Thứ 6, 29/03/2024 07:10:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:11, 22/07/2019 GMT+7

Bất cập vì luật chưa điều chỉnh

Thứ 2, 22/07/2019 | 14:11:00 128 lượt xem
BPO - Luật Đất đai đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29-11-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Sau hơn 5 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã có nhiều tiến bộ, tiếp cận và thể hiện đầy đủ hơn những vấn đề về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc, trong đó lớn nhất là vấn đề quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và vấn đề đặt ra trong bài viết dưới đây là một minh chứng.

Theo quy định tại Điều 10, thì căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau: Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn những bất cập chưa được điều chỉnh - Ảnh: C.L

Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; Đất xây dựng trụ sở cơ quan; Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác; Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông; thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác; Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;…

Và theo quy định tại Điều 11, thì việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của luật này đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận; Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận…;

 Và theo quy định như trên, Luật Đất đai năm 2013 đã liệt kê ra hàng loạt các loại đất khác nhau và được sử dụng vào mục đích cũng khác nhau. Mặc dù vậy, nhưng theo suy nghĩ của nhiều người thì việc liệt kê các loại đất như trong luật vẫn còn thiếu một loại đất nữa, đó là đất dành cho lối đi. Và chính vì luật chưa điều chỉnh đến loại đất này cho nên trong thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp về lối đi (có lối đi riêng và lối đi chung hay còn gọi là lối đi công cộng). Trong ngày 23-1-2018, tại trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước đã diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự số 114/2017/TLPT-DS ngày 31-10-2017 về việc “Tranh chấp lối đi chung”. Ban đầu chỉ là khiếu nại về lối đi, về sau sự việc đã trở thành một vụ án dân sự phức tạp. Nguyên nhân chỉ vì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của các bên có liên quan không ghi rõ phần đất sử dụng làm lối đi chung.

Vì nội dung của vụ án trên khá phức tạp, để bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong vụ án này và đây cũng chính là điều bất cập trong Luật Đất đai năm 2013, dưới đây người viết bài xin nêu ra một dẫn chứng: Ông Nguyễn Văn X ở xã Y, huyện Z đã sử dụng diện tích đất là 700m2 từ năm 1970 đến nay. Trên đất hiện trạng vào năm 2010, có 1 căn nhà và các công trình phụ với diện tích 150m2 và 3 lối đi, với tổng diện tích 250m2 gồm: 1 lối đi từ đường vào nhà, 2 lối đi xung quanh nhà. Năm 2009, ông X được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là 150m2 đất ở và 300m2 đất cây lâu năm. Như vậy, phần đất lối đi không được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông X. Từ đó, dẫn đến tranh chấp đất lối đi giữa gia đình ông X với gia đình ở bên cạnh và gia đình ở phía sau.

Từ bất cập trên đây, mong rằng các cơ quan chức năng sớm tham mưu cho cấp thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp để tránh rắc rối cho người dân, đồng thời để những quy định của pháp luật sớm đi vào cuộc sống.

ND

  • Từ khóa
32169

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu