Thứ 6, 29/03/2024 18:49:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:19, 28/04/2014 GMT+7

Mất nhà vì... vay nóng

Thứ 2, 28/04/2014 | 15:19:00 266 lượt xem

Thời gian gần đây trên địa bàn ấp 2, xã Minh Lập (Chơn Thành) đã xảy ra tình trạng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải bán đất, bán nhà để trả nợ. Điều đáng nói, các khoản nợ của họ đều là vay nóng với lãi suất cao, càng để lâu càng khó có khả năng trả.

Ông Lê Văn Lắm, Ấp Phó ấp 2 cho biết: Từ đầu năm đến nay, trong ấp đã có 7 hộ phải bán đất, bán nhà để trả nợ. Đó là các hộ: Điểu De, Thị Liên, Điểu Thâm, Thị Thu, Điểu Té, Điểu Nơi và Thị Hích.

Gia đình bà Thị Hích và gia đình các con Thị Ly, Thị Mích không biết tương lai sẽ ra sao khi không còn đất, còn nhà. Bà Thị Hích cho biết, có 15m ngang đất mặt tiền, bà giữ lại 5m, còn lại chia cho 2 con gái, mỗi người 5m. Đầu năm 2013, 3 mẹ con cùng xây 3 căn nhà liền kề ước khoảng hơn 100 triệu đồng/căn. Đây là nơi ở của 3 gia đình và là niềm mơ ước của bao gia đình người dân tộc thiểu số khác. Nhưng do nợ nhiều nên bà đành phải bán.

Theo thông tin của một số hộ dân, đất ở đây hiện có giá khoảng 20 triệu đồng/m tới (ước tính cả 3 căn nhà và 15m đất có giá gần 600 triệu đồng), thế nhưng bà Hích đang bị chủ nợ siết với giá 310 triệu đồng gồm cả chi phí sang nhượng.

Lý giải về số nợ của mẹ mình, chị Thị Ly cho biết: Mẹ tôi nợ ngân hàng 50 triệu đồng, số tiền này vay để làm nhà. Ngoài ra còn vay ngoài hơn 100 triệu đồng để chữa bệnh cho em trai. Không có tiền trả nợ, nên lãi mẹ đẻ lãi con, mẹ tôi phải gán nợ 3 căn nhà. Mẹ bán nhà nên gia đình chị Thị Mích và 4 người con đành phải dọn về nhà chồng ở. Còn bà Thị Hích và gia đình Thị Ly hiện phải sống nhờ trong chính căn nhà của mình chờ ngày hoàn tất thủ tục mua bán.


3 căn nhà liền kề của mẹ con bà Hích được xây dựng khang trang với tổng trị giá khoảng 600 triệu đồng nhưng hiện bị chủ nợ siết với giá 310 triệu đồng

Tương tự bà Hích, gia đình Thị Liên cũng mất nhà vì thiếu hiểu biết. Thị Liên giãi bày: Trước đó tôi có vay nóng 10 triệu đồng để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn 10 ngày sau tôi lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 15 triệu đồng để trả lãi. Nhiều năm qua, do không có tiền trả nợ ngân hàng nên lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình không có điều kiện trả nên tôi phải bán đất.

Trước đó, gia đình Thị Liên sinh sống trên mảnh đất có chiều ngang 6,8m. Sau khi bán 5m được 48 triệu đồng để trả nợ, hiện gia đình Thị Liên phải che tạm căn chòi ngang 1,8m đất còn lại để làm nơi ở. Thị Liên cho biết, hiện kinh tế gia đình rất khó khăn do chồng bệnh, các con còn nhỏ và đang tuổi đi học. Bản thân Thị Liên không đủ sức đảm đương lo cho 5 miệng ăn vì chủ yếu dựa vào làm thuê, làm mướn bấp bênh.

Một điều khó hiểu là khi hỏi cá nhân, tổ chức nào cho vay, lãi suất bao nhiêu, vào thời điểm nào và có giấy tờ vay mượn gì không thì Thị Liên nói mình không biết và không nhớ. Thị Liên chỉ nói số tiền mà chị vay ngoài thông qua một người khác, rất dễ dàng và bao nhiêu cũng có.

Kế đó, căn nhà tình thương của bà Thị Thu nằm trên mảnh đất với 10m ngang mặt tiền, nhưng hiện cũng bị chia làm đôi. Bà Thị Thu cho biết, năm ngoái chồng mất, không có tiền lo hậu sự nên bà phải vay nóng. Đến hạn không có tiền trả nên lãi mẹ đẻ lãi con buộc bà phải bán đất trả nợ...

Ấp phó Lê Văn Lắm cho biết: Khi tôi về đây sinh sống thì đa số người dân đều có đất ở, đất sản xuất. Tuy nhiên theo thời gian họ bán dần nên hiện chỉ còn đất ở. Bây giờ bán cả đất ở thì không biết họ sống ra sao. Cũng theo ông Lắm, trước đây khi mua bán đất, quy định bắt buộc người dân phải thông qua ấp, qua xã nên ban điều hành ấp nắm được thông tin. Còn hiện nay, bà con đến phòng công chứng làm thủ tục nên ấp không quản lý được. Ông Điểu Đép, Bí thư chi bộ ấp 2 nói: Mỗi tháng ấp tổ chức họp dân 2-3 lần, lần nào cũng tuyên truyền, vận động nhưng họ không nghe. Vì thế số người mất đất, mất nhà do vay nóng ở ấp 2 còn nhiều.

Một số người dân ở ấp 2 cho biết: Chủ cho người dân vay là 3 người trong xã (ấp 3 và ấp 2). Những người này cho vay với lãi suất 3%/ngày, tức nếu vay 1 triệu đồng thì người vay phải đóng mỗi ngày 30.000 đồng. Những đối tượng này “gợi ý” cho người vay bán đất, bán nhà trả nợ khi thấy họ không còn khả năng chi trả.

Ngoài việc mất đất, mất nhà do vay nóng, ở ấp 2 đang diễn ra tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, quậy phá. Ông Lê Văn Lắm cho biết thêm: Đa số thanh thiếu niên là con em đồng bào Xêtiêng chỉ học đến lớp 7-8 là nghỉ, tối đến tập trung tại nhà văn hóa ấp nhậu nhẹt, say xỉn. Khi phát hiện, khuyên bảo thì các cháu phản ứng bằng cách bẻ cây trồng xung quanh nhà văn hóa. “Mỗi lần ấp có cuộc họp là tôi dọn dẹp rất vất vả. Trước đây, tôi ngủ tại nhà văn hóa để giữ gìn, nay thì không dám vì chúng hù họa là sẽ đánh tôi”. Trước tình trạng này, ông Lắm đã báo cáo chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho rằng, trước những trường hợp bán đất chính quyền xã bắt viết cam kết. Tuy nhiên, từ khi có văn phòng công chứng thì người dân tự do mua bán, không thông qua chính quyền nên xã không nắm và không quản lý được. Để hạn chế tình trạng này, thông qua các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri, chính quyền xã đã nhiều lần phân tích tác hại của vay nóng nhưng họ không nghe. Về tình trạng nhiều thanh niên ở ấp 2 quậy phá, chính quyền xã chỉ tuyên truyền, vận động, còn nếu dùng biện pháp mạnh thì không thể.                

Vũ Thuyên

 

  • Từ khóa
48933

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu