Đảo, người trực tiếp viết “Bản mệnh lệnh Quân quản” đưa tình hình an ninh trật tự tại Côn Đảo vào thế ổn định.

Trong căn nhà đơn sơ nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ông Phương bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm chiến đấu đã theo ông suốt cuộc đời. Ông sinh năm 1937 tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 2/1965, được phân công chiến đấu tại Tiểu đoàn 24 pháo cao xạ quân khu Tây Bắc.

Với nhiều thành tích trong công tác, chỉ sau hơn 1 năm trong quân ngũ, ông được thăng vượt cấp lên Chuẩn úy, tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ khu vực phía Bắc Tây bắc. Đầu năm 1968, ông cùng đồng đội được lệnh hành quân vào Nam tham gia chiến dịch Mậu Thân. Tháng 6/1971, ông Phương được điều động về bổ sung vào Sư đoàn Sao Vàng ở Bình Định, làm trợ lý tuyên huấn cho Sư đoàn với nhiệm vụ phái viên cho các mặt trận tại nhiều chiến dịch lớn.

Ngày 30-4-1975, ông Phương nhận nhiệm vụ làm phái viên mặt trận cùng Trung đoàn 2 và Trung đoàn 12 đánh giải phóng Bà Rịa-Vũng Tàu với phòng tuyến cầu Cỏ May. Ông tâm sự, mình không bao giờ quên được không khí của ngày giải phóng lịch sử đó. Nhân dân ùa ra hai bên đường, trên tay cầm cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận giải phóng, hoa, ảnh Bác Hồ, mang dừa, gạo, bánh kẹo, thức ăn… tặng bộ đội. Nghe tin trên đài phát thanh quân ta đã tiến vào Dinh Độc lập, mọi người vô cùng phấn khởi, hò reo. Trên gương mặt mọi người, ai ai cũng một nụ cười hạnh phúc rạng rỡ, nhiều người xa lạ vẫn tay bắt mặt mừng, ôm chặt lấy nhau như đã quen thân, cùng chung niềm vui giải phóng.

Hoàn thành nhiệm vụ trên đất liền, ngày 3-5-1975 đơn vị của ông Phương lại nhận được mệnh lệnh: Đánh một trận cuối cùng kết hợp các binh chủng bao gồm: Hải, lục, không quân cấp tốc giải phóng Côn Đảo. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Lúc này, chúng ta chưa có tin cụ thể của Côn Đảo nhưng Chỉ thị từ Trung ương là phải thật nhanh chóng ra đảo, không để cho kẻ thù kịp gây thêm tội ác tàn bạo. Ngay trong ngày 3/5/1975, tận dụng một tàu hải quân được trang bị tối tân của địch mà quân ta vừa bắt được, ta yêu cầu tên Trung tá hải quân của tàu địch chỉ huy kỹ thuật, đưa Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng tiến đánh Côn Đảo.
 

Tàu Hải quân Việt Nam đưa các chiến sỹ cách mạng từ nhà tù Côn Đảo trở về đất liền.


Khoảng 3 giờ sáng 4-5-1975, tàu nhận được tin Côn Đảo đã được giải phóng, anh em tù chính trị đã làm chủ Côn Đảo. “Mọi người phấn khởi hẳn lên, bởi sẽ không còn một cuộc đổ máu nữa”, ông Phương nhớ lại.

Khi lên bờ, hàng ngàn người đã xếp hàng dài để đón bộ đội. “Chúng tôi tổ chức rước ảnh Bác lên đảo trong khí thế chiến thắng và tiếng hô vang của hàng ngàn người ra đón: “Hoan hô quân giải phóng miền Nam Việt Nam!,” “Hồ Chủ tịch muôn năm!" kéo dài cho tới khi bộ đội hoàn toàn vào vị trí tập kết. Nhiệm vụ của bộ đội ta khi tàu cập bến là trở thành lực lượng truy quét tàn binh địch và giữ vững an ninh, trật tự trên đảo. Vấn đề cấp bách lúc này là ổn định trật tự xã hội và củng cố bộ máy chính trị, chỉ huy.

Chiều 4-5-1975, ông Phương vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ là người trực tiếp viết “Bản mệnh lệnh Quân quản.” Ông nghiên cứu viết tới 2 giờ sáng ngày 5-5-1975 và ngay sau đó bản Mệnh lệnh được phê duyệt và được truyền đi khắp đảo với các nội dung cơ bản: Khẳng định chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Côn Đảo đã thuộc về tay nhân dân cùng chính quyền cách mạng; giải tán tất cả các tổ chức vũ trang và tổ chức hành chính của chế độ Mỹ-Ngụy, yêu cầu quân Ngụy giao nộp hết vũ khí và tới trình diện tại Ủy ban Quân quản; lập lại hoạt động tại các trường học, bệnh viện, nơi sản xuất kinh doanh… trên Côn Đảo.

Sau đó, ông tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phái viên tại mặt trận Côn Đảo, làm các công tác vận động, tập trung gia đình binh lính Ngụy để phân tích, giải thích và quán triệt tình hình; sắp xếp đưa hàng nghìn tù chính trị của ta bị giam giữ tại Côn Đảo trở về đất liền.

Ngày 20-5-1975, ông được lệnh cùng một số chiến sĩ áp giải tên Chiến Khương, Trưởng ty Cảnh sát Côn Đảo dưới chế độ Ngụy quyền về giao cho Cục an ninh miền Nam tại Sài Gòn. Trên cơ sở những thành tích đạt được tại mặt trận Côn Đảo, khi trở về ông đã được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

Năm 1977, ông Phương xin chuyển ngành về công tác tại Công ty vật tư Hà Nam Ninh. Dấu chân người lính đi qua hai miền đất nước, trong người ông đã mang di chứng của chất độc da cam quái ác, khiến ông không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn mất đi một người con trai khi mới 3 ngày tuổi; một trong hai người con còn lại cũng bị ảnh hưởng bởi di chứng da cam.

Bốn mươi năm đã đi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng, trên gương mặt của người lính già vẫn không giấu được vẻ xúc động. Xuất ngũ, ông trở về với cuộc sống thường ngày, mang theo ký ức về những năm tháng gian khổ của mình cùng đồng đội ở chiến trường.

Có lẽ mùa Xuân năm 1975 sẽ mãi mãi trong ký ức của ông cùng đồng đội và đi vào lịch sử như một minh chứng rõ ràng nhất cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Quân đội và nhân dân Việt Nam.

Nguôn TTXVN

  • Từ khóa
13032

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu