Thứ 4, 24/04/2024 17:39:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:42, 03/12/2016 GMT+7

Bất cập trong bình xét khu dân cư, gia đình văn hóa

Thứ 7, 03/12/2016 | 14:42:00 384 lượt xem

BP - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Bình Phước được thực hiện theo Quyết định số 1610/QĐ-TTg, ngày 16-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 62-KH/TU, ngày 26-4-2012 của Tỉnh ủy. Trong đó có việc bình xét 7 danh hiệu văn hóa như: Gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Mỗi danh hiệu đều được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể cũng như văn bản hướng dẫn, quy định của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở VH-TT&DL - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào, thời gian qua, việc bình xét các danh hiệu, nhất là gia đình văn hóa có nhiều điểm bất hợp lý, chưa rõ ràng về tiêu chí, tiêu chuẩn.

Việc bình xét khu dân cư, gia đình văn hóa hiện còn nhiều bất cập. Trong ảnh: Vui xuân với bà con người Tày ở huyện Đồng Phú - Ảnh: Xuân TúcViệc bình xét khu dân cư, gia đình văn hóa hiện còn nhiều bất cập. Trong ảnh: Vui xuân với bà con người Tày ở huyện Đồng Phú - Ảnh: Xuân Túc

Theo quy định chung, hiện ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn chỉ xét chấm điểm gia đình, khu dân cư văn hóa ở 2 mức đạt hoặc không đạt. Như vậy, trong năm, gia đình nào không vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không sinh con thứ ba; không vi phạm hương ước, quy ước... thì hộ đó đương nhiên được công nhận đạt gia đình văn hóa và ngược lại. Tổng thang điểm bình xét áp dụng cho 11 tiêu chí theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL là 100, các hộ chỉ tự chấm ở mức từ 51 điểm trở lên đến mức tối đa/11 tiêu chí là đương nhiên đạt chuẩn. Tuy nhiên, theo quy định chung, các địa phương không khống chế số lượng gia đình văn hóa ở khu dân cư nên tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh rất cao, cứ 10 hộ thì có đến 9 hoặc 9,2 hộ đạt chuẩn. Điều đó cho thấy, công tác bình xét, đánh giá, công nhận các danh hiệu này còn mang nặng tính hình thức, cào bằng, chạy theo thành tích. Phần lớn gia đình nào cũng đạt như nhau dẫn đến không thấy được tỷ lệ cao, thấp và chất lượng thực sự của các danh hiệu này. Đây là thực trạng chung không chỉ riêng tỉnh Bình Phước.

Năm 2000, toàn tỉnh chỉ có 21% khu dân cư được công nhận tiên tiến; 18,8% khu dân cư xuất sắc; 58% gia đình được công nhận văn hóa. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 64,2% khu dân cư văn hóa; 92,36% gia đình văn hóa. Năm 2015, cả nước có gần 19 triệu gia đình đạt chuẩn văn hóa trong tổng số hơn 22 triệu gia đình, chiếm 85,03%, tăng 2% so với năm 2014.

Trả lời ý kiến chất vấn trước kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa IX, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho rằng, trước đây, việc bình xét, đánh giá, chấm điểm gia đình và khu dân cư văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2010 phân loại theo 3 mức: xuất sắc, tiên tiến, đạt yêu cầu. Hằng năm, việc tổng kết, đánh giá các danh hiệu này mang tính thực chất, hiệu quả và tính thi đua cao.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, ngày 15-11-2016, lãnh đạo Tỉnh ủy đã đề xuất đưa tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận các danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” vào Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, cho Bình Phước được thí điểm bình xét, phân loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo 3 mức: xuất sắc, tiên tiến, đạt yêu cầu trong 3 năm tới (2017, 2018, 2019) và sẽ tổ chức đánh giá sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm vào năm 2020. 

P.M

  • Từ khóa
92478

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu