Thứ 7, 20/04/2024 14:14:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:51, 15/11/2017 GMT+7

Bình đẳng giới - cần sự khẳng định của chính phụ nữ!

Thứ 4, 15/11/2017 | 08:51:00 173 lượt xem

BP - Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận là ngày 9-11, Quốc hội thảo luận về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nhiều đại biểu đã đăng đàn thảo luận về vấn đề này. Trong đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng: Các chính sách thực hiện chiến lược bình đẳng giới chưa tách được đối tượng đặc thù là nữ dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhiều năm qua, công tác bình đẳng giới ở nước ta đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, dần trở thành nội dung xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội với nhiều thành tựu nổi bật, được quốc tế đánh giá, ghi nhận. Đặc biệt, với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đang từng bước thực hiện có hiệu quả việc thúc đẩy bình đẳng giới. Ngày nay vai trò, vị trí của người phụ nữ đã nâng lên rất nhiều cả trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, công tác phụ nữ được quan tâm hơn, đặc biệt là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nữ. Xin lấy ví dụ tại Bình Phước, bên cạnh làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ năm 2007 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp trên 7.000 đảng viên nữ, chiếm hơn 41% tổng số đảng viên mới kết nạp; đảng viên nữ chiếm trên 34% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng cấp tỉnh đạt 21,81%, cấp huyện 15,24%, cấp xã 20,16%...

Tuy nhiên, trên thực tế, tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình còn diễn ra ở nhiều gia đình; còn có tư tưởng nâng lên hạ xuống trong đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là nữ. Không hiểu sao mỗi khi có cán bộ nữ nào đó được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm thì một bộ phận dư luận lại đặt câu hỏi cán bộ nữ đó là con, cháu ai, đẹp hay xấu?! Tại mỗi gia đình vẫn còn mặc nhiên nếp nghĩ: là con gái thì phải vào bếp, biết chiều chồng, chiều con; trụ cột gia đình phải là người chồng, phụ nữ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, góp ý... Những gia đình có con gái ngay từ nhỏ đã phải dạy dỗ, nhắc nhở con đi nhẹ, nói khẽ, biết nấu ăn ngon... để sau này phục vụ chồng con. Không khó khi bắt gặp tại các vùng có đông đồng bào DTTS: Người chồng uống rượu, hát karaoke, trong khi người vợ vừa bồng con, vừa làm đồ nhậu. Và như dẫn chứng của đại biểu Điểu Huỳnh Sang tại diễn đàn Quốc hội ngày 9-11: “74% hộ DTTS do nam giới đứng tên độc lập về quyền sử dụng đất; phụ nữ và trẻ em gái người DTTS thường chịu sự phân biệt đối xử cả yếu tố giới và dân tộc” và “còn đến 13,4% phụ nữ DTTS không được tiếp cận với bất cứ phương tiện thông tin nào”.

Thực hiện bình đẳng giới là công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Bên cạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đưa ra để thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong thời gian tới, trên hết, mỗi phụ nữ, nhất là nữ đồng bào DTTS cần ý thức và tự phấn đấu vươn lên, không ngừng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội và chính gia đình.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108757

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu