Thứ 6, 29/03/2024 18:36:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:20, 03/12/2016 GMT+7

Bia, rượu và đường tới tai nạn giao thông

Thứ 7, 03/12/2016 | 16:20:00 106 lượt xem
BP - Mỗi ngày, chương trình Chào buổi sáng của Đài Truyền hình Việt Nam đều cập nhật tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước. Những con số kinh hoàng về số người chết và bị thương vì TNGT nghe mãi thành quen. Thế nhưng khi cơ quan chức năng “dồn một cục”, thống kê từ đầu năm đến hết tháng 9- 2016, cả nước xảy ra 15.411 vụ TNGT, làm chết 6.440 người, bị thương 13.437 người thì nhiều người không khỏi giật mình.

2016 là năm có nhiều thảm họa thiên nhiên. Tháng 7, lũ lụt ở Trung Quốc khiến 310 người thiệt mạng. Tháng 8, bão Lionrock khiến hơn 100 người chết ở Nhật Bản, Triều Tiên và trong tháng 10, cơn bão Matthew cướp đi sinh mạng của 500 người ở Haiti... đã khiến cả thế giới bàng hoàng vì có quá nhiều người chết. Thế nhưng chỉ trong 9 tháng năm 2016, số người Việt Nam chết vì TNGT đã gấp hơn 7 lần số người chết và mất tích trong 3 sự kiện thảm họa thiên nhiên nêu trên. Riêng Bình Phước đã xảy ra 218 vụ TNGT, làm chết 148 người, bị thương 198 người. Dẫu báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh cho thấy đã giảm 23 vụ, giảm 3 người chết và giảm 45 người bị thương so với cùng kỳ năm trước, nhưng thật khó tin khi chỉ 9 tháng mà một tỉnh chưa tới 1 triệu dân đã có tới 148 người chết vì TNGT!

 Thêm một cái giật mình nữa là hầu hết các vụ TNGT đều có nguyên nhân từ bia, rượu. Theo con số thống kê từ các bệnh viện lớn, có khoảng 23% số nạn nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Ngay tại Bình Phước, đã có rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng dẫn đến chết người hoặc tàn tật suốt đời do uống rượu, bia, song tình trạng uống bia, rượu khi tham gia giao thông vẫn không giảm. Trong thực tế, việc ăn nhậu (kể cả trong giới công chức nhà nước) đã trở nên phổ biến. Đi một vòng quanh các quán nhậu trên đường Hùng Vương, đường Lê Duẩn và một số quán nhậu khác ở thị xã Đồng Xoài vào khoảng từ 17-22 giờ đêm, đập vào mắt ta là hình ảnh những nhóm thực khách mặt đỏ gay vì men rượu, bia, xung quanh lổng chổng vỏ lon bia, vỏ chai rượu và những tiếng “dô”, cụng ly chan chát. Rồi đến khi không làm chủ được bản thân nữa, hoặc đã cạn túi, họ mới loạng choạng lên xe, ngồi sau tay lái, phó mặc số phận vào sự may rủi. Có nhiều người sáng sớm ngồi cà phê than hôm qua xỉn quá, không biết làm sao lại về được tới nhà, thế mà đến chiều lại đã tưng bừng cụng ly trong quán nhậu. Có lẽ vì thế mà mấy năm trước, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia triển khai chương trình phòng chống uống rượu, bia và lái xe tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc phòng chống này không hề đơn giản, bởi phải có các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và cảnh sát giao thông phải có cơ sở khi thổi còi yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để đo nồng độ cồn. Bên cạnh đó, phải có một lực lượng cảnh sát giao thông hùng hậu, ngày đêm bám mặt đường và các quán nhậu để phát hiện những đệ tử lưu linh ngồi sau tay lái.

Tác hại của bia, rượu không chỉ trong tham gia giao thông và ai cũng thấy. Mấy năm gần đây, một số huyện, thị trong tỉnh như Phước Long, Bù Đăng, Hớn Quản... đã ban hành nghị quyết của cấp ủy về việc cấm uống bia, rượu trong giờ nghỉ trưa. Thế nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước còn hạn chế về ý thức nên họ bất chấp quy chế cơ quan, bất chấp pháp luật. Tình trạng ăn nhậu quá đà trong một bộ phận cán bộ, công chức không chỉ ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng công việc mà còn làm xấu đi hình ảnh những công bộc của dân trong bộ máy công quyền.

Hy vọng việc tăng hình phạt đối với lỗi uống bia, rượu khi tham gia giao thông mà Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định sẽ hạn chế được tình trạng đáng lo ngại này.        

Ngày 26-5-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-8-2016, trong đó có những lỗi vi phạm do uống rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ bị phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe. Cụ thể là tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng. Đối với người điều khiển môtô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
57376

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu