Thứ 6, 19/04/2024 16:35:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:38, 06/07/2017 GMT+7

Biến rác thải nông nghiệp thành tiền

Thứ 5, 06/07/2017 | 06:38:00 773 lượt xem

BP - “Tôi có 100 ha cao su, điều, xà cừ, giá tỵ, nếu cộng cả diện tích anh em hai bên nội, ngoại thì hơn 500 ha. Nhu cầu phân bón cho cây trồng chừng ấy diện tích mỗi năm ít nhất 700 tấn. Ngày xưa, tôi mua vài kilôgam phân về đào rãnh bón thử, rễ cây có bám vào tôi mới mua về bón. Vậy mà vẫn mua phải phân bón kém chất lượng. Từ đó tôi mới nảy sinh ý tưởng thành lập nhà máy phân bón hữu cơ đa vi lượng” - ông Hà Thanh Thuẫn, Giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sạch cho biết.

HÀNH TRÌNH ĐI LÀM PHÂN BÓN

Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sạch có trụ sở tại thôn Tân Phú, xã Phú Riềng (Phú Riềng), thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9-2013. Công ty sản xuất, phân phối phân bón hữu cơ đa vi lượng, nguyên liệu chính là bã mì và mùn sinh học được loại từ Nhà máy chế biến tinh bột mì Vedan.

Tùy theo mẫu đất và đơn đặt hàng của nông dân, công ty có cách phối trộn và sản xuất ra từng sản phẩm phân bón hữu cơ đa vi lượng khác khau

5 năm trước, ông Hà Thanh Thuẫn mang bã mì của Nhà máy chế biến tinh bột mì Vedan về thành phố Hồ Chí Minh phân tích. Từ Trường đại học Nông lâm đến Đại học Công nghiệp thực phẩm, rồi sang các trung tâm công nghệ sinh học, hóa học đều khẳng định mẫu phế thải nông nghiệp của ông có thể sản xuất phân hữu cơ rất tốt. Thế nhưng, chẳng có đơn vị nào dám đứng ra hướng dẫn và chuyển giao công nghệ. Thời gian cứ thế trôi đi, ông tiếc nuối khi bã mì bị bỏ đi lãng phí.

Không nản lòng, đầu năm 2012, ông lại đem mẫu thải bã mì ngược ra Bắc tìm đến Viện Khoa học hàn lâm Hà Nội để phân tích các thành phần sinh, hóa. Tại đây các nhà khoa học khẳng định và sẵn sàng chuyển giao dây chuyền công nghệ để ông sản xuất phân hữu cơ sinh học. Nhận được lời khẳng định trợ giúp từ các nhà khoa học, ông quay về Bù Nho (Phú Riềng) bắt tay ngay vào việc thành lập nhà máy để sản xuất phân bón từ nguồn phế thải trong nông nghiệp, mà nguyên liệu chính là bã mì nhiều vô kể của Nhà máy chế biến tinh bột mì Vedan. Ròng rã suốt cả năm trời xúc tiến làm các thủ tục ông mới có được giấy phép hoạt động. Đến tháng 9-2013, nhà máy cho ra sản phẩm đầu tiên với tên thương mại phân bón hữu cơ đa vi lượng, viết tắt là HUDAVIL.

“ĐI CHẬM, ĐÁNH CHẮC”

Dây chuyền sản xuất của nhà máy được lắp đặt với công suất chế biến đạt 15.000 tấn/năm. Trong những tháng cuối năm 2013, nhà máy chỉ sản xuất đúng 700 tấn đủ nhu cầu phân bón cho cây trồng của anh em trong gia đình ông Thuẫn. Năm 2014, người dân xung quanh nhận thấy diện tích cây trồng của các thành viên trong gia đình ông phát triển xanh tốt mới tìm đến nhà máy đặt mua sản phẩm. Ông yêu cầu người dân quay về tìm hiểu đất sản xuất của mình như thế nào, cây trồng đang cần gì sau đó mới bán sản phẩm. Để giúp người dân làm được điều đó, ông trực tiếp chỉ cách lấy mẫu đất, công ty chịu toàn bộ chi phí phân tích đất. Dựa vào kết quả phân tích từng mẫu đất của các nông hộ ông mới đưa ra công thức chế biến riêng thích hợp cho từng loại đất khác nhau.

Hệ thống dây chuyền sản xuất phân bón của Công ty cổ phần Nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch được áp dụng theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2008 từ năm 2015

Bao nhiêu năm làm nông, tôi hiểu thấu người nông dân đang cần gì. Nói thẳng là nông dân có biết gì đâu, khoa học thì nói khơi khơi. Làm sao dung hòa giữa cái không biết của nhà nông với cái khơi khơi kia mới mang lại hiệu quả. Tháng 8 này, tôi sẽ cho ra chế phẩm sinh học, giúp người dân tận dụng nguồn phế thải trong nông nghiệp để tự sản xuất phân bón. Thực ra tôi không biết gì, tất cả nhờ Viện hàn lâm hướng dẫn. Tôi có trách nhiệm chỉ lại cho người dân.

Giám đốc HÀ THANH THUẪN

Toàn bộ sản phẩm của công ty không thông qua nhà phân phối cũng không qua các đại lý mà đến thẳng nhà vườn. Tùy theo đơn đặt hàng mà nhà máy sản xuất theo số lượng, hàm lượng từng đơn đặt hàng. Chưa hết, công ty còn bám sát từng giai đoạn phát triển cây trồng của mỗi nông hộ mà cho ra sản phẩm phân bón có các nguyên tố đa, trung, vi lượng khác nhau. Với cách làm này, không chỉ giúp công ty đạt doanh thu 2 tỷ đồng mà còn giúp người dân bước đầu nắm bắt được tính chất của đất cũng như nhu cầu dinh dưỡng để sử dụng phân bón tối ưu cho cây trồng, đồng thời giảm được giá thành của phân bón.

Ngay cả đơn vị sử dụng phân bón rất khó tính như Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng cũng chọn sử dụng sản phẩm của công ty với sản lượng 1.065 tấn trong năm 2016. Theo hợp đồng, chỉ cần thiếu một chỉ tiêu thì đơn vị cung cấp phải bồi hoàn cho đơn vị sử dụng gấp 3 lần so với tỷ lệ thiếu của hàm lượng đó. Tiếng lành đồn xa, doanh thu của công ty cũng tăng vọt qua từng năm: năm 2015 đạt 5 tỷ đồng, năm 2016 đạt trên 10 tỷ đồng.

KHÁT VỌNG XANH

4 năm nay, tôi chưa hề quảng cáo và cũng chưa tổ chức hội thảo để bán phân bón cho người dân. Có chăng là những buổi mạn đàm cùng nông dân bàn thảo cách sử dụng phân bón như thế nào cho hiệu quả. Thực ra làm kinh doanh ai cũng muốn có lời, thấy lợi là làm. Nhưng người dân đến mua phân bón mà không biết được các thành phần trong đất như thế nào thì tôi không bán. Tôi chỉ bán khi nào biết được nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng trên đất đó.

Giám đốc HÀ THANH THUẪN

Có đến 60% mẫu đất người dân đưa đến công ty phân tích cho kết quả hóa chua. Độ pH trong đất đang ở mức đáng báo động do dưới 5. Đây cũng là hậu quả của một thời gian dài lạm dụng các chất hóa học trong quá trình canh tác nông nghiệp. Giám đốc Hà Thanh Thuẫn cho biết: Nếu độ pH trong đất dưới 4 thì đất đã thực sự hóa chua, quá trình trao đổi chất sẽ không diễn ra. Do vậy người nông dân có bón vô số phân, bất kỳ loại gì xuống đất cũng vô nghĩa. Cộng vào đó, các phế phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp không được tận dụng triệt để làm cho đất mất cân đối và trở nên bạc màu do bị rửa trôi. Ở nơi rừng già kia có hạt phân bón nào đâu mà cây vẫn vươn lên xanh tốt. Đó là do quá trình trao đổi chất giữa khí trời, cây trồng và đất luôn được tiếp diễn.

Nền nông nghiệp của nước ta đã và đang đi theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững. Đặc biệt, trong quá trình nông sản đang hội nhập quốc tế như hiện nay, các sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp đang khẳng định giá trị thương hiệu của chính mình. Bình Phước được xem là tỉnh nông nghiệp nên việc sử dụng phân bón hữu cơ cũng như sử dụng triệt để các nguồn phế thải trong nông nghiệp không chỉ giúp nông dân hạ giá thành trong sản xuất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng phân bón hữu cơ đa vi lượng cũng như các chế phẩm sinh học được xem là lựa chọn tối ưu để giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững. Đó cũng là cách phát triển xanh.

Đông Kiểm - Như Nam

  • Từ khóa
93305

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu