Thứ 6, 19/04/2024 07:16:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:00, 25/05/2016 GMT+7

Bất ngờ được làm vợ vua

Thứ 4, 25/05/2016 | 14:00:00 959 lượt xem

BP - Trong xã hội phong kiến, vua là “con trời”, là “thiên tử”, là ngôi cao chí tôn và là người có quyền sinh, quyền sát với mọi thần dân. Chính vì thế, ai được làm vợ vua tức cũng là người chỉ dưới có một người mà trên cả thiên hạ. Do vậy, được làm vợ vua, tức là hoàng hậu hay còn gọi là đệ nhất “mẫu nghi thiên hạ”. Vì vậy, được chọn làm vợ vua không phải là dễ nhưng trong thực tế cũng đã có không ít người gặp may đến mức bỗng dưng được làm vợ vua và hai giai thoại dưới đây là một minh chứng.

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, thời còn bôn ba lánh nạn, Nguyễn Ánh - Gia Long đã có nhân duyên tình cờ với cô gái xứ cù lao Ông Chưởng. Cụ thể, sách “Việt Nam phong tình cổ lục” ghi: Trong những ngày đi lánh nạn, một lần chúa một mình trốn về cù lao Ông Chưởng. Vì ở nơi khác tới, để tránh tai mắt của triều Tây Sơn nên Nguyễn Phúc Ánh phải náu mình trong một bụi rậm.

Bên bờ sông, gần chỗ ông đang ẩn mình, có một cô thôn nữ trông xinh xắn đang lội bắt cá, quần áo lấm lem bùn đất mà không biết có người đang lặng nhìn theo. Thế rồi bỗng nhiên, cô gái hét lên vì bị thụt xuống một hố sâu. Nguyễn Ánh đã quên bản thân đang bị lùng bắt, bất chấp nguy hiểm, vụt lao ra cứu người đẹp. Sau khi được cứu sống, cô gái này vì cảm kích, nắm rịt lấy tay ông kéo về nhà bắt sống chung, vì theo tục lệ ở đây, khi người con gái nào đã bị người con trai ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng. Thế là cuộc tình duyên bất đắc dĩ này lại là sự may mắn, mở ra một đường sống cho chúa Nguyễn, nhờ đó ông được nhà vợ giấu kín; thậm chí còn đi thăm dò, tìm kiếm giúp Nguyễn Ánh các cận thần đang lưu tán để tụ họp lại, bàn mưu tiếp tục sự nghiệp “phục quốc”.

Dân gian lưu truyền rằng, khi đã lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Ánh - Gia Long đã mất hẳn ký ức về người vợ nhặt này. Tuy nhiên, lại có giai thoại rằng, cô gái cù lao Ông Chưởng đó chính là bà Tố Lan. Sau khi thu giang sơn về một mối, Gia Long đã cho rước bà Tố Lan về kinh đô, phong làm Chánh hậu.

Trong sách “Kể chuyện về các vua nhà Nguyễn” cũng viết, trong số các vị vua triều Nguyễn, chuyện “kiếm vợ” của Thành Thái cũng rất độc đáo. Vào một ngày tết Nguyên đán, nhà vua cải trang thành dân thường, tính đi “liều” lên Kim Long để tìm chọn một quý phi. Đến nơi nhìn khắp đó đây, không gặp ai vừa ý, thất vọng, ông liền thuê một chiếc đò ra về.

Khi đò vừa ghé vào, bước lên trên, ông trông thấy cô lái đò, khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng vị quân vương bỗng xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng... Ông gọi cô gái đang ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột: Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?

Cô lái đò nhìn ông khách lạ đời đáp: Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chứ! Thấy thế, vua Thành Thái đổi giọng: Tui nói thiệt đó, O có muốn lấy vua thì tui làm mối cho! Nghe thế cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn lơ chỗ khác. Một quan khác qua đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc chừng như vừa mới dự lễ về, tủm tỉm cười, vui vẻ bảo cô lái đò: Nì, o tê! O cứ nói “ưng” để coi thử nờ! Và cô lái đò đánh bạo nói: Ưng!

Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng, ông bảo: Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho! Nói rồi đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên, vui vẻ của mọi người... Đến trước kinh thành, vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương (trước Phu Văn Lâu) và bảo mọi người: Thôi thiên hạc đứng dậy trả tiền đò cho trẫm và tiễn đưa quý phi vào cung. Vậy là cô lái đò làng Kim Long vô nội cung, làm quý phi của vua Thành Thái. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại do dân gian tạo ra chứ kỳ thực, vua Thành Thái mê một nàng kiều nữ đất Kim Long nhưng đó là con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.

Lời bàn:

Theo quan niệm của các triều đại phong kiến thì người đàn ông có quyền “đa thê” - nhiều vợ nhưng người phụ nữ chính chuyên thì chỉ có một chồng. Còn đối với vua thì thích ai ắt người đó sẽ là vợ. Vì thế cho nên mới có chuyện các vua nhà Nguyễn mỗi người có hàng trăm bà vợ. Thế nhưng theo sử sách thì triều Nguyễn tồn tại 143 năm, qua 13 đời vua trị vì nhưng chỉ có hai vị hoàng hậu đầu tiên và cuối cùng được sắc phong khi còn sống. Đó là Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan, vợ vua Gia Long và Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại. Và điều đáng buồn là cuộc đời của hai hoàng hậu cùng tên Lan đều có nhiều trắc trở.

Hoàng hậu Tống Thị Lan là người đoan chính, xinh đẹp, bà đã từng lênh đênh theo vua từ lúc gian khó. Các con của bà đều  chết sớm cả. Khi bà mất chưa đầy 60 tuổi và vua đã khóc thảm thiết, rồi đặt mộ bà kế bên của ông ở lăng Thiên Thọ chính. Còn hoàng hậu Nam Phương tuy có tuổi thanh xuân êm đềm và bước vào cuộc hôn nhân tưởng chừng viên mãn nhưng rồi rạn nứt, bà sống thiếu hạnh phúc những năm cuối đời và chết trong cô đơn nơi đất khách. Thế mới biết, vào thời ấy lời của cụ Nguyễn Du rằng “hồng nhan bạc phận” chẳng hề sai. Nhưng với hậu thế ngày nay thì lời đó đã được chuyển thành “hồng nhan bạc tỷ”.  

N.D

  • Từ khóa
109795

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu