Thứ 7, 20/04/2024 07:09:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:25, 09/12/2016 GMT+7

Bé học lớp 1

Thu Thủy
Thứ 6, 09/12/2016 | 09:25:00 553 lượt xem
BP - Trong xóm tôi có bé Ngọc và bé Nam năm nay học lớp 1. Mới đi học được mấy ngày, bé Ngọc mặt mày bơ phờ. Thường ngày bé hay chạy giỡn la inh ỏi xóm làng nay đi học về không thấy tăm hơi đâu cả. Hỏi ra mới biết bé phải đi học phụ đạo, tối về tập viết bài, viết số vì cô giáo nói bé học rất chậm và hầu như chưa biết gì. Còn bé Nam thì thấy vẫn vui vẻ chạy xe đạp chơi quanh xóm, ba mẹ còn chở đi học đàn, học bơi, không phải đi học phụ đạo chương trình lớp 1 gì cả.

Học sinh Trường tiểu học Tân Phú (Đồng Xoài) vui chơi trước khi ra về. Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Ảnh: S.HHọc sinh Trường tiểu học Tân Phú (Đồng Xoài) vui chơi trước khi ra về. Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Ảnh: S.H

Mẹ bé Ngọc gặp tôi than rằng: “Vô lớp học các bạn biết đọc chữ trước rồi nên học rất nhanh, còn Ngọc thì chữ cái chưa nhận diện được huống hồ ghép vần. Số đếm từ 1 đến 10 chưa biết, làm sao mà so sánh lớn hơn, nhỏ hơn rồi làm tính cộng, trừ, đã vậy còn Anh văn, tự nhiên xã hội... Càng ngày kiến thức càng nhiều nên bé không theo kịp. Bé dần đuối sức và sợ đi học”. Bé mệt một nhưng tôi cảm nhận sự lo âu bất lực của mẹ bé gấp bội phần.

Càng thấy sự chật vật trong chuyện học hành của mẹ con bé Ngọc tôi càng thắc mắc tại sao mẹ con nhà bé Nam lại nhàn tênh như vậy? Hỏi thì mẹ bé Nam cho biết: “Lúc bé học mẫu giáo nhà trường theo chủ trương của Bộ GD-ĐT không được dạy chữ trước, bé chỉ ăn, ngủ, chơi, hát hò, thực hành các kỹ năng thôi, mọi thứ đều do mẹ chỉ dạy bé hết. Bây giờ bé Nam học tốt, dẫn đầu lớp, được cô giáo khen nên càng thích đi học”. Tôi thật sự ngưỡng mộ về cách mẹ bé Nam dạy con!

Ba mẹ Ngọc là viên chức, cũng ý thức dạy dỗ con nhưng vì bạn bè, ông bà khuyên: “Cứ để con phát triển tự nhiên, đừng ép con, hãy để con sống đúng với tuổi thơ của nó” nên thả cho con chơi “tẹt ga” cho tới ngày vào lớp 1. Hằng ngày, tôi vẫn thấy bé đi học mầm non về là chơi búp bê, trò chơi, rồi xem tivi, nghịch ipad... Bé thiếu nhiều kỹ năng mà lẽ ra cha mẹ nên chủ động trang bị cho con khi vào lớp 1, như khả năng ngồi tập trung trên bàn học ít nhất một tiết học, biết diễn đạt suy nghĩ của mình, tự ăn, tự thay quần áo, tự dọn dẹp đồ chơi, phụ ba mẹ làm một số việc đơn giản...

Tôi hỏi mẹ bé Nam đã dạy con như thế nào, chị nói: “Con nít mà! Nó mê chơi lắm nên mình không ép con học nghiêm túc. Mình lồng cái muốn dạy cho con vào các trò chơi thì con mới thích thú. Dạy cho Nam cái gì cũng cần mất ít nhất 3 tháng con mới thuộc được, kỳ công lắm. Lúc 2 tuổi tôi bắt đầu dạy con màu sắc, cứ nói con đi lấy cho mẹ cái ly màu xanh, cái viết màu đỏ... Rồi gặp cái gì đều miêu tả về màu sắc. Dạy con số đếm từ 1 đến 10, đếm xuôi đếm ngược bằng các bài hát, rồi nhờ con đi lấy 2 cây bút hoặc chơi bài đố kẹo, đếm ngón tay, đếm que, đếm đồ đạc trong nhà... Mất cả năm Nam mới thuộc 24 chữ cái. Mình đọc truyện chữ to cho con nghe, rồi từ từ vừa chơi vừa lồng vô dạy từ 2 tuổi đến khi vô lớp 1 thì con đã đọc khá tốt, tính cộng, trừ được, lời văn diễn đạt trôi chảy, khuyến khích bé tự làm nhiều thứ. Mặc dù ban đầu bé làm việc gì mình cũng phải làm lại hết nhưng lâu dần bé tự làm tốt lên mẹ khỏe hẳn”.

Mẹ Ngọc thì hối tiếc vì đã để 6 năm đầu đời quý báu của con chỉ chơi theo đúng nghĩa chơi. Khi nhận ra đó là giai đoạn vàng của sự phát triển trí não trẻ nhỏ thì đã muộn. Giờ con vô lớp 1, không những mẹ con phải “bơi” theo lượng kiến thức, những kỹ năng mà còn phải khắc phục hậu quả chấn thương về tâm lý rất nặng nề của con khi mới chập chững bước vào con đường học vấn. Mẹ bé Ngọc cũng ráng cho con đi học thêm một vài tháng nhưng con không tài nào bắt kịp các bạn. Cuối cùng ba mẹ Ngọc cũng thắt lưng buộc bụng gởi con vào trường quốc tế với mức học phí quá sức, mong cho con “chịu” đi học vì nghe nói môi trường học thoải mái hơn.

Mẹ Nam chia sẻ: “Nhiều khi đi làm về mệt lắm, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa không còn sức đâu mà chơi, dạy con, cũng muốn đưa cái điện thoại để con ngồi yên cho mình làm việc. Nhưng suy cho cùng mình cố làm cũng cho con, vậy sao giờ có con ngay bên cạnh không bớt chút thời gian để dạy dỗ con? Con cần được dạy đủ thứ, từ ngồi tự ăn, uống nước, đánh răng, xếp đồ đạc, quét nhà, phụ mẹ... đến những lễ nghĩa, kiến thức xung quanh, kể cho con nghe về mọi thứ trong cuộc sống... Qua đó con cũng hiểu và gần gũi với mình. Sau này con sẽ kể cho mình nghe chuyện của nó”. Tôi nghe như giác ngộ ra nhiều điều.

Câu chuyện của 2 bé trong xóm đã làm tôi trăn trở về cách nuôi dạy con rất nhiều. Quả thật đi học ở trường rất nhiều môn, nhưng môn “Làm cha làm mẹ” không được học. Công việc làm cha làm mẹ không hề dễ. Nó xuất phát từ tình yêu thương vô hạn của cha mẹ với con cái, với khát khao mong con luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi để sau này có cuộc sống thành công, hạnh phúc. Để có được điều đó, mỗi bậc cha mẹ phải tìm hiểu nên nuôi dạy con như thế nào cho đúng. Đừng bao giờ tặc lưỡi cho rằng “Trời sinh voi sinh cỏ” hay “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. 

  • Từ khóa
86434

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu