Thứ 3, 16/04/2024 14:04:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:16, 07/01/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ CÙNG NHÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG (7-1-1979 – 7-1-2019)

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Thứ 2, 07/01/2019 | 09:16:00 2,123 lượt xem
BP - Ngày 21-6-2017, kỷ niệm 40 năm đi tìm “đường sống” cho dân tộc (21-6-1977 - 21-6-2017), Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Decho Hun Sen đã trao tặng xã biên giới Lộc Thạnh (Lộc Ninh) nhà văn hóa. Sau hơn 1 năm hoạt động, Nhà văn hóa Lộc Thạnh thật sự trở thành bảo tàng ghi nhận những hình ảnh quá trình xây dựng lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia và tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia từ năm 1979 đến nay.

CHUYỆN KỂ CỦA TIỂU ĐỘI TRƯỞNG DU KÍCH NĂM XƯA

Một ngày tháng 12-2018, sau buổi đưa tin đoàn cán bộ Tiểu khu Quân sự và Bộ chỉ huy Hiến binh tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Campuchia tham quan nhà văn hóa Lộc Thạnh, tôi tình cờ biết ông Dương Văn Thân (60 tuổi), bảo vệ nhà văn hóa là Đội trưởng dân quân xã Lộc Tấn - người dẫn Thủ tướng Hun Sen, lúc này là Trung đoàn trưởng 21 Quân khu Đông Campuchia cùng 4 đồng đội từ cánh rừng biên giới Hoa Lư về Xã đội Lộc Tấn trước khi đến trình diện tại Huyện đội Lộc Ninh trong hành trình tìm đường cứu dân tộc hơn 41 năm về trước (21-6-1977).

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Decho Hun Sen và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm thống nhất gọi tên cây gõ đỏ là “Cây đoàn kết Việt Nam - Campuchia” - Ảnh: Trần Phương

Ông Thân bồi hồi: “40 năm sau, ngày 21-6-2017, khi Thủ tướng Hun Sen thăm lại Lộc Ninh, tôi mới biết một trong 5 người được chúng tôi dẫn về xã đội ngày đó chính là Thủ tướng Campuchia Hun Sen và là thủ tướng trẻ nhất, giữ chức vụ này lâu nhất thế giới”.

Ổng Thân kể: Khoảng 9-10 giờ ngày 21-6-1977, tôi là Đội trưởng dân quân xã cùng 3 dân quân (nay chỉ còn ông Thân và ông Nguyễn Văn Công ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh còn sống - PV), nhận lệnh anh Lê Hoài Mỹ, Xã đội trưởng chạy bộ đến địa bàn ấp Hoa Lư, thuộc đường 3B (đường rừng, đường đất). Tại chòi của du kích, chúng tôi thấy 5 người đàn ông Campuchia mặc đồ đen ngồi trước đống lửa. Thời điểm này, tình hình chiến sự ở biên giới rất căng thẳng. Tôi thấy nhóm 5 người Campuchia không mang vũ khí, lại có vẻ thân thiện, không có bất cứ dấu hiệu nào của kẻ xấu. Tuy nhiên, tôi vẫn cảnh giác ra dấu yêu cầu họ mở túi xách y tế. Nhóm ông Hun Sen ngạc nhiên một chút rồi cũng hiểu. Mở miệng túi xách, tôi thấy bên trong chỉ có tai nghe, ống kim tiêm, bộ dụng cụ quân y và hộp diêm lửa; không có dao, súng hay lương thực, nước uống gì. Tôi ra hiệu họ đứng dậy và đi theo chúng tôi về Xã đội Lộc Tấn (cách khoảng 4km). 3 dân quân đi trước, tôi đi sau. Ông Hun Sen lúc này rất trẻ, dáng cao, gầy. Khi đi ngang hàng với ông, tôi thấy người này yếu và đang lên cơn sốt rét. Tôi ra hiệu mang giúp ba lô cho ông Hun Sen (do họ ăn cơm quá no sau nhiều ngày bị đói). Cơm do 2 mẹ con một Việt Kiều Campuchia gặp tại chòi du kích nấu. Về Xã đội Lộc Tấn đóng tại ấp 9 (nay là ấp Thạnh Trung, xã Lộc Thạnh - PV), do không biết tiếng Campuchia nên chúng tôi phải điều động anh Nguyễn Văn Thìn  (1952) là dân quân ấp đến phiên dịch (anh Thìn là Việt kiều Campuchia về nước năm 1974 - PV). Theo yêu cầu của ông Hun Sen là muốn gặp cán bộ cấp cao Việt Nam để nhờ giúp đỡ cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng, nhưng chúng tôi chỉ là dân quân xã và mọi việc đều phải đi từng bước. Vì vậy, đến 16 giờ cùng ngày, 5 người Campuchia mới có xe của Huyện đội đến chở họ về làm việc...

BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH HỮU NGHỊ

Nhà văn hóa xã Lộc Thạnh do Thủ tướng Hun Sen trao tặng ngày 21-6-2017, trong chuyến thăm lại Lộc Ninh, đánh dấu 40 năm đi tìm “đường sống” cho dân tộc. Nhà văn hóa tọa lạc tại ấp Thạnh Trung, trung tâm xã Lộc Thạnh. Đây cũng là nơi đóng quân của Xã đội Lộc Tấn hơn 41 năm về trước. Nhà Xã đội Lộc Tấn là địa điểm đánh dấu bước khởi đầu vẻ vang cho quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt, đem lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phát triển bền vững cho đất nước Chùa Tháp. Tại đây, Trung đoàn trưởng Hun Sen cùng 4 cộng sự đã gặp trực tiếp và trao đổi với lực lượng vũ trang, chính quyền xã Lộc Tấn đề nghị phía Việt Nam giúp xây dựng lực lượng vũ trang Campuchia. Đây cũng là sự tri ân của Thủ tướng Hun Sen với người dân xã Lộc Thạnh về những ngày đầu đặt chân trên biên giới Việt Nam. 

Trước nhà Xã đội Lộc Tấn (cũ) là biểu tượng tình hữu nghị sắt son Campuchia - Việt Nam

Tổng diện tích khuôn viên nhà văn hóa Lộc Thạnh 2.000m2, trong đó nhà văn hóa 400m2, tổng kinh phí xây dựng 4,5 tỷ đồng, có sức chứa khoảng 200 người. Đây cũng là nơi lưu giữ những hình ảnh hoạt động của Trung đoàn trưởng 21 Quân khu Đông Campuchia Hun Sen, trong quá trình sang Việt Nam nhờ trợ giúp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia lật đổ chế độ Pôn Pốt và những hoạt động của ông ở cương vị Thủ tướng Vương quốc Campuchia trong việc vun đắp tình hữu nghị 2 nước với biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị. Toàn bộ khuôn viên nhà văn hóa cũng là nơi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã biên giới Lộc Thạnh tổ chức các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa...

Ngày 21-6-2017, khi nói chuyện với nhân dân xã Lộc Thạnh trong hội trường nhà văn hóa, Thủ tướng Hun Sen đã nói: “Khi qua Việt Nam tôi mới 25 tuổi. Tôi nghĩ rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ đối với người dân Campuchia và đem lại mối quan hệ tốt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Hiện Campuchia là thành viên của ASEAN và góp phần bảo vệ hòa bình khu vực. Không ai nghĩ rằng tôi sẽ là thủ tướng trẻ nhất thế giới và là thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới. Đó cũng chính là có sự hỗ trợ của người dân Campuchia. Nhưng nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, dứt khoát không có được đất nước Campuchia như ngày nay. Ngôi nhà này (nhà văn hóa Lộc Thạnh - PV) sẽ trở thành ngôi nhà chứng kiến quan hệ lịch sử Việt Nam - Campuchia”.

Ông Dương Văn Thân cho biết thêm, công trình xây dựng và hoàn thành trong 45 ngày để đón Thủ tướng Hun Sen lúc 9 giờ sáng 21-6-2017. Di tích lịch sử này nay chỉ còn 1 cây me nhưng ở ngoài khuôn viên. Do đó, Thủ tướng Hun Sen đã cho trồng nhiều cây gõ đỏ (loại cây ông ngồi nghỉ khi được chúng tôi dẫn về nhà Xã đội). Những cây gõ đỏ cành lá xanh tươi thể hiện sức sống trường tồn, mãnh liệt với thời gian. Đó cũng là mong muốn của Thủ tướng Hun Sen với các thế hệ con cháu đất nước Chùa Tháp trân trọng giữ gìn, phát huy truyền thống hữu nghị giữa 2 dân tộc, 2 quốc gia Việt Nam - Campuchia. Nhà Xã đội theo thời gian đã xuống cấp hư hỏng, nay đã được phục dựng. Trước ngôi nhà là biểu tượng Việt Nam - Campuchia.

Từ tháng 6-2017, sau lễ cắt băng khánh thành, nhà văn hóa Lộc Thạnh mỗi tháng có 3-4 đoàn cán bộ, lực lượng vũ trang Vương quốc Campuchia đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử quá trình giải phóng dân tộc sau chuyến vượt biên giới của Thủ tướng Hun Sen và tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi bền vững. Các đoàn tham quan đều được nghe ông Thân kể lại thời khắc lịch sử Thủ tướng Hun Sen gặp gỡ và sự giúp đỡ chí tình của người dân trên biên giới Hoa Lư. Nhiều đoàn đã tặng ông Thân những món quà kỷ niệm cho mối quan hệ lịch sử hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Phương Thảo

  • Từ khóa
25470

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu