Thứ 6, 19/04/2024 16:43:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:32, 05/07/2015 GMT+7

Bến xe… không vé

Chủ nhật, 05/07/2015 | 06:32:00 1,501 lượt xem
BP - Bến xe tỉnh Bình Phước được xã hội hóa thành Bến xe Trường Hải - Bình Phước kể từ tháng 1-2009. Điều đặc biệt của bến xe này là đơn vị vận tải hành khách ủy quyền cho bến xe bán vé. Tuy nhiên, bến xe lại không có vé, người dân có nhu cầu đi lại chủ yếu đón xe dọc đường hoặc liên hệ trực tiếp với nhà xe để tự thỏa thuận giá cả và ngày giờ đi.

HỢP TÁC XÃ NGOI NGÓP

Trước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa vận tải hành khách, năm 2008 Hợp tác xã (HTX) vận tải Đồng Xoài có đến 68 xã viên với 86 đầu xe chạy trên 19 tuyến thuộc các tỉnh từ Bắc chí Nam. Riêng tuyến Đồng Xoài đi TP. Hồ Chí Minh có tới 32 xe đi về mỗi ngày. Thế nhưng từ khi có sự ra đời và cạnh tranh của Công ty TNHH Thành Công thì số đầu xe và xã viên HTX cứ ngày một thưa dần. Đến năm 2011 chỉ còn 14 tuyến với 26 đầu xe, xã viên cũng giảm xuống còn 29. Hiện chỉ còn 10 tuyến liên tỉnh với 14 đầu xe. Riêng tuyến Đồng Xoài - TP. Hồ Chí Minh còn 3 xe. Các nhà xe thuộc HTX vận tải hành khách Đồng Xoài chỉ đến bến xe liên tỉnh khi và chỉ khi làm lệnh xuất bến. Hành khách cứ đón dọc đường hoặc gọi điện hẹn ở đâu đó nhà xe sẽ đến rước.

Phòng chờ không khách, phòng vé không người bán tại Bến xe Trường Hải - Bình Phước

Ông Thái Thanh Hòa, Phó giám đốc HTX vận tải thị xã Đồng Xoài cho biết: Nguyên nhân cơ bản là do xã viên (nay là thành viên Hội đồng quản trị) làm ăn thua lỗ. Cộng vào đó là tiếng nói của từng xã viên chưa có sự thống nhất nên sức cạnh tranh trong kinh doanh vận tải hành khách không cao. Phần lớn nhà xe hiện mạnh ai nấy chạy, mỗi nhà kinh doanh mỗi kiểu. Đặc biệt là tình trạng xe không vào bến đón, trả khách mà lại thực hiện dọc đường, chẳng khác gì chuyện vận tải hành khách ở thế kỷ trước.

Theo ông Thái Thanh Hòa, một trong những lý do làm ăn thua lỗ là thiếu sự đầu tư nâng cao chất lượng vận tải hành khách. Vì vậy, trong 2 năm gần đây, lượng xe chạy các tuyến Đắk Lắk, Thái Bình, miền Tây đã nghỉ hẳn do không cạnh tranh được với xe chất lượng cao của những tỉnh này. Các tuyến đi Huế, Cao Bằng, Nam Định, Quảng Ngãi cũng giảm từ 4 xuống còn 1 đầu xe. Còn tuyến Đồng Xoài đi TP. Hồ Chí Minh hiện chỉ còn 3 xe. Ông Hòa cho biết thêm, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, từ xã viên cho tới Hội đồng quản trị HTX chưa nhận sự quan tâm ưu đãi nào từ phía cơ quan chức năng. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, HTX cũng chưa được miễn giảm thuế, vốn vay ưu đãi lãi suất từ ngân hàng cũng không có. Vì vậy, một số xã viên đã phải bán xe, giải nghề, một số khác tự lập doanh nghiệp riêng để cạnh tranh vận tải hành khách theo cách riêng.

HÀNH KHÁCH TỰ BƠI 

Bà Nguyễn Thị Tiếng năm nay đã tuổi 75 ở thị xã Đồng Xoài muốn đến Đắk Lắk thăm con cháu nhưng Bến xe Trường Hải - Bình Phước lại không có vé. Người nhà phải liên hệ với một nhà xe Đắk Lắk để đi. Điều đáng nói là bà lên xe ở ngay Bến xe Trường Hải - Bình Phước nhưng giá vé phải trả từ TP. Hồ Chí Minh. Bà Trần Thị Lời ở xã Tiến Hưng, TX. Đồng Xoài về Bình Định nhưng do bến xe không có vé nên phải tìm đến các nhà xe có tuyến đi Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi để thỏa thuận giá cả. Giá vé từ Đồng Xoài đi Huế 500 ngàn đồng nhưng bà Lời đi Bình Định phải trả đến 450 ngàn đồng, trong khi chiều dài đường đi Bình Định chỉ bằng ½ đi Huế.

Từ 32 xe chạy tuyến Đồng Xoài - TP. Hồ Chí Minh năm 2008 đến nay HTX vận tải Đồng Xoài chỉ còn 3 xe chạy tuyến này vì thua lỗ

Như vậy, hành khách đến Bến xe Trường Hải - Bình Phước để mua vé đi các tỉnh gần như không có. Thật khó tin trước việc từ khi xã hội hóa đến nay, Bến xe Bình Phước lại không tổ chức bán vé cho hành khách đi các tuyến mà lại giao cho nhà xe tự bán. Toàn bộ phòng vé, phòng chờ của bến xe đều vắng bóng người. Nhà xe ế ẩm lại ủy quyền cho bến bán vé. Bến bán không được lại giới thiệu hành khách ngược lại cho các nhà xe khi khách có nhu cầu. Bến xe chỉ làm mỗi nhiệm vụ ký xuất bến; còn chuyện bán vé, kiểm soát vé từng tuyến lại phó mặc cho doanh nghiệp vận tải. Vì thế từ trước đến nay, bến xe liên tỉnh luôn trong tình trạng đìu hiu, nhà chờ của bến cũng chẳng mấy khi có xe, có khách.

Bến xe Bình Phước chuyển giao cho Công ty TNHH MTV thương mại - dịch vụ vận tải Trường Hải - Bình Phước từ tháng 1-2009. Tổng vốn đầu tư đến năm 2016 là 87,755 tỷ  đồng trên tổng diện tích quy hoạch 31.900m2. Trong đó, vốn của chủ đầu tư là 26,326 tỷ đồng. Chiến lược phát triển của bến xe hiện nay chủ yếu hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Ngày 4-12-2013, Sở Giao thông - Vận tải đã ban hành quyết định công nhận Bến xe Trường Hải - Bình Phước đạt quy chuẩn bến xe khách loại II. Thế nhưng hiện các tuyến Đồng Xoài - Buôn Mê Thuột - Bình Định và chiều ngược lại không có xe chất lượng cao. Hành khách muốn đi phải thỏa thuận với các nhà xe do bến giới thiệu hoặc tự tìm kiếm. Giá vé phụ thuộc vào nhà xe. Ông Trần Đức Hùng, Phó giám đốc Bến xe Trường Hải - Bình Phước cho rằng, nếu các đơn vị vận tải hành khách tự nâng giá vé hoặc chất lượng phục vụ không tốt thì... nhà xe sẽ tự làm mất khách hàng. Đó là quy luật cung - cầu trong kinh doanh.

VÀ VẪN TIẾP TỤC... ĐỨNG ĐƯỜNG

Chủ trương xã hội hóa bến xe là nhằm mục đích nâng cao chất lượng, đa dạng hóa trong việc vận tải hành khách. Thế nhưng trong kế hoạch phát triển kinh doanh của Bến xe Trường Hải - Bình Phước hiện vẫn chưa tính đến việc đưa xe chất lượng cao vào phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Theo ông Hùng, lý do là kinh phí đầu tư cao. Mặt khác, việc bến xe đưa phương tiện vào phục vụ hành khách dễ dẫn đến xung đột về lợi ích giữa đơn vị chủ quản bến xe và doanh nghiệp vận tải hành khách.

Từ thực tế ra đời của Công ty TNHH Thành Công cho thấy, nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn thị xã Đồng Xoài khá cao. Phần lớn hành khách đi tuyến Đồng Xoài - TP. Hồ Chí Minh và chiều ngược lại đều tập trung tại nhà xe. Tất nhiên để thu hút được khách, Công ty TNHH Thành Công đã bỏ không ít kinh phí để đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện cũng như cung cách phục vụ. Trong khi đó các tuyến Bình Phước - Đắk Nông - Buôn Mê Thuột - Bình Định và chiều ngược lại hiện không có xe chất lượng cao. Ngay cả Bến xe Trường Hải - Bình Phước hiện cũng chưa tính đến việc đầu tư xe chất lượng cao vào phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trên các tuyến này. Đặc biệt là việc tổ chức bán, kiểm soát giá vé cũng như việc đón trả khách đang nằm ngoài tầm kiểm soát của bến xe tỉnh. Và như vậy, người dân có nhu cầu đi lại tại bến xe tỉnh lại phải tiếp tục đón xe dọc đường mà không biết giá vé bao nhiêu, chất lượng phục vụ cũng như phương tiện của nhà xe có như mong muốn.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92639

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu