Thứ 6, 19/04/2024 02:11:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:32, 28/10/2015 GMT+7

Không sử dụng được tài sản sau đấu giá - một tiền lệ xấu

Thứ 4, 28/10/2015 | 13:32:00 1,368 lượt xem

BP - Báo Bình Phước số ra ngày 13-10-2015 có đăng bài “Chuyện lạ ở Phú Riềng: Mua tài sản đấu giá nhưng không có quyền sử dụng”. Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc đã đến Tòa soạn Báo Bình Phước phản ánh về những vụ việc tương tự như trường hợp của anh Duy. Cụ thể là anh Vương Công Chính ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài cũng không được sử dụng tài sản khi mình đã đấu giá trúng và trả đủ tiền. Sự việc này đã dấy lên những nghi ngại trong dư luận về công tác quản lý tài sản sau đấu giá. Nếu không có sự quyết liệt từ các ngành chức năng thì ai còn dám mua tài sản qua đấu giá?

Căn nhà và diện tích đất anh Chính đấu giá trúng và đã trả đủ tiền nhưng không được quản lý, sử dụng

Bế tắc vì tài sản đấu giá

Anh Vương Công Chính cho hay, là hộ khó khăn về kinh tế nhưng để ổn định cuộc sống nên anh tìm đến phiên đấu giá nhà đất qua thi hành án dân sự để mua một căn nhà vừa túi tiền. Tháng 7-2014, anh Chính đấu giá căn nhà và quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Lịch, bà Đỗ Thị Năm tọa lạc ấp 1, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài. Căn nhà này do Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh bán theo quyết định của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài. Tại phiên đấu giá, anh Chính mua căn nhà cấp 4 diện tích 105,17m2 cùng quyền sử dụng thửa đất rộng 288,9m2 giá gần 279 triệu đồng.

Thực hiện xong thủ tục pháp lý, ngày 16-12-2014 anh Chính được cơ quan Thi hành án dân sự thị xã Đồng Xoài bàn giao tài sản. Tại buổi bàn giao, có đầy đủ đại diện cơ quan chức năng ở thị xã Đồng Xoài và UBND xã Tiến Thành. Thế nhưng, chỉ sau vài giờ khi anh Chính đi công việc riêng thì vợ chồng ông Lịch đã ngang nhiên cắt khóa, phá toàn bộ cửa chính của căn nhà và dọn đồ vào ở. Trở về thấy nhà mình bị bao chiếm, anh Chính đã ôn hòa giải thích nhưng vợ chồng ông Lịch vẫn xua đuổi và đe dọa. Buộc anh Chính phải trình báo với Công an xã Tiến Thành về nhà ở, tài sản của mình bị người khác chiếm giữ. Công an xã và ban điều hành ấp đã lập biên bản, đề nghị vợ chồng ông Lịch rời khỏi căn nhà nhưng không được chấp nhận mà còn thách thức chính quyền xã.

Đã vậy, anh Chính liên tục nhận được tin nhắn chửi bới, xúc phạm và đe dọa tính mạng từ những số máy lạ gửi đến dù ngày 14-2-2015, anh được UBND thị xã Đồng Xoài cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích thửa đất mà anh đấu giá được. Vì vay mượn không có tiền trả nên bị khởi kiện ra tòa và vợ chồng ông Lịch đã thống nhất “cấn” nhà trả nợ. Từ đó, cơ quan thi hành án đã làm thủ tục đấu giá tài sản theo quy định. Như vậy, hành vi phá cửa, cắt khóa đột nhập và chiếm dụng, ở nhà của người khác của vợ chồng ông Lịch là vi phạm pháp luật.

Bất lực hay mang con... bỏ chợ?

Sau can thiệp bất thành, UBND xã Tiến Thành có văn bản gửi đến cơ quan Thi hành án dân sự thị xã Đồng Xoài. Thế nhưng, cơ quan Thi hành án dân sự thị xã Đồng Xoài cho rằng, mình “không còn thẩm quyền giải quyết” và đề nghị UBND xã có văn bản để cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nói cách khác, cơ quan Thi hành án dân sự thị xã Đồng Xoài đã bàn giao tài sản cho người đấu giá trúng là hết trách nhiệm. Còn tranh chấp nếu xảy ra thì cơ quan này không có thẩm quyền giải quyết.

Nhận thấy không được bảo vệ quyền lợi chính đáng từ cơ quan thi hành án, anh Chính đã làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của vợ chồng ông Lịch lên Công an thị xã Đồng Xoài. Công an thị xã lại cho rằng, tài sản vợ chồng ông Lịch đã được cưỡng chế, bàn giao cho anh Chính là đã chấm dứt thi hành bản án. Do đó, hành vi của ông Lịch và bà Năm “không cấu thành phạm tội”. Vì vậy, ngày 9-9-2015, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Đồng Xoài đã ra quyết định không khởi tố vụ án mà anh Chính đã trình báo.

Như vậy, tài sản của anh Chính bị người khác phá khóa chiếm dụng bất hợp pháp lại còn bị nhắn tin đe dọa thì giải quyết ra sao? Và ai, cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho anh Chính? Dư luận cho rằng, đây là hình thức mang con bỏ chợ, bất chấp thiệt hại của người mua tài sản qua đấu giá. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu khiến chẳng ai dám mua tài sản qua đấu giá nữa.

Làm gì để người đấu giá không thiệt thòi?

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng ở thị xã Đồng Xoài trả lời anh Chính trong vụ việc là chưa thỏa đáng. Nếu không giải quyết, người đấu giá trúng thiệt hại, còn kẻ chiếm đoạt không bị xử lý triệt để sẽ coi thường luật pháp.

Trong khi đó, quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được quy định tại Điều 4, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Ở đây, anh Chính phải được các cơ quan chức năng bảo vệ và xử lý người chiếm giữ tài sản của anh. Riêng hành vi phá cửa, cắt khóa, tẩu tán cửa chính và chiếm dụng nhà ở của anh Chính đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại Điều 141, Bộ luật Hình sự năm 2009 về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Ngoài ra, việc nhắn tin xúc phạm danh dự, đe dọa tính mạng anh Chính cũng là yếu tố cấu thành tội danh khác, rất đáng bị trừng trị.

Điều 141 Bộ luật Hình sự quy định về tội Chiếm giữ trái phép tài sản như sau: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Tấn Phong

  • Từ khóa
27424

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu