Thứ 3, 16/04/2024 18:06:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:20, 27/07/2017 GMT+7

Bi kịch loạn thần do rượu - Bài cuối

Thứ 5, 27/07/2017 | 15:20:00 535 lượt xem
BP - Loạn thần, sảng do rượu là tình trạng nhiễm độc não do nghiện rượu hoặc sử dụng quá nhiều rượu. Đa số bệnh nhân nhập viện đều có điểm giống nhau như: Uống nhiều rượu trong thời gian dài, thèm rượu, mắc bệnh viêm tụy, dạ dày, gan, não, tim, thận, mắt, phổi; tinh thần sa sút, tri giác sai thực tại, rối loạn giấc ngủ, ảo giác... Loạn thần do rượu dẫn tới hành vi kích động, hoang tưởng… ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gây nguy hiểm cho xã hội.

>> Bài 1: Tan nát nhiều gia đình do rượu

NGƯỜI NGHIỆN PHẢI TỰ CỨU MÌNH

“Nghiện rượu cũng như nghiện ma túy, nếu bản thân người nghiện không lý trí, không muốn cai thì đành chịu. Vì hiện không có thuốc đặc trị cai rượu. Nếu ép người nghiện đến bệnh viện cai thì chỉ điều trị được hành vi, cử chỉ rối loạn và mang tính cách ly tạm thời. Khi trở về, họ lại tiếp tục uống rượu thì quá trình cai nghiện trước đó trở nên vô ích” - bác sĩ điều trị tâm thần chuyên khoa I Nguyễn Hữu Thảo, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết.

Không thể cai rượu nếu người nghiện không hợp tác

Theo các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh nhân điều trị chứng nghiện rượu đều có đặc điểm chung là không kiểm soát được hành vi và lời nói, sức khỏe giảm sút, già hơn so với tuổi thực tế. Một số người bị nặng còn la hét, chống đối quyết liệt khi bác sĩ, y tá tới điều trị. Do đó, nhân viên y tế phải dùng nẹp cố định tay bệnh nhân, dùng dây vải buộc vào thành giường khi tiêm, truyền thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo cho biết thêm: “Khi bệnh nhân nghiện nặng, cơn sảng lên thì họ sẽ bị ảo thị, ảo thanh... nghe thấy người nào đó đang gọi mình hoặc tưởng tượng ra nhiều chuyện ly kỳ khác... Có người còn nghĩ ai đó đang tìm cách giết mình nên sẽ tấn công bất kỳ người nào mà họ gặp. Cũng có người loạn thần nói mình nhìn thấy ma quỷ rồi tìm các xó xỉnh để lẩn trốn với vẻ mặt rất sợ hãi”.

Chồng bị loạn thần do rượu, bà Phạm Thị Lượng phải gác hết công việc để vào viện chăm sóc

Bệnh tình nặng là thế nhưng sau khi cai nghiện, trở về gia đình thì hầu hết các trường hợp tái nghiện. “Có đến 70-80% bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu tái nghiện. Vì vậy, điều trị cai rượu phải kiên trì, đòi hỏi sự hợp tác của gia đình, bệnh nhân và kinh nghiệm của thầy thuốc cùng sự hỗ trợ từ cộng đồng. Xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nghiện hiểu được tác hại của rượu, bia, từ đó quyết tâm bỏ rượu” - bác sĩ Thảo nói.

Bắt đầu làm quen với rượu năm 20 tuổi, suốt 25 năm qua, chưa mấy ngày anh Phạm Văn Hiển ở xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) không uống rượu. Khi uống đến mức xỉu phải nhập viện và bị suy gan, anh Hiển mới thấy ân hận vì đã phung phí sức khỏe cho rượu. Nhưng anh cai được hay không lại là chuyện khác.

Anh Hiển nói: “Tôi cũng biết uống nhiều rượu là không tốt cho sức khỏe nhưng mỗi khi đi làm rẫy, uống rượu vào làm việc hăng hái hơn nên tôi cứ uống rồi lệ thuộc rượu lúc nào không hay. Ngày nào không uống là cảm thấy khó chịu. Giờ xỉu do rượu phải vào bệnh viện tôi cũng thấy “sợ” nhưng về nhà đám xá liên miên phải xã giao, trả lễ... làm sao tránh được?”.

Không ít lần bà Lê Thị Tuyết ở xã Tân Hưng (Đồng Phú) nghĩ đến chuyện đưa 2 con tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (đóng tại Đồng Nai) cai rượu. Nhưng rồi qua tham khảo ý kiến của nhiều người, thậm chí tìm gặp bác sĩ tư vấn... bà lại dừng ý định vì con không muốn cai rượu thì bác sĩ cũng “bó tay”. Theo bác sĩ Thảo, nguyên nhân dẫn đến nghiện rượu một phần do thói quen uống rượu trong các bữa tiệc gặp gỡ, hiếu, hỉ... ăn sâu vào nếp nghĩ, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, chưa có quy định, chế tài quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, mua bán và tiêu thụ bia, rượu... Do đó, số người sử dụng rượu, bia ngày càng tăng, ở mọi đối tượng. Điều trị nghiện rượu, bia chỉ 1-2 tuần là cắt cơn, thế nhưng cai được hẳn lại đòi hỏi lý trí tối đa ở người bệnh.

Cần gia đình luôn bên cạnh

Những ai có người thân bị loạn thần vì rượu như anh Châu Quốc Đại, bà Tuyết, bà Phạm Thị Lượng... mới thấy hết nỗi cơ cực chăm sóc người bị loạn thần. Gần 3 tháng qua, ngày nào anh Đại cũng phải túc trực lo cơm nước, tắm rửa, thay quần áo cho cha. Nhưng việc cha nói nhảm thấy ma quỷ làm anh khổ sở nhất. Ở bệnh viện thời gian dài anh còn chứng kiến nhiều người loạn thần do rượu có nhiều biểu hiện rất kỳ lạ. Không ít người nhìn thấy ma quỷ như cha anh. Một số khác trở nên lẩn thẩn, luôn tay gãi rồi huơ huơ đòi đuổi côn trùng vì cảm giác có rắn, rết bò lên người hay nhện giăng tơ khắp mặt, giun bò trên da...

Bác sĩ Thảo cho rằng, để không tái nghiện, bên cạnh người nghiện quyết tâm đoạn tuyệt với rượu thì gia đình, người thân cũng phải kiên trì, quan tâm, giúp đỡ; cộng đồng xã hội động viên, tạo điều kiện về việc làm, sinh hoạt, giải trí lành mạnh, giúp họ tránh xa và không có cơ hội tái nghiện. Bởi khi đã bị loạn thần, người nghiện sẽ rất khó xa rời rượu. Khi đó gia đình chính là phao cứu sinh của đời họ.

Anh Nguyễn Văn Thơm (1971) từng công tác tại Công ty cấp thoát nước tỉnh. Sống độc thân nên mỗi ngày thay vì ăn sáng thì anh uống rượu và dần không thể thiếu nó. Khi chưa có lương, anh phải xin tiền đồng nghiệp mua rượu. Bởi không có rượu, tay chân anh run rẩy, đầu óc quay cuồng và chỉ nghĩ đến... rượu! Trong một lần bị tai nạn giao thông phải nhập viện, anh đã lén ra ngoài uống rượu. Sau đó,  anh thường lần tìm các nắp hố ga nhấc lên và bảo có người đang ở dưới đó cần anh cứu giúp. Thỉnh thoảng đang ngồi anh lại kéo từ trong miệng ra kiểu như người ta kéo tơ và nói: “Dây điện sao ở trong miệng mình nhiều thế” (?!).

Anh trai từ ngoài Bắc nghe tin đã xin cho anh Thơm nghỉ việc về quê cai rượu. Nhờ có người thân luôn động viên mà giờ anh đã giã từ được rượu. Đặc biệt hơn, anh làm lại cuộc đời bên vợ và cậu con trai kháu khỉnh.

Đã đến lúc không nên xem người bị loạn thần vì rượu là “chuyện riêng của mỗi nhà”. UBND tỉnh đã quy định cấm uống rượu, bia vào buổi trưa và trong giờ làm việc; cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, môi trường khu dân cư, đặc biệt là nông thôn đang còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, theo thống kê của Phòng Hành chính - Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh, số người nghiện, loạn thần do rượu tập trung nhiều ở các xã vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số như Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng... Điều này cho thấy, do đời sống văn hóa tinh thần ở những nơi đó còn nghèo nàn, nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế nên nhiều thanh niên chỉ biết tìm rượu để tạo thú vui, lâu ngày thành nghiện, loạn thần...

Chính vì thế, các hội, đoàn thể ở cơ sở, đặc biệt là hội thanh niên, phụ nữ... cần tích cực phối hợp gia đình đưa người nhà đi cai nghiện, chữa trị bệnh. Có như vậy mới xóa dần những hệ lụy do loạn thần từ rượu gây ra. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần tạo công việc phù hợp, sân chơi lành mạnh để giúp người cai nghiện trở về không cảm thấy cô đơn, lạc lõng rồi lại tìm đến rượu... Giảm số người bị loạn thần vì rượu cũng là xóa dần nỗi đau cho nhiều gia đình và giảm gánh nặng cho xã hội.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
93328

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu