Thứ 5, 28/03/2024 19:10:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:30, 10/03/2017 GMT+7

Bấp bênh thị trường mì

Thứ 6, 10/03/2017 | 07:30:00 199 lượt xem
BP - Mì được Bộ Công thương đưa vào danh mục 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Thế nhưng, mùa thu hoạch mì năm nay nông dân không còn mặn mà với cây trồng xen “lấy ngắn nuôi dài” này do mất mùa nhưng giá chạm đáy. Nông dân thua lỗ, doanh nghiệp cũng “chao đảo” bởi thị trường xuất khẩu chính của mì là Trung Quốc giảm mua, tương lai mù mịt… Đó cũng là bài toán khó hiện nay với nông dân trong lựa chọn cây trồng và doanh nghiệp chế biến tinh bột mì.

MẤT MÙA - MẤT GIÁ

Tháng đầu năm đang trong mùa thu hoạch mì, khu vực biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp không còn cảnh từng đoàn xe nối nhau chở củ mì tươi về các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh và Tây Ninh. Cũng không còn cảnh trên các vỉa hè của những con đường chính trung tâm huyện Bù Đốp, quốc lộ 13, đoạn đi qua các xã Lộc Thạnh, Lộc Hòa (Lộc Ninh) nối với Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nông dân khẩn trương cắt, phơi mì khô như trước đây.

Người dân ấp 8, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài thu hoạch mì - Ảnh: Sỹ hòa

Biên giới Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thuộc ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh và ấp 7, xã Lộc Hòa có diện tích trồng mì lớn khoảng trên 200 ha, chủ yếu xen canh trong vườn điều kiến thiết cơ bản. Nông dân thu hoạch xong không muốn giâm hom giống để chờ trận mưa đầu mùa xuống giống cho vụ kế tiếp. Thậm chí đã vào cuối vụ nhưng một số hộ không nhổ mì bởi khó tìm nhân công và giá thuê nhổ cao (khoảng 180 ngàn đồng/người), trong khi giá mì quá thấp.

Ông Nguyễn Anh Nhật ở ấp Thạnh Biên có gần chục năm trồng mì thở dài: Có sẵn đất, giống, chỉ tốn thuê công trồng, làm cỏ, mua phân nhưng vụ vừa rồi với 14 ha mì trồng xen điều năm thứ 3, gia đình tôi lỗ hơn 60 triệu đồng. Đây cũng là năm đầu tiên gia đình tôi ngậm đắng mất công, mất tiền vì trồng mì. Phân tích sự thất thu của mùa mì năm nay ông Nhật nói: Ngoài yếu tố thị trường xuất khẩu khó khăn, giá thấp thì do mưa kéo dài cuối mùa và mưa trái mùa xảy ra liên tục từ tháng giêng nên củ mì bị thối, năng suất, sản lượng giảm hơn 30% so cùng kỳ; mưa nhiều nên tinh bột mì (chữ bột) giảm mạnh, thương lái không muốn thu gom vì khó nhập về nhà máy. Cụ thể, mì trồng xen năng suất bình quân khoảng 15 tấn/ha nhưng năm nay chỉ thu được hơn 10 tấn/ha. Đầu tư 11 triệu đồng/ha nhưng bán được 7 triệu đồng/ha. Như vậy, 1 ha lỗ 4 triệu đồng. Theo đó, hộ thuê đất trồng mì lỗ từ 7-9 triệu đồng/ha (thuê đất trống 5 triệu đồng/ha, đất trồng xen 3 triệu đồng/ha).

THỊ TRƯỜNG BẤP BÊNH

Ông Nhật cho biết, mùa mì năm nay thương lái chỉ thu gom khi nông dân đã thuê công nhổ mà không mua mão hoặc mua mì non như những năm trước. Giá thấp nhưng công nhổ mì cao mà phải “đỏ mắt” thuê lao động nên nông dân đa phần không còn mặn mà với cây mì. Riêng những rẫy điều kiến thiết cơ bản như gia đình ông Nhật đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi không trồng xen mì thì phải tốn công làm cỏ và lo nhất là nguy cơ cháy rẫy trong mùa khô, còn tiếp tục trồng xen thì lỗ, thậm chí cho trồng không cũng không có người dám đầu tư.

Theo khảo sát của phóng viên, giá mì những năm gần đây lên xuống thất thường và có xu hướng giảm từng năm. Cụ thể, năm 2013 là 2.500 đồng/kg, năm 2014 là 2.200 đồng/kg, năm 2015 giá đầu mùa từ 1.600-2.000 đồng/kg mì tươi. Năm nay, theo mức giá tại nhà máy thu vào của doanh nghiệp đối với loại mì đạt 30O là 1.400 đồng/kg. Mì xuất xứ từ Campuchia là 1.200-1.300 đồng/kg. Nếu chữ bột giảm 1O sẽ bị trừ 50 đồng/kg.

Thu hoạch mì trồng dưới hành lang đường bộ quốc lộ 13 thuộc địa bàn xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh)

 Năm nay, khí hậu biến đổi thất thường, mưa dầm kéo dài cuối mùa (tháng chuẩn bị thu hoạch) nên những hộ nhổ mì trước tết Nguyên đán (đầu mùa) chữ bột chỉ đạt từ 16-19O, giá bán 700-800 đồng/kg. Thị trường bấp bênh, giá thấp nên thương lái không mua mão vườn mì mà chỉ định giá thu gom khi nông dân đã thuê nhân công nhổ mì. “Giá mì giảm theo từng năm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hộ nông dân, mà khi người trồng mì không có lời thì người thu mua, doanh nghiệp cũng lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp. Chưa kể sản lượng thu mua năm nay của đơn vị cũng không bằng các năm trước, trung bình 100 tấn/ngày. Giá thấp, thời tiết thất thường chất lượng mì không cao nên đơn vị không dám thu mua số lượng nhiều” - một chủ doanh nghiệp thu mua mì (xin giấu tên) ở xã Tân Thành (Đồng Xoài) cho biết.

PHỤ THUỘC THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ trước tết Nguyên đán 2017 đến nay, xuất khẩu tinh bột mì rất chậm, do phía Trung Quốc giảm cường độ lấy hàng trong bối cảnh tinh bột mì từ Thái Lan về cảng Trung Quốc tăng. Dự báo trong thời gian tới, giao dịch tinh bột mì Việt Nam đi Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm do các nhà máy chế biến và sản xuất thực phẩm tại nước này phải cắt giảm công suất hoặc ngừng sản xuất. Do những quy định nghiêm ngặt về môi trường đã khiến hàng ngàn nhà máy chế biến và sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ tinh bột mì trong ngắn hạn.

Trung Quốc giảm thu mua tinh bột mì từ Việt Nam nên trong tháng 1-2017, khối lượng xuất khẩu mì và các sản phẩm từ củ mì chỉ đạt khoảng 253 ngàn tấn trị giá 66 triệu USD, giảm 42,5% về khối lượng và giảm 36,4% về giá trị so với cùng kỳ 2016. Trong năm 2016, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mì và tinh bột mì lớn nhất của Việt Nam, chiếm 87% thị phần, song vẫn giảm 12% về khối lượng và giảm 25,7% về giá trị so với năm 2015 (đạt 3,66 triệu tấn và 994 triệu USD).

Theo Hiệp hội Mì Việt Nam, phụ thuộc chủ yếu thị trường Trung Quốc nên khi quốc gia này giảm hoặc ngừng thu mua thì lập tức giá mì tại Việt Nam giảm. Thị trường bấp bênh, nông dân, doanh nghiệp, cơ sở chế biến tinh bột mì đều “chao đảo”. Những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga... xuất khẩu mì của Việt Nam chỉ chiếm khối lượng thấp do chưa đáp ứng về chất lượng và chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong bối cảnh mì giảm giá, tiêu thụ khó khăn như hiện nay, rất cần xem lại việc sản xuất mặt hàng này. Trong thực tế, mì làm cho đất cằn thêm, sau thu hoạch chẳng để lại gì cho đất; củ mì nghèo chất đạm và vitamin. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên đưa cây trồng xen khác có lợi ích về kinh tế và môi trường để thay thế cây mì. Theo đó, quy hoạch chuyển đổi nhà máy chế biến tinh bột mì vì môi trường xanh, sạch, sức khỏe, sản xuất của cộng đồng...

P. Hà- N. Bích

  • Từ khóa
41181

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu