Thứ 6, 19/04/2024 16:17:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:29, 26/09/2018 GMT+7

Bệnh chép miệng

Thứ 4, 26/09/2018 | 14:29:00 5,045 lượt xem
BP - Chủ nhật vừa rồi, cậu em trai nhờ tôi đi họp phụ huynh cho con, vì cả hai vợ chồng nó có việc đột xuất phải về quê vợ tại Hải Dương. Vừa ngồi xuống ghế đã thấy hai chị ngồi hai bên lăm lăm giấy, bút chuẩn bị ghi các khoản đóng góp. Tôi phì cười, bảo lát nữa cô giáo viết thông báo lên bảng, chỉ cần lấy điện thoại chụp cái “tạch” là xong mà.

Y như rằng, một danh sách các mục cần đóng với 7 gạch đầu dòng được cô giáo chép lên bảng. Lâu rồi, tôi không đi họp phụ huynh vì các con đã học xong phổ thông từ lâu. Nhìn lên bảng, thấy số tiền phụ huynh phải đóng so với thời con tôi đi học sao mà nhiều quá. Có những mục tôi thấy nội dung giống nhau mà số tiền cũng không hề nhỏ. Ví như bên cạnh mục học thêm, giáo dục kỹ năng sống hơn 2 triệu đồng/em; mục phục vụ học tập, vệ sinh trường lớp 239.000 đồng/em (chả hiểu sao nhà trường không làm tròn số cho dễ đóng!) thì lại còn có mục phục vụ trực tiếp cha mẹ học sinh và học sinh. Rồi lại còn mục kinh phí hợp đồng với giáo viên chủ nhiệm để quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ học chính khóa. Rồi ngoài “quỹ lớp”, “quỹ cha mẹ học sinh lớp”, lại còn có mục ủng hộ ban đại diện hội cha mẹ học sinh trường... Thế nên chỉ đóng học kỳ I mà số tiền phải nộp đã gần 5 triệu đồng/em. Đọc bản thông báo, tiếng rì rầm bàn tán nổi lên nhưng tuyệt nhiên không có phụ huynh nào giơ tay xin có ý kiến về các khoản đóng góp. Tôi ngọ nguậy trên ghế, định đứng lên hỏi nhưng nghĩ mình chỉ là người đi họp hộ, vả lại lớp chả ai có ý kiến gì nên chép miệng ngồi im. Về nhà, gọi điện nói chuyện với em dâu, nó bảo may mà bác chưa có ý kiến đấy. Ai cũng thế cả, mình “ý kiến” thì cũng chẳng bằng “ý voi” nên thôi kệ bác ạ.

“Thôi kệ”! Cái chép miệng của cô em dâu, cũng đã hơn một lần tôi làm thế ngay trong buổi họp phụ huynh hôm ấy. Và rất nhiều phụ huynh khác cũng thế. Bởi vậy nên mỗi mùa tựu trường, khi con em hân hoan khoác những bộ quần áo mới, đeo chiếc cặp mới (vì có trường còn “đồng phục” cả cặp sách, nhãn vở, bìa bao sách vở); mua những bộ sách giáo khoa mới (vì năm nào cũng phải thay sách)... thì cha mẹ lại còng lưng lo tiền. Bởi một gia đình chỉ hai đứa con đi học thì ngoài tiền áo quần, giày dép, sách vở, đồ dùng học tập... chỉ riêng khoản đóng cho nhà trường cũng ngót nghét 10 triệu đồng rồi. Số tiền ấy với những gia đình kinh doanh hoặc có vườn rẫy thì không đáng gì nhưng với số đông người lao động thì cả gia đình sẽ phải tiết kiệm tối đa chi tiêu trong vài tháng.

Tôi cứ tự hỏi: Học sinh đến trường, ngoài chuyện học tập kiến thức và rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống thì còn những nhiệm vụ gì? Vậy mà ngoài tiền “học thêm, giáo dục kỹ năng sống”, lại còn tiền “phục vụ học tập” và “phục vụ trực tiếp cha mẹ học sinh và học sinh”! Giáo viên đến trường, ngoài dạy dỗ học sinh về kiến thức và phép tắc - “Tiên học lễ, hậu học văn” thì còn làm gì nữa? Vậy mà ngoài việc hưởng lương do Nhà nước chi trả, tiền “dạy thêm” do phụ huynh đóng, phụ huynh lại còn phải đóng tiền “hợp đồng với giáo viên chủ nhiệm để quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ học chính khóa”!? Học thêm đương nhiên phải tổ chức ngoài giờ chính khóa. Phụ huynh đã phải trả tiền cho con mình học thêm, sao còn phải trả tiền cho giáo viên chủ nhiệm để “quản lý học sinh ngoài giờ”!?

Đang rất phân vân về những câu hỏi nêu trên thì cô hàng xóm làm kế toán cho mấy doanh nghiệp tư nhân te tái mở cổng. Cô bảo: Bác là sướng nhất. Các anh chị học xong cả rồi, bọn em con nhỏ, còn khổ dài dài. Rồi cô lấy điện thoại ra bấm nhoay nhoáy, bảo: Bác xem, trường con em học năm nay có 1.200 học sinh, mỗi em phải đóng 200 ngàn đồng tiền vệ sinh. Tiền này để thuê 2 lao công dọn dẹp các lớp và sân trường. Giả sử nhà trường trả công cho mỗi người 5 triệu đồng/tháng thì số tiền công 9 tháng (tính theo năm học) cho 2 người mới hết 90 triệu đồng, trong khi số thu được là 240 triệu đồng. Em hỏi bác, số tiền 150 triệu đồng dư ra kia để làm gì? Tôi trả lời, thì cuối năm học nhà trường trả lại. Cô dẩu môi, bảo từ khi hai đứa con em đi học đến giờ, chưa bao giờ em nhận được đồng nào nhà trường trả lại cả! Tôi lại hỏi, cô tính toán giỏi thế, thấy vô lý thế sao lúc họp không hỏi cô giáo chủ nhiệm? Cô chép miệng thở dài không nói gì.

Ô hay, sao bây giờ có nhiều người mắc bệnh chép miệng đến thế nhỉ!?

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
93742

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu