Thứ 6, 29/03/2024 03:46:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:19, 12/04/2019 GMT+7

Bạo lực với học sinh là phản giáo dục

Thứ 6, 12/04/2019 | 09:19:00 153 lượt xem
BP - Bên cạnh gia đình, trường học là mái nhà thứ hai nuôi dưỡng trí tuệ, nhân cách cho học sinh, nhất là với học sinh bậc tiểu học. Đây thực sự là gánh nặng đặt ra với trường học khi phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ dạy học và giáo dục. Niềm tin này tuy là áp lực nhưng cũng dựa trên cơ sở thầy cô có phương pháp giáo dục chuẩn và hầu hết thời gian (8-10 giờ) trẻ ở trường. Đặc biệt ở bậc tiểu học, trẻ thường nghe lời, chịu ảnh hưởng cách dạy dỗ của thầy cô hơn cha mẹ.

Cũng vì thế, hầu hết cha mẹ mong muốn giáo viên tiểu học uốn nắn trẻ bằng tình cảm chứ không phải roi vọt. Là cha mẹ, ai cũng buồn nếu con mình bị bạn và đặc biệt là cô giáo đánh. Và người viết bài cũng không ngoại lệ. Mới đây, khi vừa đi học về, con tôi liền nghiêng đầu vào mẹ và nói với giọng buồn buồn: “Mẹ ơi, đầu con giờ ấn vào vẫn còn đau nè!”; “Sao vậy con?”; “Cô giáo quản lý học sinh ngủ đã lấy vành nón đập lên đầu khi con trêu chọc bạn V.H giờ ngủ trưa”; “Tại con có lỗi trước mà...”.

Sau một hồi giải thích cô đánh con vì bực mình, vì con sai nhưng tôi cũng nói cho con hiểu, cô đánh con cũng sai, mẹ sẽ trao đổi lại với cô, còn con phải sửa lỗi của mình... Sau đó con nhận lỗi và vui vẻ trở lại, tôi mừng nhưng vẫn áy náy vì sao cô giáo lại dạy trẻ một cách phản cảm như thế? Vẫn biết, để có một cây cảnh đẹp thì người làm vườn phải uốn nắn rất công phu, giống như muốn có một học sinh tốt, thầy cô phải được gia đình và xã hội giao cho cái quyền nhất định để uốn nắn, dạy dỗ! Và với trường hợp con tôi, nếu cô dùng biện pháp khác và nhỏ nhẹ nói rõ để lần sau cháu không tái phạm thì tôi rất đồng tình. Bạo lực với học sinh là phản giáo dục, thể hiện giáo viên đó không đủ năng lực sư phạm. Đánh lên đầu trẻ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí có thể gây ra hậu quả khó lường. Đó là chưa kể, những đứa trẻ tính cách khác nhau sẽ phản ứng trước đòn roi khác nhau. Có trẻ cá tính mạnh sẽ xem việc bị cô đánh “không thành vấn đề”; nhưng có trẻ sẽ càng thêm nhút nhát, thụ động, thiếu tự tin sau khi bị cô phạt...

Tôi liên tưởng tới việc cho con đi học thêm hè cách đây đã 3 năm. Mỗi khi chuẩn bị ra khỏi nhà để đi đến lớp học thêm là con co rúm người lại: “Con ghét cô, con không học cô ấy đâu...!”. Vài lần có cả dỗ ngọt lẫn áp đặt (vì không có người trông), thấy việc học thêm ảnh hưởng xấu đến tâm lý con, tôi đành phải cho nghỉ. Tìm hiểu mới biết, cô giáo này thường xuyên lấy thước quất lên tay, lên vai khi bé trái lời cô, thậm chí làm bài xong mà quay sang nói chuyện với bạn bên cạnh cũng bị cô đánh thẳng tay... Sau nhiều năm gặp lại cô trên đường, con tôi vẫn còn nhận xét: “Cô Q kìa, cô ấy dữ lắm mẹ ơi!”.

Đúng là mọi cô giáo đều muốn tốt cho học sinh. Nhưng những đứa trẻ non nớt và chỉ cảm nhận được sự quan tâm khi cô thể hiện bằng sự yêu thương. Vì vậy, nên cho trẻ hiểu hết giá trị của tình cảm, tôn trọng thay vì sử dụng bạo lực để “nói chuyện” với các em. Muốn việc giáo dục trẻ tốt, đương nhiên cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Đồng thời, người có trách nhiệm cần xác định rõ đâu là giáo dục, đâu là bạo hành để tạo nên những thế hệ học sinh có cả tài và đức.

An Nhiên

  • Từ khóa
109086

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu