Thứ 7, 20/04/2024 08:38:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:43, 24/07/2015 GMT+7

Đậu đại học... nhưng trượt tốt nghiệp: Phải chấp nhận

Thứ 6, 24/07/2015 | 09:43:00 162 lượt xem
BP - Báo Bình Phước online ngày 15-7-2015 đăng bài “Tại sao có thể đủ điểm đỗ đại học nhưng... trượt tốt nghiệp” đặt ra vấn đề một học sinh có thể đủ điểm để vào đại học nhưng trượt tốt nghiệp. Tác giả đã liệt kê các trường hợp, kiến giải nguyên nhân và cho rằng đó là những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia. Dưới góc độ là một giáo viên, tôi xin chia sẻ ý kiến và có một số suy nghĩ khác với quan điểm của tác giả bài báo.

Trước hết, hiện tượng đủ điểm đậu đại học nhưng vẫn trượt tốt nghiệp như bài báo đã đăng sẽ không hiếm, nhưng không nhiều. Nguyên nhân là do trường hợp học sinh đủ điểm xét vào đại học khối A, B nhưng lại bị điểm liệt môn Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ. Ngược lại các em dự xét tuyển khối C và các khối năng khiếu không có môn Toán và Ngoại ngữ lại bị liệt môn Toán hoặc Ngoại ngữ. Cảnh ngộ “dở khóc, dở cười này” có phải là một bất cập của kỳ thi như bài báo đã nhận định không? Những trường hợp bị điểm liệt này có phải là “nạn nhân” của kỳ thi không? Tôi cho rằng không!

Những thí sinh bị liệt 1 trong 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, trượt tốt nghiệp đều không xứng đáng có mặt ở giảng đường đại học. Tại sao như vậy? Mục tiêu của giáo dục phổ thông là dạy cho các em những kiến thức khoa học cơ bản, những kỹ năng cần thiết để có thể học lên tiếp các trường chuyên nghiệp hoặc ra đời tham gia lao động sản xuất. Mục tiêu của giáo dục phổ thông hướng đến giáo dục toàn diện “Đức - Trí - Thể - Mỹ”. Một học sinh có tới 12 năm học tập và rèn luyện nhưng lại không vượt qua được 1,0 điểm (điểm tối thiểu để không bị liệt) thì không xứng đáng để học lên tiếp. Hơn nữa, đề thi năm nay được hầu hết chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo và thí sinh đánh giá là vừa sức, có mức độ phân hóa tốt. Vậy nên ở một môn không phải là thế mạnh thì việc một học sinh thậm chí có lực học trung bình yếu vẫn có thể làm được 1,25 điểm.

Tác giả bài viết “Tại sao có thể đủ điểm đỗ đại học nhưng... trượt tốt nghiệp” cho rằng: “Thông thường, học sinh thi khối A và B không chú trọng, thậm chí coi thường môn Văn”. Nhận định này có phần chủ quan và phiến diện. Học sinh thi các môn khối A, B không chú trọng đến môn Văn thì đúng nhưng các em không dốt Văn, không coi thường môn Văn. Thực tế dạy học cho thấy, những em học tốt các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh... tiếp thu môn Văn không tồi chút nào, nắm phương pháp làm bài có khi còn nhanh hơn các em học khối C. Các em không chuyên tâm vào môn Văn nhưng lại rất nhạy và chính xác nhất là khi làm các câu ở phần đọc - hiểu. Trường hợp cá biệt nếu học sinh giỏi Toán, Lý, Hóa mà thực sự coi thường môn Văn đến nỗi thi bị điểm liệt thì chúng ta cũng không nên “tiếc” những học sinh này. Đó là cái giá của việc các em học lệch, học tủ. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có lần đề nghị tất cả các thí sinh thi vào đại học phải thi hai môn bắt buộc là Toán - Ngữ văn. Đó có lẽ là cách để hướng người học đến sự toàn diện.

Tác giả bài báo còn đề nghị cách giải quyết để “cứu” các thí sinh này bằng cách “cho các em vẫn được học đại học và thi lại môn điểm liệt vào năm sau”. Cách giải quyết này có phần ngược đời. Chưa tốt nghiệp phổ thông, sao lại học đại học. Nếu  áp dụng cách làm này sẽ có trường hợp sinh viên đại học sau 4 lần thi kỳ thi THPT quốc gia vẫn bị điểm liệt thì hóa ra chúng ta sẽ có 1 người tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa tốt nghiệp THPT(?!)

Chủ trương đổi mới thi cử, có nhiều ưu điểm đang tạo được nhiều sự đồng thuận của xã hội không thể “chạy theo” một số ít học sinh “cá biệt” này. Tác giả cũng so sánh giáo dục và cách tổ chức thi cử Việt Nam với các nước khác và cho đó là bất thường. Đây là băn khoăn lớn của toàn xã hội. Nhưng vì sao chúng ta “không thể giống” các nước có nền giáo dục tiên tiến? Bởi vì điều kiện ở mỗi nước khác nhau rất xa. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, theo tôi, áp dụng kỳ thi “hai trong một” như vậy là hợp lý hoặc là chúng ta bỏ thi kỳ tốt nghiệp, xét và cấp chứng nhận học xong chương trình THPT và tổ chức kỳ thi đại học - cao đẳng.      

Ths. Vũ Văn Tuấn   

  • Từ khóa
85250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu