Thứ 5, 28/03/2024 16:48:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:22, 03/10/2017 GMT+7

Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn - mô hình hiệu quả - Bài cuối

Thứ 3, 03/10/2017 | 06:22:00 8,958 lượt xem

>> Bài 1: Thôn đi đầu ở xã tiên phong
>> Bài 2: Tiếng nói người trong cuộc

BP - Phát huy vai trò của cấp cơ sở cũng như quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc dựng xây đất nước là một trong những yêu cầu của Đảng ta giai đoạn hiện nay. Để làm được điều đó, việc cần làm ngay là nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ trưởng thôn. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, trong đó có mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Là đảng viên “nằm trong dân”, những bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn sẽ có điều kiện để phát hiện sớm nhất các nhân tố mới và cả những bất hòa, xung đột tại khu dân cư; trên cơ sở đó tìm cách tháo gỡ nhanh, hiệu quả nhất.

TỈNH, HUYỆN NÓI GÌ?

Hiện nay, một số tỉnh như Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam... đã và đang thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Thậm chí tỉnh Quảng Ninh còn phấn đấu nhiệm kỳ tới 100% trưởng thôn là bí thư chi bộ. Còn ở Bình Phước, đến thời điểm này tỉnh vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể mà mới chỉ một số xã chủ động thực hiện. Cái được của mô hình này đã thấy rõ. Tuy nhiên, việc lựa chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực để kiêm nhiệm cả hai vai bí thư chi bộ và trưởng thôn là không dễ, bởi có người làm tốt công tác đảng nhưng không thể đảm đương công tác chính quyền và ngược lại.

Mỗi huyện một kiểu

Bù Đốp có 70km đường biên giới với nước bạn Campuchia - là huyện có đường biên giới dài nhất tỉnh và 17% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đặc điểm địa lý này, Bù Đốp không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Bình Phước mà còn là địa bàn phên dậu của cả nước. Vì thế, việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở huyện Bù Đốp càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn thì đồng chí Hà Anh Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp cho rằng, không nhất thiết bắt buộc trưởng thôn phải là đảng viên. Bởi nếu áp đặt một cách máy móc trưởng thôn phải là bí thư chi bộ hoặc đảng viên, có thể ảnh hưởng đến quyền làm chủ của nhân dân. Thực tế ở Bù Đốp, có những trường hợp trưởng thôn không là đảng viên nhưng rất tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm và uy tín cao trong nhân dân. Ngược lại, cũng có nơi chi bộ giới thiệu đảng viên ứng cử trưởng thôn nhưng đảng viên thoái thác nhiệm vụ hoặc không đủ uy tín nên bầu không trúng.

Đoàn thanh niên và dân quân tự vệ xã Minh Hưng (Bù Đăng) hỗ trợ người dân làm đường giao thông nông thôn - Ảnh minh họa: M.Luận

Huyện Bù Đốp có 52 thôn, ấp, khu phố. 100% thôn, ấp, khu phố có đủ 2 chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn, trong đó chỉ 20/52 trưởng thôn là đảng viên. Bí thư Huyện ủy Hà Anh Dũng cho rằng, không nên thực hiện đồng loạt việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn mà chỉ nên thí điểm ở những thôn, ấp phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất là lựa chọn, giới thiệu nhân sự bảo đảm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì chất lượng nguồn nhân lực ở thôn, ấp còn nhiều hạn chế.

Bù Đăng là huyện rộng nhất tỉnh với 119 thôn, ấp, 16 xã, thị trấn. Số đảng viên và tổ chức cơ sở đảng ở Bù Đăng luôn đứng đầu tỉnh. Theo Điều lệ Đảng, số lượng cấp ủy viên ở đây luôn nhiều hơn các huyện, thị khác. Chính vì thế mà trên địa bàn tỉnh Bình Phước chỉ duy nhất huyện Bù Đăng cơ cấu chủ tịch UBMTTQ các cấp trong ban thường vụ. Đồng chí Huỳnh Hữu Thiết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng từng có nhiều năm làm công tác cán bộ khối Đảng cho biết, vừa qua, đích thân đồng chí đi làm việc tại 10 xã, thị trấn nhưng không có thôn, ấp nào bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Lý do là địa bàn thôn, ấp ở Bù Đăng quá rộng. Nếu một người kiêm 2 chức danh mà phụ cấp kiêm nhiệm chỉ 15-20% thì quá thấp, sẽ rất khó giao việc. Đồng chí cho rằng trong 3 phương án mà Ban Tổ chức Trung ương sẽ trình Hội nghị Trung ương 6 sắp tới, nếu Trung ương thực hiện phương án thu nhỏ cấp huyện, phình to cấp xã thì mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn sẽ đạt hiệu quả cao. Còn nếu chọn phương án khác thì mô hình này sẽ ít khả thi.

Huyện Phú Riềng lại khác. Toàn huyện có 89 thôn, ấp thì 35 thôn, ấp trưởng thôn là đảng viên, chiếm 39,3%, trong đó có 8 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, 10 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Đồng chí Trần Văn Lân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng, người từng nhiều năm làm công tác cán bộ của tỉnh lại tỏ ra trăn trở trước tỷ lệ trưởng thôn không là đảng viên, không trong cấp ủy còn chiếm tỷ lệ cao. Từ thực tế ở Phú Riềng, đồng chí khẳng định: Ở đâu trưởng thôn tham gia cấp ủy thì ở đó các nhiệm vụ chính trị được thực hiện tốt hơn; những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong thôn được giải quyết kịp thời hơn; những sai phạm, nhũng nhiễu cũng ít xảy ra hơn, nếu có xảy ra thì xử lý cũng dễ hơn. Ngược lại, trưởng thôn không là đảng viên, không trong cấp ủy thì khó có sự đồng thuận; vai trò cấp ủy không được phát huy, mạnh ai nấy làm; đảng bộ không nắm được cơ sở, không nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Khi xảy ra vi phạm của trưởng thôn thì khó quy trách nhiệm...

Trước tình hình đó, ngày 14-2-2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Riềng đã có Công văn số 486-CV/HU về việc kiện toàn chức danh trưởng thôn. Cụ thể là tập trung chỉ đạo rà soát, phân loại đội ngũ trưởng thôn chưa là đảng viên còn hạn chế về năng lực, trình độ, uy tín thấp; đồng thời có hướng bồi dưỡng những trưởng thôn đủ điều kiện để kết nạp đảng, phấn đấu đến năm 2018, 100% trưởng thôn là đảng viên, trong đó 50% trưởng thôn tham gia cấp ủy. Huyện Phú Riềng còn giao UBMTTQVN huyện phối hợp các đơn vị thực hiện Đề án “Khảo sát và sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ thôn trên địa bàn huyện” nhằm đánh giá tổng thể, toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy ở 89 thôn, ấp. Trên cơ sở đó sắp xếp lại bộ máy, tổ chức cán bộ cho phù hợp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng hiệu quả hoạt động của trưởng thôn.

Bí thư Huyện ủy Trần Văn Lân cho rằng, không riêng gì huyện Phú Riềng hay tỉnh Bình Phước, với một đất nước theo thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện như Việt Nam thì vai trò lãnh đạo của Đảng là nhất quán, xuyên suốt. Vì thế, nếu đủ điều kiện thì  mô hình nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình cụ thể, phù hợp. Nên thực hiện thí điểm ở những thôn, ấp đủ điều kiện trước, sau đó mới nhân rộng. Cũng cần tính toán sửa đổi điều lệ, luật theo hướng: chi bộ cơ sở giới thiệu đảng viên ra bầu trưởng thôn trước, sau đó mới tổ chức đại hội chi bộ và cơ cấu trưởng thôn vào cấp ủy. Phú Riềng có 2 năm để thực hiện chủ trương này theo một lộ trình cụ thể nên sẽ có thời gian củng cố, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp, tăng cường công tác phát triển đảng viên khối nông thôn.

Chờ Trung ương chỉ đạo

Chúng tôi mang những tâm tư, chia sẻ của các đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn và cả những trưởng thôn không là đảng viên; ý kiến của các đồng chí bí thư huyện ủy về mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trao đổi với Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Phúc Hậu. Đồng chí Hậu cho rằng: Mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở một số địa bàn trong tỉnh và trong cả nước bước đầu mang lại kết quả khả quan. Ở Bình Phước, dù đây là cách làm chủ động, sáng tạo của từng địa bàn nhưng mới chỉ mang tính tự phát chứ chưa có sự thống nhất chung trong toàn tỉnh. Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có văn bản gửi các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy báo cáo kết quả công tác đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2017-2020. Trong đó yêu cầu ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy báo cáo kết quả bầu cử bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Hiện nay, tỉnh cũng như nhiều địa phương khác đang chờ kết quả Hội nghị Trung ương 6. Khi đề án của Ban Tổ chức Trung ương trình hội nghị Trung ương 6 được thông qua, Trung ương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thì tỉnh mới có cơ sở thực hiện.

Như vậy tỉnh Bình Phước vẫn đang chờ sự chỉ đạo của Trung ương chứ không chủ động xây dựng đề án và triển khai như Quảng Ninh và một số tỉnh khác về mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Tuy nhiên, bằng việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo huyện Phú Riềng bầu trưởng thôn cuối năm 2017 và giới thiệu đảng viên ra ứng cử trưởng thôn rồi mới tiến hành đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở vào đầu năm 2018 đã cho thấy, tỉnh ủng hộ chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn của Huyện ủy Phú Riềng.

Linh Tâm

  • Từ khóa
1376

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu