Thứ 6, 29/03/2024 21:41:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:14, 01/10/2014 GMT+7

Trợ giúp pháp lý:

Bảo vệ người yếu thế trong xã hội

Thứ 4, 01/10/2014 | 08:14:00 78 lượt xem
BP - Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh là nơi cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí thông qua các hình thức: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động...

Trợ giúp viên pháp lý hoạt động như những luật sư công, nghĩa là tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng khi có yêu cầu của tòa án các cấp để bảo vệ miễn phí quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người nghèo, người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, phụ nữ bị bạo hành gia đình, phụ nữ là nạn nhân bị xâm hại tình dục, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, vị thành niên.

 Chân dung trợ giúp viên pháp lý

Tốt nghiệp Đại học Luật (TP. Hồ Chí Minh) năm 2008, chị Trần Thị Loan về công tác tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp). Năm 2010, chị Loan được cơ quan cử đi đào tạo nghiệp vụ luật sư và chính thức trở thành trợ giúp viên pháp lý kể từ năm 2012. Chị Loan cho biết, từ đó chị đã tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng nhiều vụ án, bao gồm án hình sự và dân sự với tính chất và mức độ khác nhau. Trong số các vụ đã tham gia, trợ giúp viên pháp lý Trần Thị Loan cho biết, chị ấn tượng nhất là tham gia tố tụng với vai trò người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại trong vụ án hiếp dâm và dâm ô trẻ vị thành niên ở thôn Bình Đức I, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập). Chị Loan kể: Khi tìm hiểu vụ việc, tôi thấy hoàn cảnh gia đình của hai bị hại rất đáng thương. Thêm vào đó, theo kết luận giám định pháp y thì cả hai em đều không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Gia đình của bị hại thuộc hộ nghèo và 5/6 đứa con của gia đình này đều không bình thường, cuộc sống thiếu thốn trăm bề.

Với sự trợ giúp của chị Loan, bị cáo trong vụ án bị tuyên 22 năm tù và buộc bồi thường cho 2 bị hại 79 triệu đồng. Án đã tuyên, nhưng chị Loan cho rằng mình vẫn đau đáu về tương lai của bị hại khi phải sống trong một gia đình như thế. Cuối vụ án, chị Loan còn liên hệ với cha mẹ bị hại để tặng họ một ít quần áo cũ và tìm hiểu thông tin, tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ họ trong một vụ án khác.

Để tham gia tố tụng, tùy vụ án, trợ giúp viên pháp lý phải nghiên cứu tài liệu ít nhất từ 3-7 ngày, những vụ án càng khó càng mất nhiều thời gian. Tuy trợ giúp miễn phí nhưng họ đều xem đó là trách nhiệm đối với công việc cần phải hoàn thành nhiệm vụ với cơ quan. Đó cũng là động lực chính giúp họ ngày càng cố gắng trong chuyên môn.

Còn nhiều khó khăn

Năm 2013, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật 1.126 vụ, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng 40 vụ việc, trong đó 500 vụ được đánh giá chất lượng tốt.
 
6 tháng đầu năm 2014, trung tâm tư vấn pháp luật 300 vụ việc, tham gia tố tụng 34 vụ việc (trong đó đã hoàn thành tố tụng 16 vụ việc). 8 vụ việc đạt chất lượng tốt; 57 vụ đạt chất lượng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện.

Ông Phạm Đình Tiệm, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện trung tâm đã có 10 trợ giúp viên pháp lý, 49 cộng tác viên với 2 chi nhánh đang hoạt động tại 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp. Đánh giá chất lượng hoạt động tố tụng do trợ giúp viên pháp lý tham gia, ông Tiệm cho rằng chất lượng chưa cao vì đa số các trợ giúp viên pháp lý đều mới, kinh nghiệm chưa nhiều và chế độ đãi ngộ thấp.

Mặc dù trung tâm được thành lập từ năm 1998 nhưng đến nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, đơn vị chưa biết đến chức năng của nó. Chính vì vậy, đa số vụ án mà trung tâm cử người tham gia đều từ những buổi trợ giúp pháp lý lưu động, do tòa án các cấp yêu cầu. Theo ông Tiệm, tuy trợ cấp thấp nhưng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của trung tâm phần lớn đều trẻ và có tâm huyết. Chính vì vậy, ông hy vọng tên tuổi của trung tâm sẽ ngày càng có nhiều người biết đến.

Phương Dung

 

  • Từ khóa
49939

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu