Thứ 6, 19/04/2024 10:55:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:34, 28/05/2015 GMT+7

Bất chấp khuyến cáo của Bộ NN&PTNT: Nông dân vẫn chuẩn bị ồ ạt xuống giống hồ tiêu

Thứ 5, 28/05/2015 | 07:34:00 179 lượt xem
BP - Những tháng đầu năm 2015, giá cao su không có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó nông dân “choáng” bởi giá tiêu cao ngất ngưởng ngay giữa mùa thu hoạch. Từ sau tết Nguyên đán đến thời điểm này, khắp nẻo đường ở Bình Long, Hớn Quản, Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập… nông dân đang “sôi sục” chuẩn bị xuống giống hồ tiêu. “Trồng tiêu như đánh bạc” và bài học “cung vượt cầu” với nhiều nông sản hẳn vẫn còn rất mới với nông dân…

Vườn tiêu đã sẵn sàng chào mùa xuống giống mới

“Sốt” với giá tiêu

Từ tháng 10-2014, giá tiêu đen nông dân cất trữ có thời điểm đạt 240 ngàn đồng/kg, khiến nhiều người tiếc nuối vì đã bán khi giá tiêu đạt 180-200 ngàn đồng/kg (tiêu dung lượng trên 500g/lít). Tháng 12-2014, nông dân vào vụ thu hoạch hồ tiêu giống Ấn Độ, bán với giá 200-210 ngàn đồng/kg (tiêu trên 500g). Những tưởng sau tết Nguyên đán 2015, vào vụ thu hoạch chính với tiêu giống Vĩnh Linh và tiêu Trung, giá sẽ giảm theo quy luật hàng năm nhưng giá tiêu vẫn cao ngất ngưởng, bình quân 200 ngàn đồng/kg.

Giá cao nhưng đa phần hộ trồng tiêu lâu năm, có diện tích lớn ở Bình Phước không bán mà phơi khô cất vào kho với hy vọng giá sẽ còn cao hơn khi hết mùa. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng, do dự báo mùa tiêu năm nay mất mùa, sản lượng giảm, cầu còn cao hơn cung nên nông dân, đại lý “găm hàng” khiến doanh nghiệp thiếu tiêu bán theo hợp đồng đã ký đã đẩy giá tiêu tăng cao ngay trong mùa thu hoạch. Đến thời điểm này, mùa thu hoạch tiêu đã kết thúc nhưng chưa có số liệu tổng hợp về sản lượng do tiêu vẫn nằm trong kho của nông dân và đại lý mua cất trữ.

Xưởng cưa ở xã Lộc Quang tấp nập xẻ gỗ làm nọc tiêu (ảnh nhỏ) và vườn tiêu đã sẵn sàng chào mùa xuống giống mới

Năm 2015, dự báo ngành cao su khó khăn hơn năm 2014, do sản lượng tồn dư hơn 1 triệu tấn/năm. Đây chính là nguyên nhân khiến nông dân quyết định thanh lý điều, cao su đang trong tuổi kinh doanh ồ ạt chuyển qua trồng tiêu trong mùa xuống giống năm nay.

Trồng tiêu bằng mọi giá

Theo số liệu của Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) 57 ngàn tấn, thấp hơn 23% so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng 21%, kim ngạch đạt 521 triệu USD. Giá hồ tiêu đen XK bình quân đạt trên 8.700 USD/tấn, tăng hơn 2.200 USD/tấn (34,7%), tiêu trắng đạt 12.500 USD/tấn, tăng 34,7% so cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay với hồ tiêu Việt Nam.

Sau tết Ất Mùi, chúng tôi bắt đầu nắm bắt tình hình thực tế chuẩn bị mùa xuống giống. Con đường nhựa nối Lộc Hiệp với vùng trọng điểm hồ tiêu Lộc Phú, Lộc Quang của huyện Lộc Ninh có nhiều xưởng cưa tự phát mọc lên chỉ để chuyên xẻ nọc tiêu. Hàng chục khối gỗ tạp được xe tải, xe đầu kéo tự chế chở đến sắp đống chờ cưa. Một người dân vừa chất nọc tiêu đã cưa lên xe ba gác nói: Muốn có nọc để trồng tiêu phải đặt mua trước cả tháng. Giá 27 ngàn đồng/nọc mua tại chỗ, nhưng chỉ bằng 1/2-2/3 so với nọc năm trước. Ở các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Long Hà, Long Bình, Long Tân, huyện Bù Gia Mập giá 50 ngàn đồng/nọc đưa từ huyện Lộc Ninh, Bù Đốp qua bán. Trên các nẻo đường, các ấp tấp nập xe chở nọc, lưới, kẽm, ống nước để hoàn chỉnh vườn tiêu trồng mới.

Trung tuần tháng 5, chúng tôi đến Lộc An - xã có gần 1.000/12.000 ha hồ tiêu toàn tỉnh. Dọc theo con đường đá lởm chởm khoảng 5km của ấp 6,  chúng tôi chứng kiến “nhà nhà” chuẩn bị xong “cơ sở hạ tầng” chờ mưa đều là xuống giống hồ tiêu. Bà Nguyễn Thị Thuấn có 5 ha đã phủ kín cao su, cây ăn trái và 500 trụ tiêu già cho biết: Trước đây cả xóm trồng tiêu. Tiêu chết chuyển sang trồng cao su vì không ai dám trồng lại tiêu trên đất cũ (đất đã trồng tiêu) nhưng năm nay, giá mủ cao su thấp mà giá tiêu quá cao nên mọi người không còn chần chừ, liều chặt cao su trồng tiêu. Nọc tiêu đa phần tận dụng gỗ cao su thanh lý. Cây 4-10 năm tuổi xẻ đôi, xẻ tư; cây 2 năm tuổi để nguyên. Nhiều người lo lắng gỗ cao su xốp và chỉ cần vài tháng mưa dầm là mục đổ nhưng để giảm  chi phí đành phải tận dụng.

Bà Vi Thị Mai ở ấp 8 cho biết: “Trước đây, nhà tôi có trồng tiêu nhưng bị chết vì đất có đá bàn ứ nước nên chuyển qua trồng cao su. Nhưng nay giá cao su thấp quá nên gia đình cưa 2 sào đang cạo năm thứ 4 để trồng tiêu. Nếu giá tiêu còn cao thì nhà tôi sẽ dần dần cưa hết cao su để trồng. Năm nay, đa phần người dân ấp 8 thanh lý cao su để trồng tiêu” - bà Mai nói.

Bùng nổ diện tích

Việt Nam đang chiếm 57% thị phần XK hồ tiêu và thế giới đang thiếu hồ tiêu, nên nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đang dẫn dắt giá tiêu. Sau 3 năm xuống giống, hồ tiêu sẽ cho thu hoạch chính vụ. Đến lúc đó, Việt Nam có còn cầm chịch được giá tiêu trên thị trường thế giới và giá tiêu có còn cao như hiện nay? Đây là vấn đề không chỉ các nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, mà hàng vạn nông dân đang bước vào “cuộc chơi khó, khổ và tốn kém” với cây hồ tiêu.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐND xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) lo lắng: Vùng trồng tiêu trọng điểm tập trung ở ấp Đồi Đá, nhờ còn nhiều đất mới, đất đỏ phì nhiêu. Năm nay, trước hấp dẫn của giá tiêu nên nhiều hộ đồng bào Khơme ở các ấp Sóc Lớn, Trà Đôn, Ba Ven đã vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng tiêu. Đa số các hộ vay ngân hàng trích ra khoảng 50% để làm nhà với hy vọng sau 3 năm có tiêu thu hoạch để trả nợ. Người dân thiếu kinh nghiệm nên lãnh đạo xã rất lo, nếu tiêu chết sẽ mất luôn sổ đỏ...

Bà Trần Thị Yến, cán bộ về hưu ở xã Bù Gia Mập không giấu được bất an: “Năm nay nhiều hộ Xêtiêng, Mơnông chặt cao su, điều để trồng tiêu, đến mùa khô không biết lấy nước đâu để tưới”. Ở các xã Thiện Hưng, Thanh Hòa, Hưng Phước (Bù Đốp), nhiều hộ trồng tiêu ở cả những khu vực đất trũng, nhiều nguy cơ ngập úng trong mùa mưa.

Theo báo cáo của VRA tại hội nghị tổng kết năm 2014, từ năm 2013 đến nay mỗi năm Việt Nam tăng thêm 10 ngàn ha hồ tiêu. 6 tỉnh trọng điểm, trong đó có Bình Phước diện tích tiêu trồng mới tăng chóng mặt. Hiện diện tích trồng tiêu cả nước đạt gần 80 ngàn ha, trong đó khoảng 52 ngàn ha cho thu hoạch, trong khi quy hoạch của Chính phủ cả nước chỉ có 50 ngàn ha. Năm 2014, Bình Phước có 12 ngàn ha hồ tiêu, trong đó 9.000 ha cho thu hoạch. Tuy chưa có số liệu tổng hợp nhưng theo dự báo mùa trồng mới năm 2015, diện tích hồ tiêu xuống giống sẽ gấp 3-4 lần so với năm trước.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, Việt Nam 14 năm dẫn đầu sản lượng hồ tiêu, trong đó 7 năm dẫn dắt thị trường thế giới, nhưng ngành hồ tiêu đang bộc lộ nhiều yếu tố phát triển thiếu bền vững: Dịch bệnh trên cây tiêu và báo động mất thị trường do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu đen XK.

Theo điều tra của Viện Khoa học - nông nghiệp miền Nam, có 8 loại dịch bệnh trên hồ tiêu là bệnh thối rễ, xoăn lá, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông, nhưng nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm phythopthora và bệnh chết chậm do nấm fusarium, từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở các tỉnh trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam bộ...

Nấm bệnh nhiều buộc nông dân gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với nhiều hoạt chất mà các nước nhập khẩu cấm sử dụng, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những thị trường xuất khẩu hồ tiêu chính của Việt nam là châu Âu, nhưng từ năm 2014 và nhất là năm 2015, châu Âu đã siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra gắt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên lượng tiêu xuất khẩu năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 sang thị trường này bị giảm.

Phương Hà

  • Từ khóa
38707

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu