Thứ 7, 20/04/2024 15:00:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 13:07, 28/05/2016 GMT+7

Bệnh đau mắt đỏ cần được điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Thứ 7, 28/05/2016 | 13:07:00 227 lượt xem

BP - Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Triệu chứng ban đầu của bệnh là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mí mắt sưng nề, chảy nước mắt. Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân như: Khăn mặt, chậu rửa mặt. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do vi khuẩn, vi rút. Với những trường hợp đau mắt do vi rút, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hạch hoặc đôi khi có hạch ở tay.

Triệu chứng: Mắt đau rầm rộ, cộm, cảm giác như có cát trong mắt; chảy nước mắt và có nhiều gèn, có khi sáng ngủ dậy gèn làm mí mắt dính chặt. Mí mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ba ngày đến mắt thứ hai. Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).

Phòng bệnh: Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây cho cả nhà và cộng đồng vì vậy cần giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát tránh lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh. Không dụi mắt bằng tay; rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch riêng. Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, nhất là trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt; rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý (sáng, trưa, tối).

Khi đang có dịch đau mắt đỏ: Người bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại. Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gèn mắt, làm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Lau rửa dịch gèn mắt nhiều lần một ngày bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, sau đó bỏ ngay. Cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.

 Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc nên có khẩu trang. Trong nhà có người mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường với người bệnh trong thời gian đau mắt đỏ và sau khi khỏi bệnh ít nhất 1 tuần.

Nếu trẻ bị bệnh nên để ở nhà, không đưa đến nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Có không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu ảnh hưởng thị lực sau này, nên mọi người cần ý thức phòng bệnh tốt và được can thiệp kịp thời khi bị mắc bệnh.

Xuân Hiệp

  • Từ khóa
107766

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu