Thứ 6, 29/03/2024 21:15:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:57, 18/03/2013 GMT+7

Bất cập trong việc hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS

Thứ 2, 18/03/2013 | 09:57:00 130 lượt xem

Có lẽ ít có chính sách nào lại ảnh hưởng to lớn đến đời sống, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như các chương trình, dự án hỗ trợ đất đai theo Quyết định 134 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ đồng bào DTTS là đối tượng được hưởng mà cả hệ thống chính trị, toàn dân đều hiểu rõ và chung tay thực hiện các quyết định mang đậm tính nhân văn này. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS ở Bình Phước vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

Với 41 thành phần dân tộc, đồng bào DTTS chiếm khoảng 20% trong tổng số gần 900 ngàn dân của tỉnh Bình Phước, trong đó, tỷ lệ đồng bào DTTS tại chỗ (Xêtiêng, Mơnông, Khơme) chiếm khoảng 10,6%. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm đến đồng bào DTTS trong tỉnh bằng việc đề ra các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động cụ thể để thực hiện Quyết định số 134, Quyết định số 1592 và Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc cấp đất 134 tại xã Thống Nhất (Bù Đăng)

Ngay từ khi triển khai thực hiện, ngoài việc sử dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp, các ngành hữu quan trong tỉnh đã chỉ đạo, giám sát UBND các xã trong việc công khai tiêu chuẩn, đối tượng đủ điều kiện hưởng. Việc bình xét được thực hiện từ thôn ấp, được công khai danh sách để mọi người dân cùng giám sát. Trong quá trình thực hiện việc giao đất, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp đã vận động, tuyên truyền đồng bào giữ đất, không sang nhượng, cho thuê đất để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác.

Hiện một số dự án định canh, định cư (ĐCĐC) tập trung trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục việc khai hoang, cấp đất sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng để sớm đưa các hộ dân về vùng dự án. UBND tỉnh đã lồng ghép vốn Chương trình 135 giai đoạn II để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Năm 2012, nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II được UBND tỉnh thuận chủ trương cho lồng ghép thực hiện là 2,128 tỷ đồng, gồm vốn phát triển cơ sở hạ tầng, vốn hỗ trợ sản xuất. Nguồn vốn Chương trình 134 kéo dài với kinh phí 1,2 tỷ đồng cũng được lồng ghép để đầu tư 2 công trình giếng nước tập trung cho 2 dự án.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Tính đến ngày 30-12-2012, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh đã tập trung giải quyết căn bản những khó khăn ban đầu về đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS, trong đó Chương trình 134 đã giao đất cho 2.315 hộ. Thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh cũng đã giao đất cho 396 hộ. Số hộ còn lại theo đề án là trên 2.000 hộ, nhưng không còn quỹ đất. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 1 dự án ĐCĐC xen ghép và 1 dự án ĐCĐC tập trung đã cơ bản hoàn chỉnh. Tại điểm ĐCĐC xen ghép ấp Pa Pếch (xã Tân Hưng, Đồng Phú), UBND huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần cao su Đồng Phú trồng cây cao su cho đồng bào và cuộc sống đang dần ổn định. Tại điểm ĐCĐC tập trung xã Lộc Hòa (Lộc Ninh), UBND huyện đã lồng ghép sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II để hỗ trợ phân bón và cây giống cho đồng bào. Ngoài ra, UBND huyện, xã thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong vùng dự án. 

NHỮNG BẤT CẬP TRONG THỰC HIỆN CÁC
CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Dù các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc thực hiện các dự án, đặc biệt là việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS trong tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, diện tích UBND tỉnh thuận quy hoạch theo Quyết định số 134, Quyết định số 1592 và Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ là 3.063 ha, nhưng thực tế mới chỉ giao và đã được đồng bào DTTS sử dụng 1.576,4 ha, đạt 51%. Còn lại 1.486,6 ha, trong đó có 452,87 ha là đất xấu, đồi dốc. Vì vậy, tuy có giao nhưng các hộ DTTS không nhận. 461,83 ha bị tái lấn chiếm, 571,9 ha đất chưa giao và chưa được huyện giải trình (tại Bù Đăng, Bù Gia Mập). Chương trình hỗ trợ theo Quyết định số 33 đã quy hoạch hơn 900 ha cho các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Đồng Phú... trong đó chỉ có 124 ha (tại Bù Đăng) đã khai hoang và giao cho các hộ đồng bào DTTS. Diện tích còn lại sau khi giao khai hoang xong lại bị tái lấn chiếm hoặc quy hoạch trùng các dự án khác.

Trao đổi về những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS trong tỉnh, ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, cùng với việc tập trung khắc phục những yếu kém mang tính chủ quan, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh một số chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể là đề nghị nâng mức hỗ trợ từ 15 triệu đồng lên 40 triệu đồng/hộ, trong đó 30 triệu đồng làm nhà và 10 triệu đồng để thực hiện các chỉ tiêu còn lại.

Một số định mức hỗ trợ được xây dựng từ năm 2007 đến nay không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh. Cụ thể là mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để thực hiện các việc: làm nhà ở, mắc điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ lương thực 6 tháng và phát triển sản xuất là không thể cân đối được, trong khi những hộ được hưởng đều quá nghèo, không thể đóng góp thêm. Nguồn vốn thực hiện các dự án của trung ương và của tỉnh đều chậm. Tổng nguồn vốn trung ương phân bổ cho các huyện thực hiện dự án ĐCĐC trong giai đoạn 2007-2012 là 31,2 tỷ đồng, chỉ bằng 27,11% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguồn vốn đối ứng của tỉnh để thực hiện các dự án cũng chậm. Năm 2012, tỷ lệ vốn ngân sách tỉnh chưa đến 10% kế hoạch vốn trung ương phê duyệt. Mặt khác, thời gian đầu triển khai các dự án cần nguồn vốn lớn đầu tư phát triển để tạo quỹ đất và phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng trong thực tế, cơ cấu vốn được bố trí chưa hợp lý nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện...

Đối với đồng bào DTTS tại chỗ, do trình độ dân trí thấp, tập quán lạc hậu nên những ứng xử xã hội của họ nhiều khi không tuân thủ pháp luật. Họ quen sống du canh, du cư, coi đất đai là của tổ tiên để lại. Họ tự thỏa thuận giữa các làng, các dòng tộc để chia nơi cư trú và sinh sống từ đời này sang đời khác. Bản tính của đồng bào DTTS tại chỗ là thật thà, nhưng dễ bị lợi dụng, họ lại thường tự ti, mặc cảm, không quan tâm đến tương lai và rất chậm thích ứng với những cái mới, tiến bộ của xã hội. Một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS tại chỗ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, kích động đem cầm cố sang nhượng đất sản xuất hoặc khiếu kiện đất đai với số lượng đông người. Theo thống kê của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 hộ cầm cố, sang nhượng đất, chủ yếu thuộc huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Huyện Lộc Ninh đã có hơn 100 hộ sang nhượng trái phép đất được cấp theo Chương trình 134. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những thiệt thòi, khó khăn đối với đồng bào DTTS tại chỗ trong sản xuất và đời sống.

L.T

  • Từ khóa
44516

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu