Thứ 4, 24/04/2024 12:06:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:44, 28/11/2014 GMT+7

Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa

Thứ 6, 28/11/2014 | 08:44:00 773 lượt xem
BP - Ngày 23-11-2014 là kỷ niệm 10 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để mọi người hiểu rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn các di sản của dân tộc và nhân loại. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc góp vào nền văn hóa chung một sắc màu độc đáo, tạo nên bức tranh về văn hóa Việt Nam hết sức phong phú, đặc sắc và đa dạng.

Đờn ca tài tử là di sản văn hóa của nhân loại - Ảnh tư liệu

Không người Việt Nam nào lại không tự hào về những giá trị văn hóa mà tổ tiên đã để lại. Ai cũng tự hào với vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới; Phong Nha - Kẻ Bàng, động nước được coi là dài bậc nhất thế giới, cùng cả một vùng núi đá vôi với những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp. Cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vĩnh hằng. Đặc biệt, những di sản văn hóa do bàn tay con người kiến tạo như Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn... là những bằng chứng tuyệt vời cho nền văn hóa lâu đời của đất nước. Cùng đó, chúng ta có hệ thống di sản văn hóa mà không nơi nào có được, đó là: bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không gian cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, lễ hội Gióng, tục thờ Quốc tổ Hùng Vương, hát xoan, đờn ca tài tử...

Ngày 23-11-2014, tạp chí Vietnam Heritage tổ chức trao giải cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2014 (Vietnam Heritage Photo Awards 2014) Hồn Việt tại Dinh Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh). 100 tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được triển lãm tại Hà Nội. Trung tâm triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hà Nội) tổ chức trưng bày, triển lãm tư liệu, bản đồ, hình ảnh về Hoàng thành Thăng Long, cổ vật Thăng Long, ấn phẩm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến... Nhiều hoạt động khác sẽ diễn ra như: giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, giao lưu, tọa đàm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội...                                                                      (Nguồn: Bộ VH-TT&DL)

Kể từ tháng 12-1993, khi Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO quyết định ghi tên quần thể di tích Cố đô Huế vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới, đến nay, nước ta đã có 21 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên được nhận vinh dự đó. Không chỉ có những di sản văn hóa đã được thế giới công nhận mà hiện cả nước có trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và gần 1.000 di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ... Những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được một số tiến bộ. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ, phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hóa được tăng cường.

Những di sản văn hóa không chỉ là viên ngọc quý của dân tộc mà còn là tài sản chung của nhân loại. Tuy nhiên, vẻ đẹp của các di sản cũng không thể tồn tại bền lâu, vĩnh cửu. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phải được coi trọng. Trách nhiệm đó không chỉ thuộc về ban quản lý các khu di sản mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ai cũng có quyền tự hào về truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước và trách nhiệm học hỏi để hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa nhằm nâng cao ý thức bảo vệ bản sắc tinh hoa văn hóa dân tộc. Mới đây, trong khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của các quốc gia thành viên Công ước Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới với sự ủng hộ của đa số phiếu bầu. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng là trọng trách của một dân tộc có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy những giá trị tinh hoa của nhân loại hiện có trên đất nước mình.                                        

Thế Nhàn

  • Từ khóa
90976

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu