Thứ 6, 29/03/2024 09:16:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:56, 27/01/2016 GMT+7

Biết làm sao đây!?

Thứ 4, 27/01/2016 | 10:56:00 231 lượt xem

BP - Sao lại là bố!? Tôi đã thảng thốt tự hỏi như thế khi nhận được kết quả xét nghiệm của bố tôi - ông cụ bị ung thư trực tràng. Tôi run rẩy tới mức không thể chạy xe từ bệnh viện về nhà mà phải gọi chồng đến mang xe về, còn cha con tôi lên taxi. Từ lâu, qua báo chí, tôi vẫn biết Việt Nam hiện được xếp vào tốp có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Ngay cạnh nhà tôi cũng đã có người phải ra đi vì ung thư vòm họng khi tuổi đời còn rất trẻ. Mỗi khi đến thăm, thấy người thân của họ đau buồn, tôi cũng lựa lời an ủi. Nhưng khi bố bị ung thư, tôi thấy thật khó chấp nhận!

Rất nhiều thực phẩm được chế biến thành những món ăn đường phố không đủ tin tưởng về độ an toàn vệ sinh thực phẩm - Ảnh: S.HRất nhiều thực phẩm được chế biến thành những món ăn đường phố không đủ tin tưởng về độ an toàn vệ sinh thực phẩm - Ảnh: S.H

Sau phẫu thuật cắt bỏ trực tràng, gần một năm trời chăm sóc bố ở bệnh viện Chợ Rẫy, tôi mới nhận ra rằng được như bố hãy còn may mắn lắm. May mắn vì dù sao bố cũng đã lớn tuổi, phát hiện bệnh cũng không quá muộn, bởi có nhiều người phát hiện bệnh mới được một tháng đã từ giã cõi đời. Gần một năm đưa bố đi điều trị bằng hóa chất, tôi có một thói quen hơi bất nhẫn là đếm số người điều trị cùng đợt với bố. Lần nào cũng thấy thiếu đi một vài người. Họ đã ra đi hoặc quá yếu không còn đủ sức để vô hóa chất, hoặc kiệt quệ không còn tiền bạc để đến bệnh viện, đành nằm nhà chờ thần chết mang đi.

Đọc sách báo, biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư, trong đó phần lớn do nhiễm hóa chất. Nguồn nhiễm có thể từ môi trường không khí, nước, ánh sáng và nhất là từ thức ăn. Thế nhưng, ngay tại cổng bệnh viện, hằng ngày cả người nhà lẫn bệnh nhân đều phải mua những loại thức ăn mà chỉ nhìn bằng mắt thường thôi đã thấy không tin tưởng về độ an toàn. Những con gà luộc vàng ruộm, miếng thịt bò hồng tươi một cách khác thường, nồi nước lèo nổi lều phều váng mỡ mà không biết chủ nhân của chúng đã bỏ thứ gì trong đó, những rổ rau chất ngất không biết trôi nổi từ đâu... Có hôm nản quá, tôi không dám mua cơm, cháo, phở mà chỉ mua mấy trái bắp. Nhưng không biết người ta đã luộc bắp bằng gì mà bỏ trong bọc ni-lon để ba ngày vẫn không có mùi thiu. Và thế là tôi đành tặc lưỡi, bởi không thể chống lại được cơn đói.

Còn nhớ giữa tháng 11 năm trước, status của một thầy giáo THPT ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ gửi học trò, chỉ sau 2 ngày đã nhận được 60 ngàn lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng. Thư của thầy gửi tới học trò không phải là một bài thơ mới sáng tác, cũng không phải thông báo học tập mà là những lời cảnh tỉnh học trò hãy thay đổi thói quen ăn uống nếu không muốn mắc bệnh ung thư. Thời nào cũng thế, lứa tuổi học trò thường lý lắc ăn vặt trong giờ chơi nhưng những thứ các em hay ăn bây giờ toàn được pha chế bằng phẩm màu công nghiệp, các chất gây mùi vô cùng độc hại.

Hằng ngày đọc báo, nghe đài mới thấy chưa bao giờ, mức độ và mật độ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lại khủng khiếp như bây giờ. Chỉ trong một tuần cuối tháng 12-2015, trên 50 vụ thực phẩm bẩn đã bị phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh với số lượng hàng trăm tấn. Rồi dồn dập trong những ngày cuối cùng của năm 2015 vắt qua những ngày đầu tiên của năm mới 2016, hầu như ngày nào, tuần nào báo chí cũng chạy những hàng tít dài về các vụ thực phẩm bẩn đến rùng mình bị phát hiện: Nửa tấn thịt có dòi trên đường vào Đà Nẵng tiêu thụ (23-12); “Hô biến” vú heo thối thành dê nướng tươi ngon (22-12); 2 tấn vú heo Trung Quốc bị ngăn chặn vào nhà hàng (2-12); Hơn một tấn nầm lợn thối nhập lậu qua biên giới (19-12); Tim lợn, chân gà thối trong kho hàng ở thủ đô (15-12); 152 heo sữa thối trong xe khách về miền Tây (9-12); Bán cám tặng kèm chất cấm cho chủ trang trại (7-12)...

Luật An toàn vệ sinh thực phẩm được ban hành đã 5 năm, trong đó quy định rõ “Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế” (Điều 62); “Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” (Điều 63); “Trách nhiệm của Bộ Công thương” (Điều 64) và “Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp” (Điều 65). Như vậy, bổn phận lo an toàn về đồ ăn, thức uống cho trên 90 triệu người dân Việt đã rõ, hành lang pháp lý không thiếu. Ngoài ra, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn được sự hỗ trợ rất đắc lực của các cơ quan truyền thông, bởi chưa bao giờ chuyện mớ rau, miếng thịt lại được mổ xẻ một cách rôm rả như trong cuộc giao lưu trực tuyến buổi chiều 18-1-2016 trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Thế nhưng, trong khi đại diện các cơ quan được trao quyền trả lời phỏng vấn rất hùng hồn là “sẽ tăng cường thanh tra, kiểm soát; quyết liệt tấn công, truy quét...” thì thực phẩm thiu thối, độc hại, không rõ nguồn gốc vẫn lan tràn khắp nơi. Ước mơ về những bữa ăn sạch của hàng triệu người dân Việt vẫn rất xa vời. Và như lời một đại biểu Quốc hội khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại kỳ họp thứ 10 vừa qua “chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn ngủi và dễ dàng đến thế”!

Đại biểu Quốc hội mà còn phải bất lực như thế, dân chúng biết làm sao đây!?

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
56797

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu