Thứ 7, 20/04/2024 17:48:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:14, 24/07/2018 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2018)

Bệnh binh Lê Văn Quý tận tâm với nghề thầy thuốc

Thứ 3, 24/07/2018 | 14:14:00 2,374 lượt xem
BP - Sau nhiều năm công tác trong quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, bệnh binh Lê Văn Quý, trú ấp Minh Tân, xã Tân Tiến (Đồng Phú) đã mở phòng khám đông y. Với những bài thuốc gia truyền được bào chế từ các loại cây thuốc trong tự nhiên, ông Quý đã chữa thành công các bệnh như sỏi thận, suy thận cấp, xương khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, dạ dày, u nang, xơ tử cung, vô sinh, hiếm muộn… cho hàng ngàn bệnh nhân.

Có mặt tại nhà bệnh binh Lê Văn Quý vào một chiều mưa, chúng tôi vẫn thấy hàng chục bệnh nhân đang ngồi xếp hàng chờ đến lượt khám, một số khác đang được điều trị. Theo một số người dân địa bàn, từ nhiều năm nay, căn nhà của bệnh binh Lê Văn Quý trở thành địa chỉ tin cậy để người dân đến khám, chữa bệnh. Nhiều người đã được chữa khỏi.

Bệnh binh Lê Văn Quý kê đơn và cắt thuốc cho bệnh nhân  

Gần 40 năm trước, thanh niên Lê Văn Quý tình nguyện vào quân ngũ thuộc Đại đội 18, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 đóng quân tại Hòa Bình. Năm 1983, vì lý do sức khỏe ông trở về địa phương theo chế độ bệnh binh 2/3, với tỷ lệ mất 61% sức khỏe. Năm 1987, theo chủ trương đi xây dựng kinh tế mới của Đảng, ông vào lập nghiệp tại Bình Phước. Cũng thời gian này, sức khỏe của ông ngày càng yếu, thể trạng gầy gò vì bệnh dạ dày, xoang, đa khớp hành hạ. Với những bài thuốc gia truyền của ông cha để lại, ông Quý đã nghiên cứu thêm để “tự cứu mình”. Ông Quý cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống 3 đời làm nghề thuốc nam. Từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với nhiều loại cây thuốc, chứng kiến ông nội và cha chữa bệnh cứu người bằng những bài thuốc gia truyền. Vì vậy, sau khi tự chữa khỏi bệnh cho mình, tôi bắt tay trồng cây thuốc. Đến nay, tôi đã có vườn thuốc nam rộng gần 4.000m2, với trên 200 cây thuốc các loại và một phòng khám rộng rãi; một phòng điều trị với 16 giường bệnh, 4 phòng nội trú dành cho bệnh nhân”.

Chị Bùi Thị Loan, quê Thái Bình cho biết: “Tôi bị khớp nặng chữa nhiều nơi không khỏi, nhiều hôm đau quá phải uống thuốc tây nên người bị sưng phù. Được người quen giới thiệu nên tôi đón xe từ ngoài quê vào đây để chữa bệnh. Sau 7 ngày được thầy Quý điều trị, tôi hết đau, bớt sưng phù, đi lại dễ dàng hơn”. Nằm giường kế bên, chị Bùi Thị Thảo, quê Quảng Ngãi cho biết: “Tôi từ quê vào Bình Phước thăm con thì bị bệnh gai cột sống, xẹp đĩa đệm tái nên toàn thân đau nhức, đi lại rất khó khăn. Qua 1 tuần được thầy Quý điều trị, bệnh tôi đã giảm, người bớt đau nhức, đi lại dễ dàng”.

Người lính già Lê Văn Quý nhớ lại: “Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, tôi đã điều trị cho hàng ngàn người ở mọi lứa tuổi đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều ca bị bệnh nặng, không ít ca khó từng điều trị dài ngày ở bệnh viện tuyến trên nhưng không khỏi. Điển hình như chị Cao Thị Thế, quê ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) kết luận, chị bị u nang, nhân xơ tử cung, phải phẫu thuật. Năm 2015, tôi điều trị theo phương thuốc gia truyền cho chị Thế. Chỉ sau 5 tháng về Bệnh viện Từ Dũ kiểm tra, chụp chiếu lại, chị ấy đã khỏi bệnh. Trường hợp chị Dũng Thị Mai, thôn 5, xã Long Bình (Phú Riềng) bị suy thận, khó mang thai. Năm 2015, chị Mai tìm đến phòng mạch của tôi điều trị, sau thời gian ngắn đã khỏi bệnh và sinh con bình thường”.

Bệnh binh Lê Văn Quý cho biết: “Với tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay thì nguy cơ mắc các loại bệnh như viêm xoang, viêm khớp dạng thấp, các bệnh về thận, thoái hóa xương, thoái hóa cột sống, ung thư, hiếm muộn... ngày càng tăng. Khoa học đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhưng có nhiều trường hợp bệnh không thuyên giảm, cộng thêm chi phí điều trị quá cao nên nhiều bệnh nhân không có điều kiện chữa bệnh. Vì vậy, tôi xây phòng nội trú để hỗ trợ phần nào cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Với tôi, chữa bệnh không vì danh lợi mà vì nghề gia truyền nên gắn bó. Khi đã làm nghề thì phải có tâm của người thầy thuốc, trách nhiệm “Lương y như từ mẫu” đối với bệnh nhân”.

Với những đóng góp tích cực trong hoạt động xã hội và các phong trào của địa bàn, bệnh binh Lê Văn Quý đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh - liệt sĩ sắp tới.

X.Túc

  • Từ khóa
60846

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu