Thứ 7, 20/04/2024 01:49:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:35, 04/03/2015 GMT+7

Bể lọc sắt - hướng đi thích hợp để đưa nước sạch về nông thôn

Thứ 4, 04/03/2015 | 06:35:00 115 lượt xem
BP - Trong năm 2013 và 2014, Chi cục Thủy lợi và phòng chống bão lụt (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh) đã thực hiện mô hình thí điểm và chuyển giao ứng dụng công nghệ xử lý nước sinh hoạt nông thôn hộ gia đình đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế cho 19 xã trong toàn tỉnh.


Thiết bị lọc nước Aluwat của một hộ dân ở xã Tiến Hưng

Ông Đặng Ngọc Trác ở ấp 6, xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) được hỗ trợ 70% kinh phí để xây bể lọc sắt xử lý nước sinh hoạt cách đây không lâu. Ông Trác cho biết trước đây gia đình sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, vì chỉ xử lý thô theo kiểu truyền thống (lắng) nên khi bơm nước có mùi tanh và màu vàng. Bởi vậy, gia đình ông Trác chỉ dùng nước này để tắm, giặt chứ không dám uống. Từ khi có bể lọc sắt, nước sau khi xử lý rất trong, không có mùi. Để bể lọc sắt được hoàn chỉnh, tăng thời gian sử dụng nên gia đình ông Trác đã bỏ thêm tiền đầu tư kiên cố. Bể lọc tuy chỉ có dung tích 3,7m3 nhưng công suất xử lý có thể lên đến 15m3/ngày, vì vậy 6 thành viên của gia đình ông Trác sử dụng thoải mái. Ông Trác cho biết, lựa chọn bể lọc sắt không chỉ được hỗ trợ 70% kinh phí mà còn khiến gia đình ông yên tâm bởi công nghệ này được Trung tâm quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thiết kế.

Ông Vũ Xuân Ngoan, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) cho biết, từ ngày một số hộ dân trên địa bàn xã được hỗ trợ xây bể lọc sắt và thiết bị xử lý nước Aluwat, nhiều hộ lân cận đã đến tìm hiểu công nghệ này. Đa số hài lòng với chất lượng nước sau xử lý và có ý định đầu tư. Việc này sẽ giúp địa phương tăng số lượng người dân được sử dụng nước sạch trong thời gian tới, đáp ứng tiêu chí nước sinh hoạt của xã nông thôn mới. Ông Lê Văn Kiểm ở ấp 2, xã Tiến Hưng cho rằng với chi phí 5-8 triệu đồng đầu tư bể lọc sắt hay thiết bị lọc nước Aluwat là không quá nhiều đối với hộ gia đình. Hơn nữa, công nghệ này đơn giản, dễ xây dựng lắp đặt, xử lý, vận hành và có tuổi thọ cao.

Thông tin từ ngành nông nghiệp, đến cuối năm 2014 toàn tỉnh có 19 xã được hỗ trợ thí điểm ứng dụng công nghệ xử lý nước sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình. Phương án này nhằm góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt theo QC02 từng bước đạt mức 38% như Quyết định số 1127/QĐ-UBND ngày 29-5-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012-2015; đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí thứ 17 về môi trường cho xã nông thôn mới. Theo đó, mỗi xã được hỗ trợ khoảng 10-12 công trình, với mức hỗ trợ từ 70-90 triệu đồng.

Tuy nhiên, năm 2015 theo Quyết định số 2875/QĐ-UBND ngày 26-12-2014 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không có giao vốn tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ thí điểm cho các xã nông thôn mới còn lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường của tỉnh giai đoạn tiếp theo.                   

 Phương Dung

 

  • Từ khóa
51055

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu