Thứ 7, 20/04/2024 08:28:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:58, 30/05/2015 GMT+7

Giấc mơ của những đứa trẻ bán vé số

Thứ 7, 30/05/2015 | 13:58:00 5,323 lượt xem

BP - Trên khắp nẻo đường ở Bình Phước, chúng ta thường gặp những cô, cậu bé đang độ tuổi đi học vẫn rong ruổi cầm xấp vé số bán dạo. Ước mơ được đến trường thật xa vời với các em. Dù nắng hay mưa các em đều phải len lỏi khắp các ngõ ngách, con phố, hàng quán… mời hết người này đến người khác, rồi mừng khấp khởi dù chỉ bán được 1 tờ vé số. Mấy ai biết đằng sau mỗi tờ vé số là cả nỗi niềm, những trăn trở day dứt của các em về tương lai và cả những cạm bẫy đang chực chờ trên bước đường mưu sinh…

NỖI NIỀM NGƯỜI “BÁN GIẤC MƠ”

Bán vé số gần như “mặc định” thành nghề kiếm sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền, cơ nhỡ và cả những đứa trẻ nghèo phải tất bật bươn chải mưu sinh. Nếu như mọi người bắt đầu công việc tại cơ quan từ lúc 7 giờ 30 phút và về nhà vào lúc 17 giờ thì những người bán vé số, đặc biệt là trẻ em công việc không có thời điểm bắt đầu. Có em bán cả ngày lẫn đêm, miễn sao kiếm thêm tiền phụ ba mẹ. Một người bạn của tôi đến từ Đà Nẵng, trong thời gian ở lại một tuần, anh nhận xét rằng, ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Bình Phước là có quá nhiều người ăn xin và trẻ em bán vé số dạo. Ngồi trong quán cà phê trên đường Hùng Vương (Đồng Xoài) một giờ mà có tới 15 người mời mua vé số, trong đó khoảng 10 trẻ em chỉ chừng 9, 10 tuổi. Theo quan sát của chúng tôi, cứ khoảng 17 giờ hàng ngày, tại các điểm đại lý bán vé số ở thị xã Đồng Xoài có khá đông người đến lấy vé, trong đó có không ít trẻ em. Gặp 1 cậu bé gầy gò, da đen nhẻm, chừng 10 tuổi bước ra từ đại lý vé số trên đường Phú Riềng Đỏ, với gương mặt vui tươi mời chào: “Mua vé số đi chú. Chú thương con mua giúp vài tờ đi chú...”. Cầm xấp vé số trên tay tôi hỏi chuyện và biết em tên Tuấn, bán vé số đã 3 năm. Tuấn nghỉ học từ năm lớp 1, gia đình em ở Đồng Tháp. Ba mẹ em bán hàng xiên que.  Cùng đi với Tuấn còn có Nam ở phường Long Thủy, thị xã Phước Long có “thâm niên” bán vé số. Mẹ Nam đau yếu liên miên, cha bị tai nạn lao động không làm được việc nặng, Nam trở thành lao động chính trong nhà. Bất kể ngày nắng, mưa, em đều đi bán vé số.

Tuổi thơ của các em sẽ ra sao khi không được học hành, bảo vệ

“ĐA NGÀNH NGHỀ”

Trên chiếc xe đạp cọc cạch hai anh em Hùng ở phường Tân Đồng (Đồng Xoài) vừa bán vé số vừa nhặt ve chai trên đường. Hùng chia sẻ: “Hai anh em cháu thường xuyên đến quảng trường tỉnh để bán vé số kết hợp lượm ve chai. Đêm giao thừa năm 2015, hai anh em lượm được 20kg chai nhựa, kiếm được 200-300 ngàn đồng. Trong một lần đến quán Duy Thắng, đường 20, thị xã Đồng Xoài, chúng tôi cũng gặp một bé gái tay cầm xấp vé số và tay kia cầm mấy túi kẹo và đậu phộng để bán. Hỏi chuyện mới biết cháu tên Xuân chỉ mới 4 tuổi. Có hơn 3 năm bán vé số dạo, em Minh Thắng, 12 tuổi, ngụ xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Bán vé số cũng phân chia địa bàn để không giành khách của nhau, nhưng nhiều khi không bán được hết vé cũng phải lấn sang địa bàn khác. Nhiều anh chị không thông cảm đã đe dọa, thậm chí đánh dằn mặt”.

Những ngày này, người ta đang tích cực hành động với khẩu hiệu “tất cả vì trẻ em” thì những em bé bươn chải bán vé số để kiếm sống rất đáng để người lớn suy ngẫm. Ước mơ lớn nhất của các em không phải là được vui chơi mà là được tiếp tục kiếm tiền nhưng không bị bắt nạt, dọa dẫm. Giúp những em bé này bằng việc mua vài tờ vé số, cho một vài ngàn đồng là điều mà ai cũng có thể làm ngay. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, số phận đáng thương của các em có lẽ không bao giờ thay đổi. Đây là vấn đề xã hội mà các ngành chức năng cần bàn tính để từng bước xóa bỏ hình ảnh những đứa trẻ phải lang thang kiếm sống khi còn rất nhỏ.

V.Tâm

  • Từ khóa
51601

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu