Thứ 6, 29/03/2024 05:12:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:07, 27/06/2019 GMT+7

Bảo tồn, phát triển kinh tế từ nguồn gen cây trồng quý hiếm

Thứ 5, 27/06/2019 | 06:07:00 925 lượt xem
BP - Nhắc đến Bình Phước là nhắc đến thủ phủ của cây cao su, tiêu, điều cùng nhiều loại cây ăn trái. Theo đó, người dân phát triển kinh tế cũng chủ yếu dựa vào các loại cây trồng chủ lực này. Thế nhưng, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được thiên nhiên ưu đãi, mảnh đất này còn chứa đựng rất nhiều tiềm năng cần được đánh thức. Mô hình phát triển kinh tế từ việc bảo tồn, nhân rộng nguồn gen cây dược liệu quý hiếm, có giá trị y học, kinh tế cao được Hợp tác xã (HTX) dược liệu Phúc Lộc Thọ Bình Phước đang triển khai tại địa bàn tỉnh là một minh chứng sống động.

Trồng khảo nghiệm thành công nhiều giống sâm quý hiếm 

Hộ anh Nguyễn Văn Sơn ở ấp 4, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) là thành viên và là nơi được HTX dược liệu Phúc Lộc Thọ Bình Phước chọn trồng khảo nghiệm khoảng 6.000 cây sâm bố chính và sáo tam phân. Đây là 2 trong số hàng chục giống sâm quý hiếm có trong tự nhiên trên lãnh thổ nước ta. Đặc biệt tại Bình Phước, 2 loại sâm này phát triển rất tốt và có giá trị dược liệu cao, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nên HTX đã dày công sưu tầm khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, HTX bỏ ra nhiều công sức, tiền của đưa về để bảo tồn, phát triển nguồn gen và nhân giống, sau đó cung cấp cho các thành viên HTX phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Từ khi tham gia và nắm được mục tiêu, định hướng phát triển của HTX, anh Sơn là một trong những người tiên phong, hưởng ứng mô hình này. Sau một thời gian nhân giống sâm thành công theo đúng quy trình kỹ thuật, hiện anh Sơn chuẩn bị một phần diện tích để trồng sâm. Anh rất kỳ vọng, đây sẽ là hướng đi mới, có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế gia đình.

Triển vọng kinh tế mang thương hiệu riêng của Bình Phước

Là Phó giám đốc HTX dược liệu Phúc Lộc Thọ Bình Phước, anh Lưu Văn Long, ngụ thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) đã chủ động, tích cực cùng ban lãnh đạo và các thành viên thúc đẩy HTX ngày càng phát triển. Ngoài sưu tầm, phát triển nguồn gen các giống sâm có trong tự nhiên đưa về trồng khảo nghiệm, gia đình anh cũng vận động người thân, bạn bè ở trong và ngoài địa bàn trồng 6 ha sâm bố chính. Sau 2 vụ, bước đầu mỗi héc ta cho thu hoạch khoảng 6 tấn củ, trừ chi phí thu 400 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, hiện vườn sâm của anh Long và người thân, bạn bè anh đã trồng tại các xã: Tân Tiến, Thuận Phú, Đồng Tâm (Đồng Phú), Tiến Hưng (Đồng Xoài), Đa Kia (Bù Gia Mập) và đang mở rộng sang huyện Bù Đốp với tổng diện tích khoảng hơn 10 ha.

Hai anh Lưu Văn Long và Cao Văn Khương chăm sóc vườn sâm bố chính tại thị trấn Tân Phú (Đồng Phú)Hai anh Lưu Văn Long và Cao Văn Khương chăm sóc vườn sâm bố chính tại thị trấn Tân Phú (Đồng Phú)

Cũng là thành viên HTX, anh Cao Văn Khương ở khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú cho biết, gia đình chỉ có 8 sào đất trồng điều và tiêu, nhưng do địa hình đất thấp trũng, mỗi năm chỉ thu về 10 triệu đồng, nay anh mạnh dạn chuyển sang trồng cây khác và chăn nuôi. Riêng sâm bố chính, anh dành hẳn 3 sào để trồng. Trước đó, anh đã tìm hiểu kỹ trên internet về công dụng, đồng thời được HTX tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và đặc biệt được bao tiêu đầu ra ổn định nên anh chọn loại cây này làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.

Là người sáng lập HTX dược liệu Phúc Lộc Thọ Bình Phước, anh Đặng Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết, tuy mới thành lập từ cuối năm 2018 nhưng ý tưởng và các điều kiện để HTX ra đời đã được anh và thành viên ấp ủ, chuẩn bị từ nhiều năm trước. Việc thành lập HTX mang tên dược liệu Phúc Lộc Thọ Bình Phước là một lựa chọn táo bạo. Vì đây là mô hình mới ở Bình Phước. Mục tiêu được HTX xác định từ ban đầu, đó là sưu tầm, nhân giống các loại sâm có trong tự nhiên, chủ yếu là sâm bố chính, đinh lăng, hà thủ ô, phát triển thương phẩm, thu mua, chế biến, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Anh Kiên khẳng định: Điều kiện đất đai, khí hậu ở Bình Phước rất thuận lợi để phát triển các loại sâm. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch 16 tháng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất sẽ đạt 1,5-2 tấn củ/1.000m2 đất, trừ chi phí, người trồng thu khoảng 60 triệu đồng/sào/năm.

Đến nay, tuy mới đi vào hoạt động nhưng dược liệu Phúc Lộc Thọ Bình Phước đã cho ra một số sản phẩm được chiết xuất, tinh chế từ các loại sâm của thành viên để cung ứng cho thị trường. Đồng thời, HTX đang chuẩn bị đầu tư một nhà xưởng 300m2 tại ấp 3, xã Đồng Tiến (Đồng Phú), gồm một hệ thống kho nguyên liệu, nhà sấy, lò chưng cất tinh dầu và đóng gói sản phẩm. Song song đó, HTX cũng sẽ tiếp tục sưu tầm, bảo tồn, nhân giống nhiều nguồn gen sâm quý hiếm khác hiện có ở Việt Nam và nhất là tại địa bàn Bình Phước. Trong đó, có thể kể đến sâm cau đại hành, ngải tím, sáo tam phân và đặc biệt cát sâm - loại sâm trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm 1A, nguy cơ bị tuyệt chủng, cần bảo tồn khẩn cấp.

Ngoài giá trị thực tiễn với triển vọng kinh tế theo hướng bền vững và tiến tới làm giàu từ chính những loại cây cỏ dại quý hiếm, HTX dược liệu Phúc Lộc Thọ Bình Phước đã, đang góp phần bảo tồn, gìn giữ những loại dược liệu vô cùng quý hiếm của dân tộc có sẵn trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng, riêng có của Bình Phước. Tuy nhiên, để tạo thêm động lực, giúp HTX phát triển ngang tầm, xây dựng được các quy chuẩn về thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường, đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành trong tỉnh, nhất là về vốn, thủ tục pháp lý xây dựng thương hiệu, quy trình VietGAP...

Quốc Phong

  • Từ khóa
44597

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu