Thứ 5, 18/04/2024 15:22:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:46, 14/01/2015 GMT+7

Bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc

Thứ 4, 14/01/2015 | 15:46:00 182 lượt xem
BP - Năm 2014 trôi qua với nhiều thách thức, là một năm không hề yên tĩnh trên biển Đông, trong đó sự kiện nổi cộm là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thềm lục địa nước ta. Cách xử lý sự kiện “Hải Dương 981” mang đậm tính nhân văn của người Việt, đó là: cảnh giác trong hợp tác, kiên quyết trong đấu tranh trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định: Biển, đảo là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

VỊ TRÍ QUAN TRỌNG CỦA BIỂN, ĐẢO

Việt Nam là một quốc gia ven biển, với đường bờ biển kéo dài khoảng 3.260km, trải dài trên 13 vĩ độ, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Bờ biển nước ta chạy qua 28 tỉnh, thành phố gồm 124 huyện, thị xã với 612 xã, phường (trong đó có 12 huyện đảo, 53 xã đảo). Việt Nam cũng là một quốc gia có nhiều hải đảo và quần đảo; ước tính có khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo có những lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Chính vì lẽ đó nên việc tiến ra biển, khai thác và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền các vùng biển, đảo là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng.

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới để vươn khơi bám biển là một trong những chính sách của chiến lược biển nước ta đến năm 2020 -  Ảnh Internet

Biển nước ta được xem như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia. Biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 10/14 cuộc chiến tranh xâm lược kẻ thù đã sử dụng đường biển để tấn công vào nước ta. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Hầu hết các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của nước ta đều nằm trong phạm vi cách bờ biển khoảng 100km nên rất dễ bị địch tiến công từ hướng biển. Nếu chiến tranh xảy ra thì mọi mục tiêu trên đất liền đều nằm trong tầm tàn phá của vũ khí trang bị công nghệ cao. Vì vậy, các quần đảo xa bờ, gần bờ phải được củng cố, xây dựng thành những căn cứ, triển khai các lực lượng bảo vệ thì sẽ làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.

NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN BIỂN, ĐẢO

Những đảo, quần đảo ven biển của nước ta có dân cư sinh sống như: Cô Tô, Cái Bầu (Quảng Ninh), Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Lớn, Hòn Tre (Khánh Hòa), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du (Kiên Giang)... Đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài khơi phía đông tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận vào đến các tỉnh Nam bộ, bao gồm nhiều đảo nhỏ, bãi cát ngầm, bãi đá, bãi san hô.  

(Nguồn: biendong.net)

Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong xử lý các mối quan hệ quốc tế và khu vực hiện nay là phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh, khôn khéo, không bị kích động, xúi giục gây xung đột vũ trang; giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trước sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông thời gian qua, nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển trở thành nhiệm vụ rất nặng nề, với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước ta xác định mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời... Để hoàn thành nhiệm vụ này, hơn lúc nào hết phải phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn vùng biển nói riêng và lãnh thổ của Tổ quốc nói chung.

Hiện nay, chúng ta đã và đang triển khai thực hiện “Chiến lược biển đến năm 2020” với những giải pháp phù hợp trong tình hình thực tế. Đây là chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Theo đó, việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực ven biển, trên biển và các đảo phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể phòng thủ chung. Xây dựng và phát triển phải mang tính hệ thống, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền, tạo nên thế trận liên hoàn vững chắc và thống nhất, sẵn sàng ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra.                    

Đức Hồng

  • Từ khóa
111210

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu