Thứ 5, 18/04/2024 12:18:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:32, 06/03/2015 GMT+7

Bất cập chợ cũ, chợ mới ở Thành Tâm

Thứ 6, 06/03/2015 | 07:32:00 4,655 lượt xem
BP - Trên địa bàn tỉnh, không ít nơi vẫn chưa có chợ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thì ở xã Thành Tâm (Chơn Thành) lại rơi vào cảnh: Chợ cũ huyên náo, nhộn nhịp còn chợ mới thì đìu hiu người mua kẻ bán.

NHỘN NHỊP CHỢ CŨ

Năm 2010, ông Trần Văn Thiện ở ấp Mỹ Hưng, xã Thành Tâm được Phòng Tài chính - kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề cho thuê mặt bằng, sạp, ki-ốt, tạp hóa. Khu đất lập chợ rộng gần 400m2, nằm sát quốc lộ 13 được ông thuê xe đổ đất, lu nèn, đổ bê tông, dựng mái và kéo điện, nước phục vụ tiểu thương. Trước đây, để mua sắm, người dân phải đi chợ thị trấn Chơn Thành hoặc đến các xã giáp ranh như Trừ Văn Thố, Cây Trường của huyện Bàu Bàng (Bình Dương). Từ khi có chợ, họ chỉ cần tranh thủ sáng sớm tập thể dục hoặc trên đường đi làm về ghé mua, không tốn thời gian. Hơn nữa, ông Thiện thu phí rất thấp, với tiểu thương nhỏ chỉ từ 5-10 ngàn đồng/ngày, còn người dân có mớ rau, con cá của nhà làm ra đem bán sẽ không phải đóng phí. Do giá cả phù hợp, lại tiện lợi nên người dân và tiểu thương tụ họp về đây ngày càng đông.

Chợ cũ ở ấp Mỹ Hưng luôn tấp nập người mua - bán

Trước 2012, không có chỗ buôn bán ổn định nên chị Mai Thị Phương ở ấp 4, xã Trừ Văn Thố phải đi bán hàng rong. 3 năm nay, chị chuyển về chợ ấp Mỹ Hưng bán rau củ, mỗi ngày chỉ đóng 10 ngàn đồng. Hàng hóa bán rất “chạy” nên chị gắn bó đến giờ. Chị cho biết, bán hàng ở đây đã quen khách, người mua cũng không phải đi xa.

Hiện trong xã có 3 hộ cho thuê mặt bằng để họp chợ. Tuy nhiên, các điểm này không bảo đảm về môi trường, phòng chống cháy nổ, lấn chiếm lòng lề đường... nên UBND xã đã vận động các hộ không tiếp tục cho thuê. Thời gian tới, xã sẽ nghiêm túc dẹp chợ tự phát. Đối với các điểm chợ của các hộ được phép cho thuê mặt bằng nếu không đáp ứng đủ yêu cầu (giấy phép, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông...), xã sẽ kiến nghị UBND huyện cho ngừng hoạt động.

Bí thư Đảng ủy xã Thành Tâm Nguyễn Văn Hưng

Còn chị Nguyễn Thị Tuyết bán thịt heo ở đây được 5 năm nói: “Buôn bán phải có nhiều khách, mối quen, giá cả phải chăng thì mới hút hàng. Do phí mặt bằng thấp, chúng tôi bán lấy lời ít nên người dân thích mua ở chợ này”.

Vừa cạo mủ cao su xong, chờ đến 11 giờ trưa là trút, bà Phùng Thị Hiệp ở ấp Thủ Chánh, xã Thành Tâm tranh thủ chạy ra chợ (cách nhà 100m). Từ khi có chợ, bà Hiệp rất vui vì chuyện cơm nước, chợ búa không còn tất bật như trước. Bà Hiệp nói: “Là chợ quê nên đa số rau củ đều từ vườn nhà dân trồng được, chúng tôi mua về ăn rất yên tâm. Giá hàng hóa ở đây thấp hơn các chợ lân cận. Hơn nữa chúng tôi có thể mua thiếu nên rất tiện lợi, còn chợ mới cách đây 2km, vừa xa vừa bất tiện”.

THƯA VẮNG CHỢ MỚI

Từ khi chia tách (tháng 7-2005) đến hết năm 2014, người dân ở Thành Tâm chủ yếu buôn bán ở chợ tạm và tự phát. Vì vậy, việc đưa chợ mới vào hoạt động từ tháng 1-2015 là nhằm giải quyết nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trên địa bàn. Chợ Thành Tâm do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Bình (Sài Gòn) xây dựng sạch sẽ, thoáng mát. Từ cổng chợ đi vào có một dãy ki-ốt cửa xếp, vào trong là nhà lồng chợ trung tâm, hai bên được bao bọc bởi dãy ki-ốt. Chợ họp hai buổi sáng, chiều nhưng do ít khách nên số tiểu thương bán buổi vào chiều cũng giảm và lượng khách vào mua ít. Bà Nguyễn Thị Lượm bán trái cây trong chợ mới cho biết: “Trước đây, tôi bán ở chợ tạm, từ khi có dự án xây chợ mới, tôi làm hợp đồng thuê 10 triệu đồng 2 ô (1 ô rộng 6m2). Ngồi bán trong chợ thoáng mát nhưng mỗi ngày chỉ có vài ba lượt khách nên hàng hóa bán rất ít. Nếu tình trạng này tiếp diễn, không biết chúng tôi có trụ nổi ở đây nữa không”.

Chợ Thành Tâm mới xây vắng người mua - bán

Không trực tiếp thuê mặt bằng từ chủ dự án mà thuê lại ki-ốt của người đã ký hợp đồng với giá 1,5 triệu đồng/tháng, chị Lê Thị Hằng cũng yên tâm hơn, bởi thuê theo tháng nên có thể ngưng nếu hàng hóa bán không “chạy”. Theo chị Hằng, cả buổi sáng chỉ có 3 lượt khách vào mua quần áo. Do quá ít khách mua nên có buổi, chợ chỉ có 3 tiểu thương bán hàng. Đi ngoài đường nhìn vào thấy chợ thưa vắng nên người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà.

Thực tế, số ki-ốt, lô, nền trong chợ Thành Tâm đã được tiểu thương đặt cọc, đăng ký hợp đồng nhưng do người dân vẫn gắn bó với các điểm chợ cũ nên tiểu thương chưa chuyển về địa điểm mới. Chia sẻ về vấn đề này, chị Mai Thị Phương cho biết: “Nghe nói khi chợ Thành Tâm đi vào hoạt động sẽ cho ngừng các điểm chợ khác trong xã nên tôi đã đặt cọc 5 triệu đồng. Nếu bán ở đó sẽ đóng từ 300-500 ngàn đồng/tháng, hợp đồng trong 2 năm. Nhưng do người dân vẫn tập trung mua bán tại chợ cũ nên tôi chưa thể chuyển đến chợ mới. Chừng nào người dân về họp chợ đông thì tôi chuyển về, buôn bán phải theo “thượng đế” chứ”.

“Chợ mới được xây dựng trên diện tích 1,5 ha, được phân lô, nền, xây ki-ốt, thiết kế rộng rãi, thoáng mát, phù hợp, có ban quản lý chợ, bảo vệ nên an ninh ở đây rất tốt. Chợ đã đáp ứng yêu cầu chợ nông thôn mới nên trong năm 2015, xã sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí khác” - ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.

Hải Châu

  • Từ khóa
94923

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu