Thứ 7, 20/04/2024 06:38:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:08, 19/08/2016 GMT+7

Bết bát chuỗi dịch vụ ăn theo sinh viên - Bài cuối

Thứ 6, 19/08/2016 | 13:08:00 225 lượt xem

>> Bài 1: Những khối tài sản “chết”
>> Bài 2: Ảm đạm tiệm làm đẹp và shop thời trang

 

QUÁN CƠM, QUẦY HÀNG TƯƠI SỐNG... “HÉO” DẦN

BP - Bán hàng cho nhiều sinh viên là cách “góp gió thành bão” và nhờ đó, các quầy hàng tươi sống gần các trường chuyên nghiệp vẫn sống khỏe. Tuy nhiên, hiện nay để tồn tại, nhiều quầy hàng tươi sống, quán cơm đã sang tên đổi chủ hoặc chuyển hướng kinh doanh.

Chị Mai Thị Phượng thuê nhà ở đường Phạm Ngọc Thạch, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) vừa ở vừa kinh doanh hàng tươi sống. Chị cho biết: “Trước đây, sinh viên đến mua nườm nượp. Tuy các em chỉ mua bó rau hoặc vài lạng thịt, con cá, chai dầu ăn nhỏ nhưng chỉ một lúc tan học về là hàng hết veo. Lời 500-1.000 đồng mỗi món hàng nhưng bán số lượng lớn cũng đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày cho 4 người trong gia đình. Vào buổi tối, quán cà phê, quán chè khu này đông nghẹt. Thế nhưng vài năm gần đây sinh viên vắng bóng dần, quầy hàng của tôi cũng ế ẩm theo. Cố cầm cự đến lúc bé út cứng cáp gửi trẻ được là tôi dẹp quầy xin làm công nhân”.

Chị Mai Thị Phượng chỉ mong lượng sinh viên tăng lên để quầy hàng bớt ế ẩmChị Mai Thị Phượng chỉ mong lượng sinh viên tăng lên để quầy hàng bớt ế ẩm

Những năm đầu thành lập, Trường trung cấp Y tế Bình Phước từng thi tuyển hơn 1.000 học sinh/năm. Đến khóa học 2013-2015, trường chỉ tuyển sinh được 454/1.100 chỉ tiêu. Khóa học 2014-2016, trường tuyển được 371/1.150 chỉ tiêu và khóa học 2015-2017 là 271/1.200 chỉ tiêu. Không những tuyển sinh không đạt mà hằng năm sinh viên của trường còn bỏ học khoảng 30%. Nguyên nhân chính do sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm. Nhu cầu thực tiễn đối với hệ trung cấp y đã bão hòa nên phần lớn số qua đào tạo không được đi làm đúng chuyên môn.

Sinh viên không còn mặn mà với trường khiến nhiều người hụt hẫng. Ông Lê Văn Đình cũng là một trong số đó. Từng kinh doanh rau củ, hàng tươi sống trên xe bán tải trước cổng Trường trung cấp Y tế Bình Phước nhiều năm, sau này thấy nơi đây kinh doanh tốt, ông bán xe, mở luôn cửa hàng gần trường. Nhiều năm trước, cửa hàng của ông buôn bán đắt như tôm tươi. Hai vợ chồng xoay chóng mặt mà không kịp phục vụ khách, vậy mà giờ vắng hoe.

Sinh viên từng đem lại sự sầm uất và kéo theo xu hướng phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ cho khu vực ấp 1, xã Tiến Thành. Nhờ đó, nhiều hộ đã ăn nên làm ra, tạo diện mạo mới cho khu vực này. Và điều đó chỉ có thể lặp lại, thậm chí phát triển tốt hơn nếu Trường trung cấp Y tế Bình Phước nâng cấp lên cao đẳng. Bởi khi đó, không chỉ có tuyển sinh hệ cao đẳng mà trường còn mở rộng hợp tác đào tạo bác sĩ, cử nhân ngành y. Nhưng đó mới chỉ là kế hoạch còn trở thành hiện thực hay không thì vẫn phải chờ!

Theo quy định mới của Bộ Y tế, từ năm 2021 các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp. Từ thời điểm đó, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng. Từ năm 2025 bỏ hẳn chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn ngành y tế. Đặc biệt, từ năm 2018 ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y, dược, kỹ thuật viên y học. Thông tin trên đã khiến học sinh không còn “mặn mà” với hệ trung cấp y tế, dẫn đến trường thưa thớt sinh viên.

Ông Nguyễn Danh Cần, chủ quán cơm Gia Đình trước cổng Trường trung cấp Y tế Bình Phước, cho biết: “Trước đây sinh viên đông, mỗi ngày tôi bán được hơn 300 suất nhưng nay chủ yếu bán cho công nhân Khu công nghiệp Đồng Xoài II, công chức, viên chức ngành y làm việc quanh đây. So với thời đông sinh viên thì giảm khoảng 1/3 số suất ăn. Vì lẽ ít khách nên gia đình tôi không dám nâng giá cơm mà vẫn giữ 15.000 đồng/suất từ nhiều năm qua. Và đây là tình trạng chung ở khu vực này. Do gia đình không phải thuê mặt bằng nên vẫn cố gắng duy trì quán từ việc lấy công làm lời”.

Đối diện quán cơm Gia Đình là quán cơm Sinh viên ngay khuôn viên Trường trung cấp Y tế có cửa hướng ra đường. Quá ít sinh viên nhưng quán tồn tại đến giờ là nhờ vào phần lớn công nhân Khu công nghiệp Đồng Xoài II. Gần đó, bà Bùi Thị Sen vẫn ngồi chiên bánh chuối, khoai lang ngay vệ đường. Nhiều năm trước, chỉ với chảo dầu, chậu bột và rổ chuối, khoai lang gọt sẵn, bà Sen nuôi được cả gia đình, mỗi tháng bình quân kiếm 5 triệu đồng. Giờ bà chỉ bán lai rai, có hôm phải đem bánh về ăn thay cơm.

N.tú - N.Bích

  • Từ khóa
93046

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu