Thứ 5, 28/03/2024 19:28:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:54, 08/11/2015 GMT+7

Biết rồi khổ lắm...

Chủ nhật, 08/11/2015 | 09:54:00 157 lượt xem

BP - Sự kiện nổi bật trong mấy ngày qua là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã đưa ra bàn bạc nhiều vấn đề trọng đại của đất nước. Nhưng vấn đề nóng nhất tại nghị trường hay các buổi thảo luận ở tổ không phải là việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, kết quả kinh tế - xã hội hay nợ công, xe công... mà chính là án oan sai ngày càng nhiều. Vấn đề án oan sai không mới nên từ năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 để bồi thường thiệt hại do oan sai. Nhưng với nghị quyết này, nhiều cán bộ trong khối tư pháp xem như phương tiện cứu cánh nên không phải lo lắng khi mình gây oan sai. Do vậy, nếu không có giải pháp triệt để nhằm hạn chế tối đa oan sai, trách nhiệm của người gây ra oan sai thì dù nóng đến đâu cũng chỉ là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi...

Báo Bình Phước số 270, ra ngày 30-10-2015 có bài “Văn hóa pháp đình nhìn từ một vụ án oan sai ở Bù Đốp”, nội dung bài viết phản ánh về cuộc sống bi đát của những con người bị kết án oan. Dù đã được kết luận không phạm tội hiếp dâm từ năm 2013 nhưng đến nay 4 thanh niên bị oan sai vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào và ngay cả một lời xin lỗi từ những người gây ra oan sai. Trong 4 thanh niên bị oan sai có một người mộ đã “xanh cỏ”, 3 người bỏ đi biệt xứ. Phải chăng tòa và người gây ra oan sai đang chờ cấp trên trích ngân sách để bồi thường. Còn bản thân mình xem như vô can, không liên đới trách nhiệm trong việc gây ra sự oan sai đó?

Mới đây, lại thêm vụ giết người đẩy xuống giếng xảy ra tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng được Tòa án nhân dân tỉnh tuyên Nguyễn Văn Đồng không phạm tội đã gây ra sự bất bình trong dư luận. Nếu hội đồng xét xử cho rằng Nguyễn Văn Đồng không phạm tội, vậy thời gian bị tạm giam để điều tra vụ án thì ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho Nguyễn Văn Đồng? Còn nếu như cơ quan điều tra có đủ chứng cứ buộc tội Nguyễn Văn Đồng thì tòa đã bỏ sót người, lọt tội. Xa hơn nữa là vụ Lê Bá Mai trong kỳ án vườn mít bị truy tố với tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người xảy ra từ năm 2004. Đến nay, qua rất nhiều lần xét xử với những kết quả khác nhau, khi thì Lê Bá Mai bị tuyên tử hình, khi thì vô tội. Đó là những vụ án hình sự, còn oan sai trong án dân sự chắc chắn không hề ít. Vậy những người thụ lý vụ án chịu trách nhiệm đến đâu trong những án oan sai kể trên?

Vẫn biết rằng, đối với ngành tòa án, thẩm phán chỉ được phép có tỷ lệ vụ án, bản án bị sửa, hủy trong một nhiệm kỳ thẩm phán không vượt quá 3% mới xem xét tái bổ nhiệm. Tuy nhiên, nếu có tỷ lệ bản án bị sửa, hủy vượt “khung” trên thì đã có cách là xem xét tới nguyên nhân khách quan và chủ quan của từng vụ án... Vì thế, tỷ lệ thẩm phán bị “treo” rất ít. Đây chính là nguyên nhân để xảy ra những vụ án oan sai và nếu Quốc hội và ngành tòa án không có biện pháp quyết liệt thì oan sai vẫn là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi...

Nội Chính

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu