Thứ 5, 25/04/2024 17:06:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:22, 03/08/2018 GMT+7

Bất cập trong quản lý và vận động tiêm chủng

Thứ 6, 03/08/2018 | 06:22:00 3,920 lượt xem

Theo báo cáo, tất cả chỉ tiêu chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay đều không đạt tiến độ kế hoạch. Ngành y tế cũng thẳng thắn thừa nhận bên cạnh nguyên nhân khách quan thì còn do công tác quản lý, vận động đối tượng tham gia thực hiện chưa tốt. Tình hình này nếu không được cải thiện thì Bình Phước sẽ nhanh chóng rơi vào “vùng lõm” tiêm chủng và nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao.

13/13 chỉ tiêu không đạt

Kết quả tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi: đối với vắc-xin BCG (bệnh lao) đạt 36%, thấp hơn 12% so với tiến độ kế hoạch; 10/11 huyện, thị xã tỷ lệ dưới 45% (5 huyện, thị xã dưới 35% là Đồng Xoài, Phước Long, Hớn Quản, Chơn Thành và Phú Riềng). Vắc-xin VGB (viêm gan B) sơ sinh đạt 26%; có 5/11 huyện, thị xã tỷ lệ thấp. Vắc-xin Hib3/ OPV3 (viêm não, viêm màng não do Hib/bại liệt) đạt 40%, có 6/11 huyện, thị đạt tỷ lệ thấp. Kết quả tiêm vắc-xin sởi mũi 1 đạt 40%, trẻ tiêm chủng đầy đủ mới chỉ đạt 37% và số trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh đạt 32%. Kết quả tiêm vắc-xin sởi mũi 2 toàn tỉnh đạt 30%, DPT4 (bạch hầu, uốn ván, ho gà mũi 4) cho trẻ 18 tháng chỉ đạt 27%, 10/11 huyện, thị xã không đạt chỉ tiêu. Kết quả tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi: Mũi 2 đạt 41%, mũi 3 đạt 35%, 10/11 huyện, thị xã không đạt. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván (VAT) cho phụ nữ có thai đạt 28,5%, 10/11 huyện, thị xã không đạt.

Tiêm chủng cho trẻ em tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh - Ảnh: B.L

Tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh tuy không có diễn biến bất thường nhưng một số bệnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 như: viêm não vi-rút tăng 75%, thủy đậu tăng 119%, quai bị tăng 39%, đặc biệt ho gà tăng 367%. Điều này phản ánh hoạt động tiêm chủng đang có nhiều bất cập bởi thực tế nhận thức của đa số nhân dân về tiêm chủng mở rộng ngày càng được nâng cao, công tác quản lý đối tượng đã được cập nhật bằng phần mềm hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Nhiều vướng mắc cần giải pháp

Hiện nay, phần mềm thông tin tiêm chủng quốc gia triển khai tại 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã và các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 100% đơn vị được tập huấn về phần mềm và các xã, phường đã nhập đối tượng là trẻ em trong 2 năm gần nhất. Báo cáo mới nhất cũng cho thấy toàn tỉnh có 152/155 cơ sở tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống. 3 cơ sở chưa thực hiện là điểm tiêm chủng dịch vụ tại thị trấn Lộc Ninh, Bệnh viện Quân dân y 16 (Binh đoàn 16), Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng. Đến ngày 30-6-2018, tổng số đối tượng được nhập liệu là 128.569, trong đó trẻ dưới 1 tuổi 10.811. Tuy nhiên hiện nay phần mềm tiêm chủng đang trong giai đoạn hoàn thiện nên vẫn phải duy trì song song 2 hệ thống báo cáo bằng phần mềm và văn bản. Tuy nhiên một số xã, phường chỉ sử dụng hệ thống thông tin tiêm chủng và không duy trì báo cáo bằng sổ sách. Bên cạnh đó trên hệ thống thông tin tiêm chủng đến ngày 23-7-2018 còn 644 đối tượng trùng lặp, cao nhất là Phước Long 205 đối tượng, Bù Đăng 123 đối tượng... Số đối tượng tiêm chủng dịch vụ chưa cập nhật đầy đủ lên hệ thống, nhất là phụ nữ có thai. Một số đối tượng chưa ghi mã đối tượng lên sổ, phiếu tiêm chủng.

Cán bộ y tế vận động tiêm chủng tại ấp 6, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Bác sĩ Trần Đình Trọng, Trung tâm Y tế huyện Hớn Quản cho biết: Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt thấp do nhiều nguyên nhân như: Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, số cán bộ y tế biên chế chưa đủ so với quy định; do chỉ tiêu giao cao hơn so với tình hình thực tế; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (22%). Một số trẻ đến ngày tiêm hằng tháng bị bệnh, số khác do cha mẹ làm công nhân, gửi con cho ông bà trông nên quên lịch tiêm. Một số loại vắc-xin thiếu và chưa thống kê được các mũi tiêm dịch vụ tại tuyến trên.

Ngoài ra, đại diện một số trung tâm y tế tuyến huyện còn cho biết: Hiện nay, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin tuyến huyện, xã đã hư hỏng. Trung tâm y tế thay đổi nhân sự thường xuyên, không đảm bảo quản lý và thực hiện chương trình. Chương trình quốc gia không cấp kinh phí, trong khi kinh phí địa phương lại bị gián đoạn nên ảnh hưởng kết quả tiêm chủng toàn tỉnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Muốn công tác tiêm chủng đạt kết quả thì phải quản lý chặt đối tượng và vận động đối tượng tiêm chủng đầy đủ, nhất là các mũi miễn phí thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, các huyện, thị cần đề cao công tác quản lý hơn là con số về chỉ tiêu giao cao hay thấp. Quan trọng nhất là ở địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp lâu ngày tích lũy sẽ tạo ra vùng lõm tiêm chủng, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Bác sĩ Lương Chấn Quang cho rằng cần huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế phải nắm chắc tình hình, tham mưu những giải pháp hiệu quả để chương trình tiêm chủng đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 và những năm tiếp theo.

P.Dung

  • Từ khóa
94421

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu