Thứ 6, 19/04/2024 20:08:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:22, 01/06/2019 GMT+7

Bất ngờ danh mục loài cây trồng chính

Thứ 7, 01/06/2019 | 07:22:00 5,656 lượt xem
BP - Ngày 23-5-2019, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải dự thảo thông tư ban hành “danh mục loài cây trồng chính” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Dự thảo thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 và danh mục loài cây trồng chính gồm 7 loài: lúa, ngô, lạc (còn gọi là đậu phộng), đậu tương, cà phê, cam, bưởi. Danh mục này khiến không ít người bất ngờ và nảy sinh những câu hỏi cần được giải đáp.

Năm 2018, xuất khẩu nông sản nước ta lập kỷ lục đạt 40,02 tỷ USD và Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 trên thế giới. Nông sản Việt Nam xuất hiện tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đó cho thấy sản xuất và xuất khẩu nông sản của nước ta đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Những mặt hàng nào, cây trồng nào đóng góp lớn nhất cho con số ấn tượng ấy?

LOÀI CÂY ĐEM LẠI KIM NGẠCH XUẤT KHẨU LỚN NHẤT

Đứng đầu bảng là kim ngạch xuất khẩu cà phê. Năm 2018, nước ta xuất khẩu cà phê đạt 1,882 triệu tấn, trị giá 3,544 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với năm 2017. Tiếp đến là mặt hàng rau quả đạt 3,52 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2017, vượt qua nhiều mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh như hạt tiêu, gạo... và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, thật bất ngờ các loại quả xuất khẩu chính của nước ta năm 2018 lại là thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, dưa hấu, vú sữa... chứ không có cam, bưởi.

Hồ tiêu, điều là 2 loại cây trồng mang lại giá trị xuất khẩu cao nhưng hiện không có trong dự thảo danh mục loài cây trồng chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo

Tương đương rau củ quả, năm 2018, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân điều, đạt kim ngạch 3,52 tỷ USD, chiếm thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,7 tỷ USD). Năm 2018, sản lượng chế biến đạt 1,65 triệu tấn hạt điều thô, xuất khẩu 391.000 tấn điều nhân, tăng 7,8% về lượng so với năm 2017. Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh điều năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu “giảm lượng và tăng chất”, với tiêu chí xuất khẩu 350.000 tấn điều nhân.

>> Để ngành điều Bình Phước giữ vững vị trí “Quán quân”

Tiếp theo là xuất khẩu gạo, năm 2018 đạt kỷ lục 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% về giá trị so với năm 2017. Nguyên nhân chính là do giá gạo xuất khẩu năm 2018 tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn. Tiếp theo nữa là xuất khẩu cao su năm 2018 tăng 13,3% về lượng nhưng giảm 7% về kim ngạch so với năm 2017, đạt 1,56 triệu tấn, tương đương 2,09 tỷ USD.

Sau 4 năm liên tục đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, năm 2018 xuất khẩu hạt tiêu chỉ đạt xấp xỉ 800 triệu USD. Việt Nam 18 năm liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt tiêu và đã 4 năm có tên trong “câu lạc bộ nông sản trên 1 tỷ USD”. Cụ thể: xuất khẩu năm 2014 đạt 155 ngàn tấn với kim ngạch trên 1,2 tỷ USD; năm 2015 xuất khẩu 135 ngàn tấn, kim ngạch 1,26 tỷ USD; năm 2016 xuất khẩu 177 ngàn tấn, kim ngạch 1,42 tỷ USD; năm 2017 xuất khẩu 214,9 ngàn tấn, kim ngạch 1,12 tỷ USD. Có thể thấy, mặc dù đã giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu vẫn vượt xa so với nhiều loại cây trồng khác.

VÀ PHẢI NHẬP KHẨU LỚN NHẤT

Trái lại với suy nghĩ của nhiều người, nông sản của một số cây trong dự thảo danh mục loài cây trồng chính như ngô, đậu phộng, đậu tương, Việt Nam đang phải nhập khẩu, thậm chí kim ngạch nhập khẩu khá lớn.

Trong dự thảo danh mục loài cây trồng chính, dẫn đầu kim ngạch phải nhập khẩu là sản phẩm của cây ngô. Cụ thể, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ riêng trong 11 tháng của năm 2018, khối lượng ngô nước ta nhập khẩu đạt 9,53 triệu tấn, giá trị đạt 1,98 tỷ USD, tăng 31,7% về khối lượng và tăng 40,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Hồ tiêu, điều là 2 loại cây trồng mang lại giá trị xuất khẩu cao nhưng hiện không có trong dự thảo danh mục loài cây trồng chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo

Tương tự, cây đậu tương có quê hương ở Đông Nam Á, nhưng 45% diện tích và 55% sản lượng loại cây này trên thế giới hiện lại ở... nước Mỹ. Năm 2018, nước ta phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn đậu tương, tổng giá trị khoảng 800 triệu USD, so với năm 2017 tăng 16% về sản lượng, tăng 15% về giá trị.

Còn với đậu phộng, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng khá lớn. Diện tích trồng đậu phộng nước ta năm 2018 khoảng 200 ngàn héc ta, sản lượng khoảng 450 ngàn tấn. Tuy nhiên, năm 2017 nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 250 ngàn tấn và năm 2018 nhập khẩu khoảng 300 ngàn tấn. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu lượng lớn hạt giống đậu phộng về gieo trồng, như năm 2017 nhập 4 triệu tấn hạt giống trị giá 3,7 triệu USD...

CẦN MỘT ĐÁP ÁN

Dự thảo danh mục loài cây trồng chính gồm 7 loài cây trồng: lúa, ngô, đậu phộng, đậu tương, cà phê, cam, bưởi. Thế nhưng sản phẩm nông nghiệp chủ lực lại khác. Cụ thể, ngày 25-12-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Việt Nam với 13 mặt hàng nông sản, gồm: lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Trên thế giới nhiều quốc gia xác định sản phẩm nông sản chủ lực để khuyến khích phát triển. Tùy điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội cũng như mục tiêu chính trị, an sinh xã hội mà mỗi quốc gia lựa chọn sản phẩm nông sản chủ lực khác nhau, với những chiến lược khác nhau. Nhưng một điều khá khó lý giải là 3 loại cây trồng vừa mang lại giá trị xuất khẩu cao vừa sản xuất ra những mặt hàng chủ lực trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, cũng là 3 loại cây trồng chủ lực của Bình Phước là điều, cao su, hồ tiêu - những loại cây tạo nên sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, lại không nằm trong dự thảo thông tư ban hành danh mục loài cây trồng chính do chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo. Danh mục loài cây trồng chính lại bao gồm cả những cây đang là “chủ lực” cho xuất khẩu, đã phát triển tiệm cận giới hạn về diện tích, năng suất, chất lượng và gồm cả loài cây đang bị “thất sủng” đối với nhà nông. Liệu một chính sách có thể áp dụng thỏa đáng đối với cả 2 trường hợp này?

>> Hồ tiêu và con đường dẫn dắt thị trường thế giới 

Không chỉ là cái tên để “điểm danh”, mà đi cùng với danh mục loài cây trồng chính hay danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, là những chính sách, chiến lược dành cho mỗi loại cây trồng, mặt hàng. Điều này tác động, ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn hộ dân đang chọn những cây trồng, mặt hàng đó là sinh kế chính của họ. Kéo theo đó là những định hướng phát triển của mỗi ngành hàng nông nghiệp. Vì thế khúc mắc này rất cần lời giải đáp.

T.Phương

  • Từ khóa
94554

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu